Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một trong những yêu cầu bức thiết mà Chính phủ đặt ra trong nhiều năm qua. Cổ phần hóa góp phần giúp doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Thế nhưng, trong quá trình cổ phần hóa, nhiều tiêu cực đã nảy sinh. Một trong những tiêu cực đó chính là việc doanh nghiệp cố ý để cho lãnh đạo thâu tóm, không chỉ thâu tóm mà còn thâu tóm với mức giá rẻ mạt.
Cổ phần hóa Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) là một trong những ví dụ điển hình nhất. Quá trình cổ phần hóa DQC diễn ra không đúng quy định khiến công ty rơi vào tay một số thành viên gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Tổng giám đốc DQC.
Rồi hàng loạt thương vụ cổ phần hóa “giá bèo” như Kem Tràng Tiền, Hãng phim truyện Việt Nam,… cũng khiến dư luận bức xúc vì tài sản của Nhà nước được định giá quá thấp, từ đó “rơi” vào tay tư nhân với mức giá rẻ như cho.
Thế nhưng, điều đó không xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL). RAL thành lập năm 1961 với ngành nghề kinh doanh bao gồm: Sản xuất kinh doanh các mặt hàng bóng đèn, phích nước và các sản phẩm thủy tinh. RAL là 1 trong 3 nhà máy đầu tiên được Chính phủ và Bác Hồ đích thân lựa chọn, xây dựng. Sản phẩm đầu tiên của nhà máy là bóng đèn tròn và phích nước.
Ngày 30/3/2004, RAL chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Sau khi cổ phần hóa, công ty phát triển cả về lượng và chất, doanh số tăng mạnh. 2006 là năm bước ngoặt khi công ty áp dụng nhiều công nghệ mới cũng như chuẩn bị cho niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Thế nhưng, các con số tăng trưởng của RAL lại không gây ấn tượng với nhà đầu tư bằng cơ cấu cổ đông của công ty. Như đã nói ở trên, khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp Nhà nước thường rơi vào tình trạng hoặc để công ty bị người ngoài thâu tóm hoặc bị thâu tóm bởi lãnh đạo doanh nghiệp. Thế nhưng, RAL đã vượt qua được “cửa ải” này.
Tại ngày 31/8/2006, cổ đông Nhà nước chỉ có 1 và không nắm giữ tỷ lệ chi phối. Cụ thể, cổ đông nhà nước chỉ sở hữu gần 1,7 triệu cổ phiếu RAL, tương đương 21% vốn điều lệ công ty. Đây là điều khác biệt so với nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác.
Tại RAL, người lao động trong công ty là cổ đông lớn. Có tới 576 người sở hữu gần 2,2 triệu cổ phiếu, tương đương 27,05% vốn RAL. Đáng kể nhất, lãnh đạo không được ưu tiên thâu tóm công ty như nhiều đơn vị khác. 8 sếp trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát nắm giữ chưa tới 150.000 cổ phiếu RAL, tương ứng 1,81% vốn.
Cho tới nay, đã 12 năm trôi qua, RAL vẫn “trung thành” xu hướng “công ty thuộc về người lao động”. Cho đến thời điểm hiện tại, người lao động ngày càng chứng tỏ vai trò “chủ sở hữu” của mình tại RAL.
Theo cơ cấu cổ đông, hiện tại, Công đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là cổ đông lớn nhất tại đây khi nắm giữ tới gần 5 triệu cổ phiếu RAL, tương đương 43% vốn công ty. Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người lao động. Tại RAL, công đoàn đã đại diện cho người lao động sở hữu doanh nghiệp.
Công đoàn RAL đã hoạt động rất tích cực để mang về quyền lợi cho người lao động. Cách đây hơn 2 năm, Công đoàn rất nỗ lực kế hoạch mua lại phần vốn công ty từ SCIC nhưng thất bại. Tới tháng 2/2017, Công đoàn đã mua vào 410.900 cổ phiếu RAL, tương đương tỷ lệ 3,57%, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại RAL từ 39,38% lên 42,96%. Ngày giao dịch làm thay đổi sở hữu là ngày 8/2/2017.
Ngoài Công đoàn sở hữu 43% vốn công ty, người lao động cũng nắm giữ nhiều cổ phiếu RAL khác cho riêng mình. Công đoàn và người lao động RAL nắm giữ khoảng 9 triệu cổ phiếu RAL, tương ứng 78% vốn công ty.
Vì vậy, có thể nói, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là công ty của người lao động, do người lao động sở hữu và vận hành, chứ không thuộc về bất cứ lãnh đạo hay “đại gia cá mập” nào.
Video: Gần 1 năm cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam giờ ra sao?
Bình luận