Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa ghi nhận thêm một tuần giao dịch tích cực với diễn biến tăng tại cả 2 thị trường. Trong khi giá vàng thế giới tăng trở lại gần ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước cũng giao dịch vững chắc trên vùng 58 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế có thời điểm tăng dựng đứng từ vùng 1.790 USD lên 1.815 USD/ounce, cao nhất 2 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, áp lực chốt lời xuất hiện tại vùng giá 1.815 USD đã khiến giá vàng lao dốc sau đó và đóng cửa ở mức 1.792 USD.
So với cuối phiên liền trước, giá vàng giao ngay thế giới vẫn ghi nhận mức tăng 8,9 USD. Nếu so với cuối tuần trước, giá kim quý hiện cao hơn 25 USD, tương đương mức tăng ròng 1,4% trong tuần.
Giá vàng tăng hơn nửa triệu đồng tuần này
Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, giá vàng biến động mạnh đêm qua là phản ứng của thị trường trước thông tin Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - ông Jerome Powell - đưa ra về tình hình lạm phát tại Mỹ.
Cụ thể, ông Powell cho biết FED sẽ sớm cắt giảm lượng mua tài sản hàng tháng (hiện ở mức 120 tỷ USD/tháng) và hướng tới những thay đổi chính sách về tiền tệ trong tương lai. Chủ tịch FED cũng cho rằng cơ quan quản lý tiền tệ đã sẵn sàng tăng lãi suất để chống lại áp lực lạm phát.
Trước biến động của thị trường thế giới, giá vàng trong nước phiên cuối tuần hôm nay (23/10) cũng ghi nhận xu hướng tăng, đánh dấu tuần tăng hơn nửa triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 57,55 - 58,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng so với cuối ngày 22/10.
Không phải giá giao dịch cao nhất mà SJC niêm yết với vàng miếng tuần này, nhưng so với cuối tuần trước, giá vàng tại đây đã tăng 550.000 đồng/lượng, tương đương mức tăng ròng gần 1%/tuần.
Nếu so với cuối tháng 9, giá mặt hàng này hiện cũng cao hơn 1,4 triệu/lượng, tương đương 2,5%. Đà tăng này cũng giúp những nhà đầu tư mua vàng từ cuối tháng 9 đến nay đã ghi nhận khoản lãi gần 1 triệu đồng/lượng.
Cũng trong hôm nay, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nâng giá vàng miếng lên mức 57,5 triệu/lượng (mua) và 58,2 triệu/lượng (bán), cao hơn 50.000 đồng so với chiều qua.
Tương tự SJC, đây không phải vùng giá cao nhất mà PNJ niêm yết với mặt hàng vàng miếng tuần này nhưng cũng đã tăng 500.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Tính trong tháng 10, giá vàng miếng tại PNJ đã tăng hơn 1 triệu đồng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vào vàng miếng ở mức 57,45 triệu/lượng và bán ra ở 58,15 triệu/lượng, cao hơn 50.000 đồng so với cuối ngày 22/10. So với một tuần trước, giá vàng tại đây cũng đã tăng xấp xỉ nửa triệu đồng.
Người mua trong nước chịu thiệt
Với giá bán trên 58 triệu/lượng, hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn duy trì ở mức 8,85 triệu/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 49,4 triệu đồng/lượng.
Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước vẫn đang phải trả mức giá đắt hơn 18% so với thế giới.
Dù giá vàng thế giới và trong nước đang ghi nhận xu hướng tăng tích cực nhiều tuần gần đây. Trong đó, giá vàng miếng trong nước đang giao dịch quanh vùng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng hiện tại không phải thời điểm thích hợp để mua vàng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng những yếu tố giá cả trên thị trường thế giới hiện tại có thể ảnh hưởng tới thị trường trong nước và khiến tỷ lệ lạm phát gia tăng trong năm nay. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này không đáng lo để ảnh hưởng tới giá vàng trong nước.
“Lạm phát năm nay có thể tăng nhưng chỉ lên trên 4%, không thể tăng lên mức 7-8% được. Vì vậy, không thể mua vàng và coi đây là công cụ chống lạm phát trong nước”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng nếu nhà đầu tư mua vàng như một tài sản tích trữ, đầu tư dài hạn thì có thể mua bất cứ lúc nào. Nhưng nếu mua để chờ tăng giá ăn chênh lệch lúc này, nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro.
Hiện giá vàng thế giới và trong nước đang ghi nhận biến động liên tục, đặc biệt là chênh lệnh giá giữa 2 thị trường lên tới 8-9 triệu đồng/lượng, người mua vàng sẽ là đối tượng trực tiếp chịu lỗ từ mức chênh lệch này.
"Nếu mua vàng để chờ tăng giá ăn chênh lệch lúc này, nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro"
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu
“Khi giá vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với thế giới, hiện tượng buôn lậu vàng cũng sẽ xảy ra. Khi nguồn vàng giá rẻ nước ngoài được tuồn vào trong nước bán với giá cao, điều này có thể kéo giá trong nước xuống và người mua vàng tiếp tục chịu rủi ro”, ông Hiếu phân tích.
Cùng quan điểm, một chuyên gia tài chính khác cho rằng lý do chính nhà đầu tư không nên mua vàng lúc này là chênh lệch giá trong nước và thế giới đang ở mức quá lớn.
Nguyên nhân khiến giá trong nước đắt hơn tới gần 20% so với thế giới (giá quy đổi) là do hầu hết giá vốn đầu vào của các doanh nghiệp vàng trong nước đều mua vào từ năm 2019-2020, khi giá thế giới vẫn giao dịch trong khoảng 1.800-1.900 USD/ounce.
Vì vậy, nếu giá vàng thế giới phục hồi về vùng giá này, các doanh nghiệp trong nước sẽ không tăng mạnh giá mua - bán mà chủ yếu thu hẹp chênh lệch giữa 2 thị trường về mức 1-3 triệu đồng/lượng như những năm trước đó.
Bình luận