Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM cho biết, Nghị quyết 30 của Chính phủ sửa đổi khoản 4 nghị quyết số 144, kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh. Đây là những tháo gỡ hết sức cần thiết và kịp thời, vì ở bệnh viện, hơn 80% máy móc trang thiết bị về xét nghiệm là theo hình thức mượn, đặt.
“Cởi trói” cho bệnh viện
Bác sĩ Trần Văn Khanh cho rằng, việc đưa các thiết bị cho, tặng nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân vào để khám, chữa bệnh cũng tạo nhiều thuận lợi cho các bệnh viện. “Qua thời gian chống dịch COVID-19, nhiều các máy móc thiết bị y tế được tài trợ. Nghị định đã hướng dẫn để làm các thủ tục để sử dụng hiệu quả. Bảo hiểm y tế cũng thanh toán đối với các thiết bị này, rất thuận lợi cho các đơn vị y tế”, ông nói.
Theo lãnh đạo một bệnh viện chuyên khoa hạng 1 ở TP.HCM, sự ra đời kịp thời của Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ nhanh chóng tháo nút thắt cho ngành y tế. Đặc biệt, Nghị quyết 30 cho phép trong đấu thầu vật tư, đồng ý các gói thầu báo giá dưới 3 nhà thầu. Lâu nay, các bệnh viện rất khó để kiếm đủ 3 nhà cung cấp với 3 mức giá khác nhau.
Tuy nhiên, khi bệnh viện quyết định lựa chọn nhà thầu, cần tránh tình trạng "vin" vào chỉ định thầu, mua chủng loại mình mong muốn mà hiệu quả và chi phí đầu tư không phù hợp. Các bệnh viện nếu không minh bạch thì có thể dễ rơi vào tình huống chỉ định thầu, đòi hỏi các bệnh viện thể hiện tinh thần trách nhiệm. Làm sao khi các thiết bị đã được Hội đồng khoa học công nghệ của bệnh viện quyết định chọn thì phải mang tính tối ưu về hiệu quả và chi phí đầu tư.
Nỗi lo “hậu kiểm”
Dù đánh giá cao tính kịp thời của Nghị quyết 30, gỡ khó được về yêu cầu 3 báo giá, song nhiều ý kiến lo lắng về tình huống liệu công ty báo giá có sát với giá nhập từ nước ngoài hay không? Việc giám sát, thanh kiểm tra sau đó hầu như đều tập trung vào giá này. Do vậy, cần có cơ quan chủ trì, giám sát, để bảo vệ những người làm công tác mua sắm, đấu thầu.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cần một cơ quan chủ trì định giá để bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế, vì các hoạt động thanh tra, kiểm tra sau đó hầu như đều xoáy vào việc báo giá.
Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM bày tỏ, Nghị định 07, Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành là cơ sở pháp lý, và ngành y tế thành phố hạ quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Ông lo ngại, các chính sách đưa ra biện pháp giải quyết những khó khăn trước mắt, vì vậy mỗi cơ sở y tế sẽ có cách hiểu và vận dụng quy định khác nhau. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức trao đổi, thống nhất một số hướng giải quyết để các bệnh viện triển khai thực hiện 2 văn bản trên.
Trong quá trình thực hiện, Sở sẽ tổ chức tập huấn để thống nhất cách làm, lắng nghe những vướng mắc của các bệnh viện. Đồng thời, tổ công tác của Sở Y tế cũng sẽ khảo sát, ghi nhận khó khăn khi triển khai trên thực tế.
Ông Tăng Chí Thượng cho hay: "Hàng tuần, ban giám đốc Sở Y tế sẽ họp trực tuyến để nghe các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm trang thiết bị y tế theo tinh thần Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Dự kiến sau một tháng, ngành y tế thành phố sẽ đánh giá lại và tiếp tục kiến nghị nếu có vướng mắc phát sinh cho Bộ Y tế và lãnh đạo Thành phố biết để có những giải pháp tiếp theo”.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ chỉ mang tính tạm thời, "chữa cháy". Các bộ, ngành không riêng ngành y tế phải sửa các luật theo hướng thoáng hơn, cụ thể là Luật Đấu thầu, các nghị định, thông tư về mua sắm...
Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần sự tham gia trách nhiệm hơn nữa của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư, do đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không chỉ là chuyên môn y tế. Trong sửa đổi Luật Đấu thầu sắp tới, nên có một quy định riêng cho thuốc và trang thiết bị y tế.
Bình luận