Tận tụy vì học sinh nghèo
Cô giáo Bùi Thị Linh sinh năm 1962 ở xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Năm 1984, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa Văn, cô Linh về các xã đặc biệt khó khăn, lạc hậu của Lạc Sơn như Bình Hẻm, Quý Hòa, Miền Đồi... truyền dạy cái chữ cho trẻ em. Sau đó, cô được phân công về công tác ở Phòng Giáo dục huyện Lạc Sơn. Đến năm 1994, cô về công tác ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Lạc Sơn, khi vừa mới thành lập. Các thầy cô của trường hiện tại, vẫn nhớ những ngày đầu muôn vàn khó khăn đó. Trường chỉ có 2 lớp học nhà tranh, vách đất với 40 học sinh. Năm 2003, cô Linh được đề bạt làm Hiệu phó, năm 2007, cô trở thành Hiệu trưởng nhà trường.
Dù ở cương vị nào, cô Linh cũng là một giáo viên tận tụy, mẫu mực. Đặc biệt, nhiều học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa xuống học, nhớ nhà, khóc lóc đòi về. Bản thân cô Linh đã kết hợp cùng những giáo viên khác chăm sóc, động viên. Cô Linh còn đón những em đó về nhà mình, nuôi nấng, chăm sóc để cho các em quen với môi trường mới. Cô bảo: "Chúng tôi dạy các em, không chỉ bằng tâm huyết của người thầy, mà còn bằng cả tấm lòng của người cha, người mẹ. Nên chúng tôi không tính toán gì khi chăm sóc các em tận tình cả".
Cô Nguyễn Thị Chương, một cô giáo rất khâm phục những việc làm của cô Linh, là người đã sắp xếp để chúng tôi gặp cô, cho biết: "Cô Linh gắn bó với nhà trường từ sáng đến tối, việc làm của cô là đón một số em không chịu học về nhà mình, nuôi nấng, chăm sóc. Trong đó có em thận yếu dẫn đến việc đái dầm vào lúc đi ngủ. Thế mà cô vẫn tươi cười, coi học sinh như con, giúp đỡ các em hòa nhập với môi trường mới. Khi các em ốm, thì cô lại là người tận tụy mua thuốc, chăm chút cho từng em nhỏ. Vào ngày nghỉ, những giáo viên như chúng tôi được về đoàn tụ với gia đình, còn cô Linh vẫn ở lại trực, gìn giữ an toàn cho các em khỏi bị các đối tượng bên ngoài vào dụ dỗ, quậy phá".
Cô giáo Linh và các học trò. |
"Chúng con muốn gọi cô là mẹ"
Trường PTDTNT Lạc Sơn có khoảng 250 học sinh, mỗi năm hơn 60 em ra trường thì chỉ tiêu đầu vào cũng ổn định con số như vậy. Đây là một loại hình trường chuyên biệt, vừa dạy dỗ, vừa nuôi dưỡng để các em phát triển nhân cách. Tuy học sinh vùng khó khăn, được hưởng mọi chế độ của nhà trường từ ăn, ở, học, vui chơi, nhưng chính tình cảm của những cô giáo như cô Linh đã làm cho các em thấy gần gũi, ấm áp, hăng say học tập. Học sinh trong trường ở cấp II, tức là từ lớp 6 đến lớp 9. Khi các em bước vào học lớp 6, cũng là khi các em từ giã ngôi trường ở khu vực mình sinh sống từ bé, nên nhiều em thấy sợ hãi, ngỡ ngàng và trở nên nhút nhát.
Cô Linh cho biết, nhiều em học sinh lớp 6 rất còi cọc, đen đúa, nhiều em còn chưa biết viết, đọc cũng chẳng thông. Những trường hợp như vậy, cô Linh bỏ tiền mua vở ô li về rèn chữ cho các em, để các em có thể viết tốt, theo kịp bạn bè. Rồi chính cô lại là người chấm điểm, để các em thi đua học tập, rèn luyện.
Không chỉ khó khăn trong việc dạy dỗ học sinh cái chữ, các thầy cô giáo của nhà trường còn phải đảm bảo cho các em sinh hoạt, ăn uống đủ chất, giữ gìn được sức khỏe để học tốt, rèn luyện tốt. Có học sinh mới nhập trường, không hợp khẩu vị, bỏ ăn, cô Linh lại nhắc nhở để điểu chỉnh, chế biến, nấu ăn cho hợp khẩu vị giúp các em có thể ăn uống tốt hơn.
Các thầy cô của trường vẫn nhớ hình ảnh của em Bùi Văn Bằng, Bùi Thị Hằng, Bùi Huy Cầu... cứ nằng nặc đòi về, hoặc đòi bố mẹ phải ở lại khi gia đình đưa các em đến học. Sau khi cô Linh động viên, đưa về nhà chăm sóc, thì các em đã trở thành những học sinh khá, rất yêu trường lớp. Các em cũng trìu mến gọi cô Linh bằng mẹ. Giờ các em chỉ muốn ở lại trường, để được học và sống bên cạnh cô Linh. Nhiều năm nay, năm nào cô Linh cũng cưu mang từ 3 đến 6 học sinh, rồi bằng chính những học sinh này, cô nêu lên làm tấm gương chịu khó học, vượt qua nỗi nhớ nhà để giáo dục những học sinh khác.
Năm học 2009 - 2010, nhà trường được xếp loại tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Nhà trường cũng là lá cờ đầu trong khối các trường dân tộc nội trú của tỉnh Hòa Bình. Có kết quả đó, là nhờ sự nỗ lực cố gắng của các giáo viên và học sinh trong trường, đặc biệt là sự đôn đốc sát sao, sự tận tụy của "người cầm trịch" - cô Bùi Thị Linh.
Các thầy cô trong nhà trường luôn coi cô Linh là tấm gương sống giản dị, luôn hòa đồng với đồng nghiệp và yêu thương học trò. Bản thân cô cũng không ngừng học tập, tự rèn luyện để làm giàu kiến thức cho bản thân. Với những thành tích đã đạt được và tình yêu của một người đưa đò thầm lặng, cô Linh nhiều lần được tặng bằng khen. Nhưng với cô Linh, không bằng khen nào quý giá bằng sự yêu quý, và mến mộ của học sinh. Và mỗi năm, người đưa đò tận tụy ấy lại mỉm cười, khi học sinh của mình cất lên: "Cô ơi, chúng con muốn gọi cô là mẹ!"
Theo CAND“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400. |
Bình luận