Trước khi xảy ra những biến động liên tiếp gần đây, nhiều mã cổ phiếu đã có đà tăng sốc 2-3 lần, mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho các nhà đầu tư.
Cổ phiếu doanh nghiệp nhỏ tăng "sốc" gấp 7 lần
Từ giữa năm 2017 đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng một mạch từ ngưỡng 600-700 điểm lên mốc 1.130 điểm hiện nay. Kéo theo đà tăng của VN-Index, hàng loạt cổ phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận đà tăng gấp nhiều lần, mang về khoản lợi nhuận kếch xù cho các nhà đầu tư nắm giữ trước đó.
Cổ phiếu tăng “sốc” nhất từ đầu năm đến nay chính là KPF của CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh, một doanh nghiệp khai thác đá, cát, sỏi... Đầu năm, KPF chỉ có giá trên 5.000 đồng/cổ phiếu, sau hàng chục phiên tăng trần liên tiếp, thị giá KPF được đẩy lên ngưỡng 42.000 đồng và hiện được giao dịch với giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm, thị giá KPF đã tăng gấp 7 lần.
Đáng chú ý, KPF chỉ là một doanh nghiệp vật liệu xây dựng với số vốn hơn 176 tỷ đồng và lợi nhuận hàng năm chỉ trên dưới 10 tỷ đồng.
Trước đó, thị giá KPF chỉ được giao dịch ở mức không quá 10.000 đồng/cổ phiếu suốt thời gian dài.
AME hiện có giá 14.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần đầu năm, thậm chí có thời điểm AME giao dịch với giá trên 16.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản lại tương đối thấp, nhiều phiên liền không có giao dịch.
Alphanam E&C là doanh nghiệp nằm trong "hệ sinh thái" Alphanam của đại gia Nguyễn Tuấn Hải. Ông Hải trước đây cũng là thành viên HĐQT công ty nhưng đã được miễn nhiệm từ giữa năm 2017. Hiện ông Nguyễn Minh Nhật (con trai ông Hải) đang là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, nắm giữ 7,2% vốn Alphanam E&C.
Trong năm 2017 vừa qua, doanh thu thuần của Alphanam E&C tăng mạnh 87%, giúp công ty thu về khoản lãi ròng tới 15 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2016. Hiện công ty cũng đang có khoản lãi lũy kế hơn 27 tỷ đồng.
Một cổ phiếu có đà tăng tím trần nhiều phiên gần đây là CAG của CTCP Cảng An Giang. Với vốn điều lệ 138 tỷ đồng, công ty này đang vận hành và quản lý nhiều cụm cảng tại tỉnh An Giang.
Từ đầu năm 2018, CAG đã tăng một mạch từ mức giá dưới 14.000 đồng/cổ phiếu lên gần 38.000 đồng hiện nay, tức tăng gần 3 lần. Tuy nhiên, giống Alphanam E&C, thanh khoản của Cảng An Giang cũng tương đối thấp, nhiều phiên không có giao dịch. Những phiên xuất hiện giao dịch cũng chỉ khoảng 100 cổ phiếu.
Một loạt cổ phiếu doanh nghiệp khác cũng có đà tăng giá gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, như CTCP Xây dựng & Kinh doanh Vật tư -CNT tăng hơn 223%; CTCP Đạt Phương (DPG) tăng hơn 160% hay đà tăng gấp đôi thị giá của CTCP Lilama 69-1 (L61) giá 17.000 đồng, CTCP Xuất nhập khẩu Hàng không (ARM) giá 51.300 đồng, CTCP Nam Việt (ANV) 20.800 đồng…
Cổ phiếu nhà giàu làm thị trường sôi động
Đà tăng mạnh không chỉ xuất hiện tại các cổ phiếu nhỏ mà nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành cũng ghi nhận thị giá tăng hàng chục phần trăm.
Với việc thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm lớn tại Việt Nam như CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An; Thủy sản Bến Tre, Giống cây trồng Trung ương, Bibica hay mới nhất là Thực phẩm Sao Ta… CTCP Tập đoàn Pan (PAN) hiện được xem là một “ông lớn” trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2017, PanGroup cũng thu về khoản lợi nhuận ròng lên tới 501 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2016, nhờ doanh thu tăng mạnh trong kỳ. Với hàng loạt thông tin hỗ trợ, cổ phiếu PAN đã tăng rất nhanh từ cùng giá 35.000 đồng lên đỉnh 69.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.
Với mức vốn điều lệ 1.177 tỷ đồng, PanGroup hiện có vốn hóa lên tới hơn 8.200 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và tài chính là những cổ phiếu được chú ý nhiều nhất thời gian qua, nhờ đà tăng ấn tượng. Cổ phiếu ngân hàng có đà tăng mạnh nhất chính là VPB của VPBank khi tăng tới 65%.
Cụ thể, VPB hiện có giá lên tới 65.100 đồng/cổ phiếu (8/3) và là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tiệm cận mức giá của Vietcombank (VCB), trong khi 3 tháng trước đó, thị giá VPB chỉ dưới 40.000 đồng. Cổ phiếu VPB những phiên giao dịch gần đây cũng trở thành lực kéo giúp chỉ số VN-Index tăng điểm cùng với hàng loạt blue chip khác.
Nhiều cổ phiếu “ông lớn” khác cũng có đà tăng giá rất mạnh trong 3 tháng qua như Vietjet Air (VJC) tăng 62%; VND của Chứng khoán Vndirect tăng 54%; VIC của Tập đoàn Vingroup tăng 47%...
Bình luận