“Nói đơn giản anh Trọng Thanh là một trong những người đi đầu, đi lặng lẽ, đơn độc trong cuộc kiếm tìm ảnh nude”, ông Nguyễn Thắng- Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam - nói.
Ngột ngạt
Cái nhìn của những năm 80 thế kỷ trước về ảnh nude - khi cố nghệ sĩ Trọng Thanh bắt đầu lần bước chụp thể loại này - khá khắc nghiệt. “Nude không được coi là nghệ thuật. Nó bị đánh đồng với đạo đức. Mọi người nhìn thể loại này như biểu hiện suy đồi lối sống”, ông Thắng nhớ lại.
Hơn thế, nghệ sĩ thời đó cũng đã có một tấm gương “tày liếp” từ những năm 60. Hồi đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam (sau này được giải thưởng Hồ Chí Minh) có chụp một vài tấm ảnh khỏa thân. Oái oăm là một trong những cô người mẫu đó lại lên Hà Nội mà chưa xin phép bố mẹ nên người nhà đi báo công an. Khi công an tìm thấy, cô khai trong thời gian đó có mấy nhà báo chụp ảnh nude cho mình.
Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh - Ảnh: do gia đình cung cấp.
“Công an mới đến cơ quan tôi để làm việc. Lúc bấy giờ tôi cũng ngây thơ, có bao nhiêu phim đưa cả cho họ xem, nghĩ rằng việc mình sáng tác nghệ thuật thì không sao... Tôi bị đưa lên ô tô rồi cho thẳng vào Hỏa Lò... Sau một tháng tôi nhận lệnh tha, ghi rõ đã chụp ảnh khỏa thân làm hại cho thuần phong mỹ tục, nên cảnh cáo tha”, sau này nghệ sĩ Mai Nam nhớ lại.
Sau chuyện chấn động của nghệ sĩ Mai Nam, nghệ sĩ dù có nghĩ nude là nghệ thuật thì cũng không ngây thơ đến mức “trình làng” việc mình chụp nude nữa. Cho dù việc chụp một vài cô thiếu nữ dân tộc tắm suối như một phong tục vẫn được công khai phần nào.
“Vì thế thông tin về việc anh Trọng Thanh chụp nude cũng rất buồn cười”- ông Thắng nói - “Nó là chuyện bí mật, tuyệt đối không công bố. Nhưng nghệ sĩ đã chụp, đã làm nên tác phẩm bao giờ cũng muốn chia sẻ. Rồi tin lan ra cách nào đó mà rất nhiều người rỉ tai nhau rằng anh chụp nude, chụp nude rất đẹp. Tại Báo ảnh những năm 90, thỉnh thoảng lại có những cuộc “sinh hoạt nghiệp vụ” nho nhỏ về ảnh nude của anh Thanh. Thường, khi chỉ có 2-3 người được chọn trong phòng, anh đóng kín cửa và chúng tôi xem ảnh. Anh chọn người xem khá kỹ - phải là những người muốn tìm hiểu cái mới, bởi với anh và nghệ sĩ chúng tôi, chụp nude là sáng tác nghệ thuật”.
Biểu tượng đẹp
Chính vì các buổi “họp nhóm” hết sức lẻ tẻ như thế mà số người được xem ảnh nude của nghệ sĩ Trọng Thanh không nhiều, và không ai dám chắc mình đã được xem hết tác phẩm của ông. Công chúng càng ít có cơ hội tiếp xúc với những bức ảnh đó. Tuy nhiên, phản hồi tốt từ những người đã có duyên may này đã khiến ảnh của Trọng Thanh mau chóng trở thành một biểu tượng ảnh nude đẹp.
“Tôi nghe đồng nghiệp xem ảnh của anh Thanh và bảo trời ơi, bộ ngực đẹp thế này mà làm mẹ, nuôi con phải tốt lắm”, bà Dương Thị Nga - cán bộ nghỉ hưu của Thông tấn xã Việt Nam (cơ quan mẹ của Báo ảnh) - cho biết. Thiên chức của người phụ nữ đã được ông mô tả đạt đến thế.
“Tôi nói không phải vì tôi là con của bố, nhưng bạn bè của bố tôi đều nói rằng ảnh của bố tôi thực sự nghệ thuật và không thể nghĩ đến điều gì thiếu trong sáng”, chị Thu Trang - con gái cố nghệ sĩ - cho biết.
Tất nhiên, ảnh nude của ông không phải tuyệt đối đẹp. Nó cũng có những hạn chế rất lịch sử - điều kiện chiếu sáng còn lạc hậu của một studio lúc bấy giờ.
“Thực sự mà nói, lúc đó Báo ảnh Việt Nam cũng chưa có một studio. Cả Hà Nội cũng vậy. Mãi tới khi anh Thanh mất vài năm, chúng tôi mới nhập được thiết bị chiếu sáng cho studio của mình. Còn những năm chụp nude, anh chủ yếu chụp trong phòng làm việc, với ánh sáng tự tạo, phông là tấm vải buông không thay đổi”, ông Thắng nói.
“Tôi đã được xem những tác phẩm nude gần như cuối cùng của nghệ sĩ Trọng Thanh”, nhiếp ảnh gia Hoài Linh nói. “Điều kiện làm việc bấy giờ của nghệ sĩ cũng còn eo hẹp. Chính vì thế, dụng cụ chiếu sáng nhiều khi do chính ông chế ra. Chẳng hạn, ông từng dùng đèn halogen dùng để gắn các tường rào bảo vệ để làm đèn chiếu. Trong khi, việc chụp trong phòng lại đòi hỏi và phụ thuộc vào nguồn chiếu sáng, trang thiết bị vô cùng. Chính vì thế, trong những tác phẩm này, dù có tìm tòi ánh sáng vẫn còn nét cứng”.
Một số người đã từng xem ảnh của nghệ sĩ cũng đều cho biết chưa từng thấy một bức nude nào của ông chụp ngoại cảnh. Điều này hẳn bắt nguồn từ bầu không khí kém cởi mở với ảnh nude thời kỳ đó.
“Tôi vẫn nghĩ, nếu số phận không mang anh đi sớm thế, giờ đây biết đâu ta sẽ được xem nhiều ảnh nude đẹp của anh. Bởi bây giờ, điều kiện máy móc đã khá hơn. Còn anh, trong tôi vẫn là người có thể vét bao nhiêu thời gian tiền bạc cho nhiếp ảnh là vét sạch”, ông Nguyễn Thắng nói.
“Có điều này tôi muốn nói từ lâu. Người đời có khi vẫn bảo anh đào hoa. Nhưng anh chân thành thì đúng hơn. Một người không giàu, không đẹp trai, lại thấp và nóng tính mà có bao nhiêu người đồng ý làm mẫu nude. Nó chứng tỏ anh đáng tin cậy”.
“Và điều nữa, tôi nghĩ ngay từ những khi còn chịu quá nhiều thành kiến như thời anh Trọng Thanh chụp ảnh, nhu cầu chụp nude của nhiều người là có thật”.
Rất tiếc, do một số lý do, cả cơ quan và gia đình của nghệ sĩ Trọng Thanh không có các bức ảnh nghệ thuật của ông để cung cấp cho bài viết này.
Theo Thanh niên Online
Bình luận