Dòng tiền trở lại
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 22/2, thị trường chứng khoán đã đóng cửa với sắc xanh trên toàn thị trường với chỉ số VN-Index tăng 1,34 điểm (0,14%) lên 988,91 điểm, HNX-Index tăng 0,7 điểm (0,66%) lên 106,82 điểm.
Đáng chú ý, chỉ số VN – Index đại diện cho thị trường đã có phiên tăng điểm thứ 5 trong vòng 1 tuần qua. Bên cạnh đó, hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" đã không còn rõ ràng như tuần sau Tết, khi lực tăng đều trên toàn toàn sàn. Cụ thể, HOSE có 144 mã tăng, 152 mã giảm và 59 mã đứng giá; sàn HNX có 82 mã tăng, 63 mã giảm và 66 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường cũng giữ ở mức cao so với bình quân từ tháng 10 năm ngoái. Đã có 215,6 triệu cổ phiếu được giao dịch trên sàn HOSE với giá trị 4.970 tỷ đồng và gần 37 triệu cổ phiếu trên HNX với giá trị 533 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn đang đặt niềm tin vào chứng khoán Việt Nam, khối này gần như liên tục tích luỹ cổ phiếu Việt Nam kể từ đầu năm đến nay. Riêng phiên giao dịch cuối tuần, NĐT nước ngoài đã tiếp tục mua ròng 62 tỷ đồng trên thị trường. Những cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất trong phiên là STB, SSI, POW, HPG, EIVFVN30,...
Đây là phiên thứ 32 liên tiếp khối ngoại mua ròng chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30. Ngược lại, những cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là VJC của hãng hàng không VietJet với giá trị gần 77 tỷ đồng, CTG 20 tỷ đồng; FLC 18 tỷ đồng,…
Tâm điểm cổ phiếu ngân hàng
Thêm một điểm đáng chú ý trong phiên tăng điểm cuối tuần là dòng tiền đã có sự dịch giữa các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sau 2 tuần sau Tết liên tục kéo VN Index tăng thì hiện 2 cổ phiếu VHM và VIC đã bắt đầu điều chỉnh. Theo đó, các chỉ số thị trường trong phiên hôm nay tăng điểm là nhờ sự bùng nổ ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí và các cổ phiếu lớn như HPG, HSG, SSI, VNM, VRE… cũng duy trì được đà tăng tốt.
Đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu có tỷ lệ đóng góp lớn vào chỉ số là VCB có mức tăng 3,2% lên 62.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh 2,5 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu CTG có mức tăng 3,4% lên 21.100 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh tăng đột biến hơn 13 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu tăng nhẹ nhưng thanh khoản cũng được cải thiện như ACB, MBB, TCB,…cho thấy dòng tiền có vẻ như đang quan tâm nhiều hơn về nhóm cổ phiếu này sau một năm 2018 kết thúc trong ảm đạm.
Cùng với triển vọng lợi nhuận không thực sự sáng sủa khi tín dụng tăng trưởng thấp khiến khiến nhóm cổ phiếu Ngân hàng mất đi sức hấp dẫn. Nhóm cổ phiếu này hầu hết giảm mạnh từ quý II/2018 và chỉ một số phục hồi khá sau đợt suy giảm. Trong đó, những cổ phiếu như VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, CTG của Vietinbank, TCB của Techcombank có sức bật yếu hơn cả.
Theo nhận định của giới phân tích, những thông tin được kỳ vọng nhất trong năm nay đó là khả năng tăng vốn của các ngân hàng để tháo gỡ nút thắt tăng trưởng tín dụng và gia tăng lợi nhuận. Sau BIDV và Vietinbank, Vietcombank mới đây cũng đã đề xuất tờ trình lấy ý kiến cổ đông cho phép tăng vốn trong năm nay.
Thông tin mói nhất, tại Hội nghị Phát triển Thị trường Chứng khoán năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, trang Người Đồng Hành đã dẫn lời ông Kanetsugu Mike,Tổng Giám đốc Ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) đến từ Nhật Bản cho biết, MUFG sẽ sẵn sàng hỗ trợ Vietinbank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh.
MUFG là cổ đông lớn đang sở hữu 19,7% vốn điều lệ Vietinbank. Theo ông Kanetsugu Mike, việc tăng vốn hiện nay đối với Vietinbank là hết sức cấp thiết và mong Chính phủ Việt Nam ủng hộ việc này.
Còn theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital – nhà quản lý quỹ đầu tư lớn nhất tại VN đề xuất, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng huy động vốn theo basel II, Chính phủ có thể cho phép room ngoại tại các nhà bằng từ 30 lên 49%.
Được biết, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý hiện đang có tổng tài sản ròng (NAV) gần 1,5 tỷ USD. Ngân hàng vẫn là khẩu vị của nhà đầu tư này với 2 cổ phiếu ACB và MBB chiếm khoảng 12,4% NAV.
Bình luận