(VTC News) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định, có ngày 2/9/1945, Việt Nam mới có tên trên bản đồ thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X - người được biết đến với tính cách cương trực, luôn thẳng thắn đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực trong xã hội.
- Ngày Quốc khánh 2/9 có ý nghĩa thế nào đối với lịch sử dân tộc và đất nước trong thời đại ngày nay, thưa Trung tướng?
Câu hỏi này cực khó, nhưng cũng cực dễ trả lời. Khó là vì nói tới ý nghĩa ngày 2/9, sách vở bao nhiêu cũng không thể viết hết được. Dễ là vì không có ngày ấy, đất nước ta không biết đang nằm ở đâu, liệu đã có tên trên bản đồ thế giới hay chưa.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Ngắn gọn mà nói, có 2/9 mới có tên Việt Nam trên bản đồ thế giới". (Ảnh: Minh Quân) |
Lần đầu thấy cái tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, bạn bè quốc tế đã xem đó là một sự kì lạ, họ ngạc nhiên, nhưng sau 68 năm kể từ 2/9/1945 đến nay, vị thế của Việt Nam đã có nhiều đổi khác trong mắt họ.
Nói như vậy để thấy ý nghĩa thực tiễn của 2/9, của Cách mạng Tháng 8 và lời tuyên bố độc lập của Bác Hồ.
- Vị thế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, ông đánh giá thế nào về vai trò của đất nước trong khu vực?
Sau trên 20 năm đổi mới, một Việt Nam mới đã thật sự ra đời. Không chỉ dừng lại ở việc bạn bè quốc tế biết đến chúng ta mà giờ người ta đã biết đến với lòng trân trọng. Các nước tư bản giờ sang hợp tác, làm việc với Việt Nam đều tuyên bố rằng Việt Nam là điểm tựa để các nước lớn đi vào khu vực ASEAN dù chúng ta gia nhập ASEAN muộn.
Ngay cả các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới muốn vào Đông Nam Á cũng thấy rằng phải qua Việt Nam và chỉ có qua Việt Nam mới có điểm tựa vào Đông Nam Á. Các cường quốc như Mỹ, Pháp, Anh hay Nhật đều nhận thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực cho nên chỉ cần “vào” được Việt Nam, nước đó sẽ bám chắc rễ vào khu vực Đông Nam Á.
10 – 20 năm nữa, chắc chắn rằng Việt Nam sẽ còn có vị thế cao hơn nữa, như Bác nói: sánh vai với các cường quốc năm châu.
Muốn được như vậy, lòng dân phải hướng về ngày 2/9, hướng về lời kêu gọi của Bác Hồ, giành độc lập rồi thì phải chung sức giúp đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, dần trở thành một cường quốc.
Giờ cả thế giới đã xem người dân Việt Nam là một điển hình, các nước muốn giành độc lập dân tộc xem Việt Nam là cái gương để noi theo trong việc kiên cường chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Việt Nam hiện đang đi vào quỹ đạo của các nước đang phát triển, dần dần sẽ trở thành nước phát triển. Người ta không những phục Việt Nam tài năng trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn ở chỗ từ nghèo nàn, lạc hậu đi lên, trở thành một nước không thua kém bạn bè quốc tế.
- Bên cạnh những thành tích vẫn còn nhiều hạn chế đang tồn tại, Trung tướng có thấy lo ngại?
Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu) |
Với tiềm năng của người Việt Nam, chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế nữa. Nếu quy tụ được lòng dân tốt hơn thì thành quả còn to lớn hơn rất nhiều. Hiện giờ tình hình chung của đất nước là như vậy, nhưng nhân dân vẫn còn phân tâm lắm do cuộc sống của họ còn nghèo.
Hạn chế của xã hội Việt Nam trước hết phải kể đến những khuyết tật trong lãnh đạo, quản lý của Nhà nước ta. Giáo dục cũng đang có vấn đề. Ở góc độ kinh tế, khoảng cách giàu nghèo cũng đang có vấn đề.
Rồi xã hội, văn hóa cũng đang chưa ổn. Tất nhiên, điều đó là khó tránh khỏi, nhưng cũng có lỗi khách quan là sự lãnh đạo trên những phương diện đó đang còn nhiều bất cập.
|
Đó là một thực tế mà Đảng, Nhà nước và những người già như chúng tôi rất lo lắng. Nhưng là lo lắng trong niềm tin chứ không phải trong sự bi quan. Tôi tin rằng bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi thanh niên sẽ giúp họ vượt qua được những “chập chững” bây giờ để đứng vững trong hàng ngũ tiên phong của thanh niên Việt Nam.
Nên nhớ giữ được văn hóa Việt Nam thì mới giữ nước được bền vững. Làm mất văn hóa Việt là sẽ mất đi sự bền vững của đất nước vì chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… đều phát triển trên nền của văn hóa.
Vì Việt Nam có nền văn hóa tốt đẹp như vậy nên 1000 năm Bắc thuộc, văn hóa của người Việt vẫn không bị phân hóa. 100 năm Pháp thuộc, 30 năm chống Mỹ chúng ta vẫn dành độc lập nhờ vào các truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.
- Ông chia sẻ gì với bộ phận giới trẻ đang chịu ảnh hưởng của luồng "văn hóa ngoại lai"?
Các thế hệ ông cha đã làm nên lịch sử, giành độc lập dân tộc để chúng ta xây dựng đất nước phồn vinh thì mong và tin rằng thế hệ thanh niên bây giờ sẽ vượt trội nhiều mặt so với chúng tôi: về chính trị sâu sắc, trình độ cao, kiến thức khoa học giỏi…
Chỉ cần có một cái tâm hướng về Tổ quốc thì chắc chắn rằng sức mạnh của thế hệ thanh niên bây giờ còn phát huy gấp bội so với thế hệ trước. Chúng tôi ngày xưa chỉ có cái mạnh là lòng yêu nước cháy bỏng và khát khao độc lập dân tộc chứ kiến thức xã hội, khoa học… rất thấp.
Ngày xưa chúng tôi chỉ có ý chí về chính trị mà giành thắng lợi, chứ bây giờ phải có thêm trình độ, phát huy kinh nghiệm thực tế cha ông truyền dạy lại thì vài ba mươi năm nữa Việt Nam mới được thế giới ngưỡng mộ hơn việc thế hệ cha ông đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
- Theo Trung tướng, thành tích lớn nhất mà chúng ta dâng lên thế hệ cha ông, mừng ngày quốc khánh trong năm nay là gì?
Đó chính là vị thế hiện tại của Việt Nam và niềm tin của thế giới với chúng ta. Ở mọi lĩnh vực như văn hóa, chính trị, an ninh… chúng ta đều có thành tích nổi bật.
Thế giới giờ đang hỗn loạn, còn ở Việt Nam tuy còn nhiều mặt hạn chế, nhưng chúng ta rất ổn định. Đó là điều rất mừng. Sau 68 năm, chúng ta được những điều sau:
Một, thế giới nhìn vào Việt Nam như một tấm gương trong việc đấu tranh giành độc lập dân tộc, một nước vươn lên từ nghèo nàn, lạc hậu. Quan trọng nhất là chúng ta duy trì được định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngọn cờ của Bác Hồ.
- Nhân dịp 2/9, Trung tướng muốn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng gì nhằm góp phần vào sự phát triển của đất nước?
Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên 2/9. 68 năm sau, đã có những thành tựu rất đáng khích lệ, tự hào. Nhưng không dừng lại ở đó. Đảng và Nhà nước phải nỗ lực hơn nữa, vì dân mà phấn đấu để mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn nữa, đặc biệt là 20% dân nghèo.
Phải mau chóng thu hẹp lại khoảng cách giàu nghèo, đưa tầng lớp thấp nhất lên gần với tầng lớp trung lưu thì sức mạnh đoàn kết dân tộc sẽ vững chắc hơn. Chỉ có như thế 20 – 30 năm sau, Việt Nam mới có được vị thế mới trên trường quốc tế với sự vinh danh, kính nể của cả thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
Minh Quân
Bình luận