• Zalo

Có nên đầu tư cổ phiếu ngành mía đường?

Đầu TưThứ Bảy, 13/03/2021 13:27:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2021, nhiều mã cổ phiếu ngành mía đường đã lội ngược dòng ngoạn mục từ nhóm cổ phiếu kém hấp dẫn sang hấp dẫn.

Trên thị trường chứng khoán, nếu so về tuổi đời thì mía đường là một trong những nhóm cổ phiếu kỳ cựu trên sàn với thâm niên hàng chục năm. Tuy nhiên, dấu ấn mà nhóm cổ phiếu này tạo ra lại vô cùng mờ nhạt, thỉnh thoảng mới có một "con sóng" không dài và cũng thua kém nhiều so với các nhóm cổ phiếu “tân binh” khác.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự thiếu hấp dẫn này này của nhóm cổ phiếu mía đường như không có doanh nghiệp nào có vốn hóa, hoạt động kinh doanh hoặc thương hiệu vượt trội.

 Có nên đầu tư cổ phiếu ngành mía đường? - 1

Cổ phiếu ngành mía đường tăng trưởng ngoạn mục.

Hay như việc mối liên quan giữa các doanh nghiệp trong ngành mía đường khá rời rạc, mô hình kinh doanh của mỗi đơn vị mỗi khác nên khó tạo ra hệ tham chiếu để đánh giá toàn bộ ngành khiến hiệu ứng không thể lan tỏa trong từng cổ phiếu.

Ngoài ra, số lượng mã chứng khoán của ngành này cũng không nhiều, dòng tiền chỉ đổ vào một cách đơn lẻ và có chọn lọc dẫn đến thanh khoản thấp.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu mía đường đang có những biến động khá tích cực với nhiều mã tăng trưởng mạnh.

Có thể kể đến như cổ phiếu LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn ghi nhận mức tăng hơn 64% từ mức giá 7.860 đồng/cp lên 12.900 đông/cp chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2021. Cũng trong thời gian này, cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La cũng kịp thời tăng cho mình gần 75% thị giá, KTS của CTCP Mía đường Kon Tum tăng 36,4%, QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi tăng hơn 7,6%, SBT của TTC Sugar cũng tăng hơn 9%...

Hỗ trợ mức tăng trưởng này tất nhiên là đến từ việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường thô từ Thái Lan và việc giá đường thế giới đang tăng "phi mã".

Giá đường thế giới hiện ở mức cao nhất trong 3 năm qua, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đường trắng tại sàn London kỳ hạn tháng 7 hiện đang ở mức 460 USD/tấn, nếu về đến Việt Nam giá bán sỉ tương đương 17,500 đồng/kg (kể cả thuế và phí). Giá đường thế giới được dự báo còn tăng, có thể lên hơn mức 500 USD/tấn (chưa bao gồm thuế, phí và premium) do nhu cầu tăng mạnh hậu Covid và thiếu hụt nguồn cung.

Biến động lợi nhuận của doanh nghiệp ngành mía đường luôn phụ thuộc lớn vào giá đường do mặt hàng kinh doanh chủ yếu là đường trắng và đường tinh luyện, trong khi các phụ phẩm chưa được đẩy mạnh.

Theo đó, với kỳ vọng giá đường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong niên vụ 2020-2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dự báo sẽ tích cực, từ đó tác động đến giá cổ phiếu.

Minh Khuê
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp