Giá vàng trong nước lại lên cao ngất ngưởng, trong khi đó giá bất động sản trong nước được cho là đang ở “đáy”. Vậy có nên bán vàng để chuyển vốn sang bất động sản?
Đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí - nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phải thốt lên: “Tôi thấy giá chứng khóan Việt Nam rẻ quá, giá nhà đất cũng rẻ”. Ông Chí dẫn chứng, mới đây một dự án của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố bán bằng nửa giá gốc, trước đây giá của dự án này lên đến hơn 2.000 USD/m2, nay chỉ còn 950 USD/m2. Điều đó cho thấy giá nhà đất đang “rẻ quá”.
Còn bất động sản, thị trường này đang ở trong trạng thái “đóng băng”. Cho tới năm 2014, đây sẽ khó là kênh đầu tư ngắn hạn vì giá có thể xuống thêm 20 – 30% nữa trước khi cung cầu có thể gặp nhau.
Ông Chí cho rằng, vì không ai có thể dự đoán được giá vàng trong ngắn hạn, nên không có ý khuyến khích đầu cơ hay lướt sóng dù giá vàng có nhiều khuynh hướng tăng hơn là giảm. Nhưng vàng nên có mặt trong một danh mục đầu tư cá nhân dài hạn, khoảng 10% nếu ít tin tưởng và 20% nếu tin tưởng giá trị “phòng thủ” lạm phát của vàng. Bên cạnh đó, có thể chọn nhà đất là tài sản dài hạn.Vàng tăng giá mạnh trong khi bất động sản đang dưới đáy, nên chọn kênh đầu tư nào là băn khoăn của nhiều người.
Theo ông Chí, có thể chia đều tài sản ngắn hạn và có thể giữ thoải mái làm 3 phần: tiền đồng trong ngân hàng ở mức lãi suất rất cao hiện tại, tiền USD hay ngoại tệ khác trong ngân hàng và vàng. Sau thời gian 6 tháng, nhà đầu tư có thể coi lại tài sản trong từng danh mục đầu tư, từ đó sẽ theo được nguyên lý căn bản của một người đầu tư khôn ngoan là bán bớt cái lên giá đắt và mua thêm cái xuống giá rẻ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ quan điểm, trong trò chơi về tài chính, bên cạnh nguyên tắc lợi nhuận cần lưu ý đến yếu tố thanh khoản. Xét về thanh khoản, vàng “đẹp hơn” bất động sản rất nhiều.
Nếu liệt kê ưu tiên về thanh khoản trong điều kiện trung bình thì cao nhất là tiền đồng, thứ hai là đồng đô la, tiếp theo là vàng, cổ phiếu, trái phiếu và cuối cùng là nhà đất. Lúc khó khăn, nên để yếu tố thanh khoản cao hơn lợi nhuận, lúc bình thường thì để lợi nhuận cao hơn thanh khoản.
Ông Chí cho hay, sở dĩ dân chúng “trốn” hết chứng khoán, nhà đất và “chui” tạm vào vàng hay tiền đồng vì toàn cảnh vĩ mô không ổn.
Tình trạng này sẽ tiếp tục một thời gian nữa, có thể 1 năm hay 3 năm nếu như không thay đổi điều hành vĩ mô. Do đó, cần chú trọng thay thay đổi toàn cảnh vĩ mô để người dân bán vàng rồi đầu tư vào chứng khoán, chuyển tiền vào kênh huy động lâu dài cho đất nước. Người dân cũng sẽ quay lại với nhà đất như những năm 2006 – 2007, khi bất động sản tan băng, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nợ xấu của nền kinh tế cũng sẽ được giải quyết.
Theo infonet
Bình luận