(VTC News) - Những người tham gia Hội chợ mua sắm Tết Tân Mão 2011 do Sở Công thương tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty Cổ phần Quảng cáo Hội chợ Triển lãm Quốc tế Đông Phương tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai từ ngày 12/01 - 17/01/2011 đều có chung tâm trạng, hội chợ quá bôi bác. Thậm chí có người còn buột miệng, hàng hóa bán không được họ đem lên đây “xả” chứ hội chợ gì!
Quảng cáo thì tưng bừng
Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Hội chợ mua sắm Tết Tân Mão 2011 tại Gia Lai được tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của nhân dân và du khách trong tỉnh Gia Lai và các tỉnh thành lân cận nhân dịp Tết cổ truyền. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu hàng hoá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tăng cường mở rộng giao lưu, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư doanh nghiệp và thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định tại Gia Lai.
Hội chợ năm 2011 được giới thiệu “tổ chức quy mô, trang trí tổng thể hoành tráng, đẹp mắt, ấn tượng, nội dung thiết thực, hấp dẫn”. Tại Hội chợ có khoảng 200 gian trưng bày, bán sản phẩm hàng hoá phong phú đa dạng: sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, lưu niệm đặc sắc, sản phẩm nông sản, lương thực thực phẩm, chế biến, may mặc, thời trang, da giày, điện, điện tử, dược phẩm, mỹ phẩm, sinh vật cảnh, giống cây trồng, hàng tiêu dùng tổng hợp… nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng chuẩn bị đón Tết.
Song song với các hoạt động trưng bày, mua bán sản phẩm hàng hoá, hội chợ triển lãm còn diễn ra các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân với các hoạt động vui xuân, thể hiện không gian sinh hoạt ngày Tết: Ẩm thực, trò chơi thiếu nhi, các hoạt động văn hoá dân gian khác…
Hàng đêm, tại hội chợ sẽ diễn ra nhiều chương trình của các doanh nghiệp với sự hiện diện của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng. Chương trình được thiết kế ấn tượng, đặc sắc, âm thanh ánh sáng hiện đại…
"Mượn danh hội chợ để xả hàng tồn"
Những tưởng trước chiến dịch quảng bá rầm rộ như thế, người dân tại tỉnh Gia Lai sẽ có một kỳ mua sắm Tết thật tưng bừng, vui chơi giải trí lành mạnh khi tham gia hội chợ xuân này. Tuy nhiên trên thực tế, hội chợ đã diễn ra với chiều hướng... bôi bác hơn người ta nghĩ rất nhiều.
Đầu tiên là khâu vệ sinh, nhìn đâu cũng thấy rác trông rất nhếch nhác, tại 3 cổng hội chợ lẫn 2 bên toàn rác và rác. Bên trong hội chợ cũng toàn rác.
Kế đến là chất lượng sản phẩm, các gian hàng phần lớn bày bán những sản phẩm rẻ tiền với nhiều bảng quảng cáo thu hút khách như hàng giảm giá, hàng thanh lý, mua 5 tặng 1, giảm giá 50%...
Trong những ngày diễn ra hội chợ, hàng ngàn lượt khách đã đến tham quan, mua sắm. Thế nhưng, hội chợ đã không đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Tham quan các gian hàng trong hội chợ, chúng tôi nhận thấy chủ yếu trưng bày và bán các sản phẩm rẻ tiền, hạ giá, thanh lý... Chị Huyền - một khách hàng ở huyện Mang Yang cho biết: “Ở nông thôn khan hiếm hàng hoá, nghe tin thành phố Pleiku có tổ chức hội chợ lớn nên gia đình đã vượt gần trăm cây số để đến mua sắm. Tuy nhiên đến đây rồi mới thấy thật thất vọng, toàn là hàng rẻ tiền, không rõ nguồn gốc…”
Những hình ảnh bôi bác tại hội chợ mua sắm xuân tại Gia Lai |
Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu mua sắm, hội chợ còn có khu vui chơi giải trí cho khách. Thế nhưng, ở khu vui chơi giải trí, những gian vui chơi lành mạnh chẳng được bao nhiêu, trong khi các trò chơi phạm pháp như đánh bầu cua lại rất nhiều và thu hút khách. Có lúc những xới bạc này xuất hiện người đặt cả vài triệu đồng…
Khi hội chợ diễn ra được 2 ngày (đến ngày 14/1), qua quan sát trong hội chợ, có thể thấy quá nhiều hàng hoá được bài trí và sắp xếp hết sức lộn xộn. Nhiều gian để hàng hoá tràn ra cả lối đi trông rất bừa bãi. Nhiều sản phẩm được bày tràn lan trên mặt đất bụi bặm…
Đó là chưa kể, hội chợ được tổ chức “quy mô, hoành tráng” là thế, nhưng người dân đi dạo xem mỏi chân đên mỏi mắt tìm kiếm vẫn không tìm ra nhà vệ sinh nên buộc phải… “xả” bậy trong khu hội chợ.
Hội chợ diễn ra đến ngày thứ tư thì nhiều người đã kêu trời vì khâu tổ chức và vệ sinh trong hội chợ quá kém. Chị Nguyễn Bích Thảo (trú tại 4/23 Cách mạng tháng Tám, thành phố Cần Thơ – Đơn vị tham gia 2 gian hàng gia dụng tại hội chợ) bức xúc: “Tôi đã từng tham gia rất nhiều hội chợ ở các tỉnh thành khác nhưng chưa thấy hội chợ nào lộn xộn và bê bối như ở Gia Lai."
Theo chị Thảo kể lại, đơn vị tổ chức mời tham gia cho biết là hội chợ tổ chức quy mô với 350 gian hàng, chị đã đăng ký với Công ty Đông Phương và ký hợp đồng trước đó 10 ngày. Thế nhưng cho đến 12 giờ trưa ngày 11/01/2011, cả gia đình 4 mẹ con chị phải đứng ngoài nắng vì ban tổ chức chưa dựng gian hàng. Trước đó, 4 mẹ con đã phải ôm nhau khóc một đêm tới sáng vì bị bà Nguyễn Thị Trương – Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo Hội chợ Triển lãm Quốc Tế Đông Phương xúc phạm nặng nề, lý do là gia đình chị ký hợp đồng với hai gian hàng tiền chế, nhưng qua nhiều lần sắp xếp, bố trí, cuối cùng hai gian hàng “mặt tiền” của chị bị đẩy vào trong “xó” hội chợ, nhưng chị không đồng ý. Sau đó, chị lên Sở Công thương tỉnh Gia Lai gặp bà Nguyễn Thị Bích Thu – Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công thương Gia Lai và được giảm bớt cho 50% tiền gian hàng (từ 10 triệu xuống còn 5 triệu).
Trách nhiệm thuộc về ai?
Một số đơn vị, doanh nghiệp đăng ký gian hàng trưng bày, mua bán sản phẩm cho biết, việc bố trí gian hàng cho các đơn vị, doanh nghiệp của Ban tổ chức hết sức chồng chéo và chậm chạp. Có đơn vị đã bức xúc "tố" ban tổ chức sắp xếp cho đơn vị họ tới mấy lần, qua mỗi lần đều có sự thay đổi mà không nói lý do. Một đơn vị khác cho biết, đến chiều ngày 12/1 (tối 12/01/2011 khai mạc hội chợ) mà họ vẫn chưa được bố trí gian hàng để chuẩn bị trưng bày hàng hoá. Khi thấy PV đến, một người tưởng là ban tổ chức nên đề nghị được bố trí gian nếu không bố trí thì họ sẽ bỏ về không tham gia nữa.
Có gian hàng, sau khi hội chợ khai trương vẫn chưa thể bán hàng vì ban tổ chức bố trí gian quá chậm.
Bà Vũ Thị Xuyến - đại diện một đơn vị tham gia gian hàng gia dụng tại hội chợ cho biết: "Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ và hướng dẫn nào từ ban tổ chức. Mọi công việc chuẩn bị đều do chúng tôi tự túc. Cái gì chúng tôi không biết, muốn hỏi cũng chẳng biết ban tổ chức ở đâu để mà hỏi. Sinh hoạt hàng ngày như điện, nước, vệ sinh… tại hội chợ thì chẳng ra làm sao. Chúng tôi đến các siêu thị… đi vệ sinh cho sạch sẽ thoải mái, chứ không dám vào khu nhà vệ sinh của hội chợ!"
Việc hướng dẫn và hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội chợ thiết nghĩ là một nhiệm vụ rõ ràng của BTC. Thế nhưng, khi đơn vị, doanh nghiệp có việc cần gặp ban tổ chức thì chỉ biết… bắc thang lên hỏi ông trời!
Ông Nguyễn Ngọc Huynh – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết: Dù mang chức danh là Trưởng Ban tổ chức hội chợ, nhưng thật ra, mọi sự điều hành, quản lý đều do Công ty Đông Phương quyết cả. Sở Công thương chỉ lo khâu ký hợp đồng bảo vệ, điện nước…, còn trách nhiệm tổ chức hội chợ là do Công ty Đông Phương (?!).
Việc tổ chức những hội chợ mua sắm Xuân là hết sức cần thiết đối với một tỉnh nghèo như Gia Lai, nơi người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với hàng hóa. Tuy nhiên, với cung cách tổ chức vô cùng cẩu thả như đã nêu cùng với việc lôi những thứ hàng hóa linh tinh núp bóng hội chợ đến “xả” cho dân tại đây, thiết nghĩ có phải người tiêu dùng Gia Lai đang bị coi thường?
Yến Viễn
Bình luận