(VTC News) - Chuyên gia bình luận quốc tế của Thông tấn xã Việt Nam nói về những điều đặc biệt trong chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phát biểu về chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói đây là chuyến thăm lịch sử, tạo bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nước và khẳng định Pháp sẽ luôn là người bạn chung thủy với Việt Nam.
Báo điện tử VTC News có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Khánh Linh - Phó trưởng phòng Châu Âu, Ban biên tập tin thế giới, chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế của Thông tấn xã Việt Nam về chuyến thăm Pháp của Thủ tướng.
Bà Linh nói: Quan hệ Việt Nam – Pháp thực tế có từ rất lâu trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua nhiều thăng trầm, với nỗ lực vun đắp từ cả hai phía, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, quan hệ Việt Nam và Pháp 40 năm qua đã đạt nhiều thành quả quan trọng đầy ý nghĩa.
Sự thủy chung của Pháp cũng đã được minh chứng qua thời gian khi từ đầu những năm 1990, Pháp đã là quốc gia châu Âu đầu tiên tích cực ủng hộ công cuộc Đổi mới cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam.
- Thưa bà, bà đánh giá thế nào về chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Cộng hòa Pháp là đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu, nằm trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) và là một trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nên chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hòa bình và đa cực.
Cộng đồng người Việt tại Paris đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân |
Đặc biệt diễn ra đúng dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Pháp và hai nước quyết định nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, nên chuyến thăm này được cho là đánh dấu mốc quan trọng trong phát triển quan hệ song phương, khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt-Pháp, góp phần làm sâu sắc và đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên trường quốc tế.
Được biết, trong chuyến thăm này, hai bên sẽ thảo luận nhiều biện pháp cụ thể nhằm phát triển quan hệ kinh tế đi vào chiều sâu, tạo đột phá về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục… giúp tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.
- Tổng thống Pháp Francois Hollande nói đây là chuyến thăm lịch sử, tạo bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nước và khẳng định Pháp sẽ luôn là người bạn chung thủy với Việt Nam...
Phát biểu của Tổng thống Francois Hollande hòan toàn đúng và cũng rất dễ hiểu bởi như tôi đã nói ở trên chuyến thăm diễn ra nhân dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973 – 12/4/2013) và trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrauld sẽ ký hiệp định quan hệ đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault họp báo sau hội đàm ngày 25/9. Ảnh: chinhphu.vn |
Chuyến thăm thực sự sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ chính trị, đồng thời tạo ra thế cân bằng trong thương mại giữa hai bên và tạo đà cho mối quan hệ đối tác chiến lược như hai bên cùng muốn xây dựng.
|
Sự thủy chung của Pháp cũng đã được minh chứng qua thời gian khi từ đầu những năm 1990, Pháp đã là quốc gia châu Âu đầu tiên tích cực ủng hộ công cuộc Đổi mới cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam.
Pháp cũng luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là cửa ngõ để vào châu Á.
Từ đó, Việt Nam và Pháp đã từng bước trở thành đối tác quan trọng cùng có lợi của nhau trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ, phối hợp tích cực trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu.
- Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan hệ Việt – Pháp đang ở mức nào và điều gì sẽ thay đổi khi quan hệ giữa hai nước được nâng lên tầm đối tác chiến lược, thưa bà?
Thời gian qua, mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Pháp đã được mở rộng và phát triển trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục, quốc phòng, khoa học công nghệ, y tế…
Mối quan hệ tốt đẹp song phương còn được thể hiện qua nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên của các cơ quan, địa phương, tổ chức xã hội. Cho tới nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng, thiết lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả các cơ chế đối thoại, giao lưu văn hóa, nhân dân…
Lãnh đạo cấp cao hai nước đều nhất trí rằng đây là thời điểm phù hợp nâng quan hệ Việt - Pháp lên Đối tác chiến lược nhằm đưa hợp tác song phương giữa hai nước phát triển đi vào chiều sâu.
Lãnh đạo hai nước đều bày tỏ tin tưởng rằng sau khi nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên sẽ càng được củng cố, đồng thời cũng sẽ mở ra nhiều sự hợp tác mới trong mọi lĩnh vực giữa bên.
Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong bài phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp: “Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp hôm nay thể hiện sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ giữa hai nước.
Quan hệ đối tác chiến lược sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới của mối quan hệ chân thành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ cho tới an ninh quốc phòng và cùng chia sẻ lợi ích vì hòa bình, phồn vinh của nhân dân hai nước”.
- Giới phân tích nói nhiều về việc giá trị thương mại Việt – Pháp sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực sau chuyến thăm của Thủ tướng, bà có thể cho biết cụ thể hơn về cán cân thương mại Việt – Pháp?
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Anh). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD (tăng 15% so với năm 2011).
Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,599 tỷ USD; hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử; trong khi Pháp chủ yếu đưa sang Việt Nam là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, hóa chất và đồ uống có cồn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp - Ảnh: chinhphu.vn |
Thực tế, mức trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp chỉ chiếm 1% trong số các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra các nước và cán cân cũng mất cân bằng với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sáng Pháp gấp 4 lần của Pháp sang Việt Nam.
Do đó, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phía Pháp mong muốn phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư lên xứng tầm với mối quan hệ chính trị.
Giới doanh nghiệp Pháp cũng có chung đánh giá rằng môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng được cải thiện, với chính sách vĩ mô ổn định và đội ngũ nhân sự có chất lượng cao. Do vậy, giá trị thương mại song phương chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới.
- Pháp là một trong những thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), việc Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrauld mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm sẽ có tác động thế nào đến quan hệ Việt Nam – EU?
Từ năm 1995, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã có những phát triển nhanh chóng, trong đó quan hệ hợp tác Việt Nam – Pháp là một động lực quan trọng.
Với sự hỗ trợ tích cực của Pháp, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và hiện nay đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, điều này sẽ mở ra không gian hợp tác mới, rộng lớn cho hợp tác Việt Nam – Pháp.
Với sự hỗ trợ tích cực của Pháp, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và hiện nay đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, điều này sẽ mở ra không gian hợp tác mới, rộng lớn cho hợp tác Việt Nam – Pháp.
Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Pháp sẽ có nhiều tác động tích cực đến quan hệ giữa Việt Nam với EU bởi Việt Nam luôn coi Pháp là cửa ngõ cũng như cầu nối vào EU.
Bản thân Việt Nam và Pháp luôn nhận thức rằng cần phát triển hài hòa mối quan hệ đối tác chiến lược song phương với các cặp quan hệ Pháp - ASEAN, Việt Nam - EU để có thể cùng nhân lên sức mạnh và hiệu quả.
- Xin cảm ơn bà.
- Xin cảm ơn bà.
Huyền Lê (Thực hiện)
Bình luận