Video: Phần trình diễn của Cao Ngân trong đêm chung kết "Vietnam's Next Top Model All Stars 2017"
Đêm chung kết Vietnam's Next Top Model All Stars 2017 đã khép lại vào tối 9/9. Tuy nhiên, sự việc Cao Ngân xuất hiện trên sàn catwalk với thân hình gầy gò đã trở thành cuộc tranh luận dữ dội trên mạng xã hội, và một lần nữa dư luận đặt ra câu hỏi: Có nên để những người mẫu siêu gầy xuất hiện trên sàn diễn thời trang?
Dù Cục Nghệ thuật biểu diễn xác nhận: "Ở Việt Nam, chưa có quy định nào giới hạn người mẫu quá gầy không được lên sàn diễn. Trong phạm vi một cuộc thi, việc lựa chọn người mẫu chiến thắng hay sải bước trên sàn catwalk là quyền của ban tổ chức và các giám khảo. Còn trong các show diễn thời trang, đó là quyền của nhà thiết kế, cùa người quản lý thương hiệu.'' Tuy nhiên, việc có nên sử dụng người mẫu quá gầy, cổ súy tình trạng ép cân hay không đã trở thành vấn đề nghiêm trọng được nhắc đến nhiều trong làng mốt thế giới.
Trên thế giới, đã từng có không ít những người mẫu siêu gầy được các nhà mốt lăng-xê. Thậm chí, vào hồi tháng 3/2017, hai giám đốc casting của Balenciaga còn bỏ đói 150 người mẫu trong cầu thang tối suốt ba giờ đồng hồ để họ có thân hình hoàn hảo khi bước lên sàn catwalk.
Tuy nhiên, việc làm này đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều người mẫu vì muốn có công việc, buộc phải ép cân, nhịn ăn. Một vài người trong số họ đã phải trả một cái giá rất đắt là mạng sống của chính mình. Ana Carolina Reston, chân dài xinh đẹp đến từ Brazil qua đời năm 2006 khi mới 21 tuổi sau một thời gian dài nhịn ăn, chỉ duy trì sự sống bằng cách ăn táo và khoai tây. Chân dài Pháp Isabelle Caro qua đời ở tuổi 28 vào năm 2010, sau một thời gian dài mắc chứng chán ăn.
Giới chuyên môn đã khẳng định, việc những người mẫu nhịn ăn để có thân hình siêu gầy và được các nhà mốt lăng-xê sẽ khiến người hâm mộ bắt chước theo một cách mù quáng, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Trước sự nguy hại của việc sử dụng người mẫu siêu gầy, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra quy định về việc sử dụng người mẫu. Năm 2013, Israel là nước đầu tiên không cho phép người mẫu siêu gầy trình diễn và xuất hiện trên truyền thông. Họ ban hành quy định nêu rõ, những người mẫu có chỉ số cơ thể (BMI) thấp hơn 18,5 không được phép biểu diễn.
Các đất nước có nền thời trang phát triển như Ý, Pháp cũng không chấp nhận người mẫu siêu gầy. Năm 2015, Pháp đưa ra quy định, những người mẫu có chỉ số cơ thể từ 18 trở lên (tương đương với việc nếu người mẫu cao 1,75m, họ phải đạt chỉ số cân nặng là 55kg) mới được phép hoạt động.
Ở Pháp, việc sử dụng người mẫu "siêu gầy" có thể bị phạt tới 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) và phạt tù lên tới 6 tháng.
Nước Pháp cũng đưa ra hình phạt thích đáng đối với những nhà thiết kế, những thương hiệu thời trang cố tình sử dụng người mẫu siêu gầy. Theo đó, những ai vi phạm có thể bị phạt tới 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) và phạt tù lên tới 6 tháng.
Năm 2016, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo của Anh (Advertising Standards Authority of Britain hay ASA) yêu cầu Gucci ngưng chiếu đoạn quảng cáo bộ sự tập Cruise 2016 tại nước này. Lý do được đưa ra là hãng thời trang danh tiếng của Ý đã cố tình sử dụng người mẫu siêu gầy trong đoạn quảng cáo đó.
Mới đây nhất, hai tập đoàn thời trang nổi tiếng - LVMH và Kering – cũng cùng thỏa thuận không sử dụng các người mẫu siêu gầy. Quy định này áp dụng cho tất cả các nhà mốt lớn thuộc 2 công ty này như: Christian Dior, Gucci, Louis Vuitton, Givenchy, Yves Saint Laurent, Alexander McQueen, Marc Jacobs, Thomas Pink, Fendi, Stella McCartney...
Bình luận