• Zalo

Cô học trò mù thành thủ khoa HV Âm nhạc Huế

Giáo dụcThứ Sáu, 25/10/2013 07:38:00 +07:00Google News

Sinh ra không được may mắn như mọi người, không có được hạnh phúc nhìn thấy ánh mặt trời của sự sống, nhưng Võ Thị Kiều Oanh không coi đó là sự bất hạnh

Sinh ra không được may mắn như mọi người, không có được hạnh phúc nhìn thấy ánh mặt trời của sự sống, nhưng Võ Thị Kiều Oanh không coi đó là sự bất hạnh của cuộc đời mình.

Ánh sáng đến từ trái tim
Chuyện em Võ Thị Kiều Oanh (ngụ thôn 3, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trở thành tân thủ khoa chuyên ngành đàn bầu năm 2013 đã lan khắp làng trên xóm dưới. 
Gặp người dân nơi đây, hỏi về hoàn cảnh cũng như cái tài của cô bé hầu như mọi người đều biết. Bởi Kiều không có được đôi mắt sáng như người khác. Nhưng có lẽ chính điều này, đã cho em một nghị lực phi thường mà không phải bất kỳ ai cũng có được.
Thủ khoa Học viện Âm nhạc Huế Võ Thị Kiều Oanh. 
Thoáng nhìn ngôi nhà của gia đình em, chúng tôi cũng hiểu phần nào hoàn cảnh của em. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, dưới Kiều các 6 người em còn khá nhỏ. 
Bản thân em lại bị mù bẩm sinh, nên mọi việc trong gia đình đều chỉ trông chờ vào sự chăm chỉ làm lụng của cha mẹ. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào 4 sào ruộng lúa. Ngoài ra, những lúc nông nhàn thì cha em đi làm phụ hồ kiếm thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống.
Bà Trần Thị Xuân, mẹ của Kiều kể lại, khi sinh ra Kiều đã bị mù. Gia đình đã tìm mọi cách chạy chữa nhưng không được, nên đành chấp nhận. Biết con bị mù dù rất buồn và không muốn xa con, nhưng đến lúc em 6 tuổi, bà không muốn con mình phải bó thân trong ngôi nhà. 
Bà bàn với chồng cho Kiều đi học ở một trung tâm dành cho những người khuyết tật. Cũng từ đây số phận của em đã chuyển sang một hướng khác.
Ở ngôi trường này em đã học được cách học chữ, rồi được tham gia văn nghệ. Lúc em 5 tuổi, trong một buổi học em được nghe thầy giáo của mình chơi đàn bầu, em bắt đầu thích. Tan giờ học em xin thầy giáo của mình hãy cho em học đàn này. Biết được sở thích của học trò thầy đồng ý. Cũng từ đó số phận em gắn với cây đàn bầu.
Dù không nhìn được, nhưng Kiều luôn có một nỗ lực phi thường. Quen sống với bóng tối từ khi sinh ra, với em bóng tối không phải là nỗi ám ảnh hay sợ hãi. Em học cách chấp nhận, học cách tự mình làm mọi việc, học cách cảm nhận cuộc sống xung quanh mình mà không cần đến đôi mắt.
Khi được hỏi tài năng âm nhạc của mình do đâu mà có, Kiều chỉ cười rồi cho biết: "Không nhìn được, em cảm nhận mọi thứ bằng cảm giác, bằng sự lắng nghe của trái tim mình. Có lẽ vì vậy mà tiếng đàn, tiếng hát của em đã rung cảm tới người nghe bằng những thanh âm nhiều cảm xúc. Sau nữa là khi đã yêu thích cây đàn bầu, mỗi ngày em đều chăm chỉ luyện tập để ngày hôm nay tiếng đàn của mình được hay hơn ngày hôm qua".
Bà Trần Thị Xuân tự hào kể về con gái mình. 
Bày tỏ lòng yêu mến của mình với cô bé giàu nghị lực, bà Hoa hàng xóm của gia đình cho biết: "Kiều đã thi đậu vào trường đại học đúng như cháu muốn. Không phải ai cũng có được sự quyết tâm để thành công như vậy. Kiều không như những đứa trẻ khác, nhưng cháu có một nghị lực rất phi thường. 
Cháu đã vượt qua mọi mặc cảm của đôi mắt mù để đến trường, và học rất chăm chỉ. Ngoài giờ học Kiều còn phụ mẹ chăm sóc em. Chúng tôi ở đây thấy cháu giỏi như vậy, mà ai cũng khen và quý mến tính nết cũng như chí hướng của cô bé".
"Họa mi" hát hay, đàn giỏi
Không chỉ có tài chơi đàn bầu rất hay mà Kiều còn có giọng hát hay. Với tiếng hát truyền cảm của mình, em đã làm rung động bao nhiêu người nghe. Không chỉ chinh phục người ở quê vào mỗi dịp đám cưới, các hoạt động văn nghệ tại trường, em còn mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi "Tiếng hát từ trái tim", diễn ra ở Nhà hát tuồng Hiền Dĩnh (TP. Đà Nẵng) vào năm 2011, và đoạt Huy chương bạc. 
Cũng trong thời gian đó, sau một tháng, Kiều tiếp tục tham gia cuộc thi này được tở chức ở tỉnh Quảng Nam, em giành Huy chương vàng...
 
Em biết học là để làm mình không trở thành gánh nặng của gia đình
Võ Thị Kiều Oanh
 
Chính những điều đó đã giúp em đủ niềm tin để thi vào đại học. Nhưng biết nhà nghèo lại đông anh em, nên Kiều rất do dự. Ông Võ Văn Mai, cha kiều chia sẻ, khi chuẩn bị vào mùa thi, em gọi về nhà xin bố mẹ cho đi học đại học. Biết con ham học nên dù khó khăn gia đình phải chạy khắp mới vay được ít tiền cho con đi thi. 
Khi biết con đậu đại học, gia đình vừa mừng vừa lo, nhưng vẫn cố gắng kiếm tiền cho con ăn học. Để mong sau này con có cuộc sống tốt hơn.
Nghe chúng tôi hỏi về tương lai, những tháng ngày Kiều đi học, đôi mắt cha mẹ em hiện rõ nét âu lo, nhưng vẫn tươi cười: "Giờ vợ chồng tôi cũng gắng làm ăn, vay mượn để cho Kiều và các em học xong. Con tôi có chí thì gia đình cũng ráng làm ăn nuôi con, chúng tôi chỉ sợ con mình không cố gắng học thì khổ. Song điều chúng tôi lo lắng nhất, chính là những ngày tháng phía trước của em. Không biết rồi đây con đường học tập của cháu còn dài sẽ còn lắm nỗi vất vả, nơi chốn xa xôi không người thân thuộc, mình cháu sẽ phải tự lo mọi chuyện".
Với giọng nói nhẹ nhàng, Kiều tâm sự: "Em sinh ra không may mắn như mọi người, được nhìn thấy ánh sáng, nhưng em cảm nhận được những nỗi vất vả của gia đình em, ba mẹ em. Gia đình em đông anh chị em, được em là chị lớn trong nhà nhưng lại không giúp gì được cho gia đình. Em muốn học để giúp đỡ gia đình em".
Khi nghe chúng tôi hỏi về những lý do khiến em chọn đàn bầu, em cười nói, chính thầy cô, những người cho em được nghe bản nhạc đầu tiên, truyền cho em những nốt nhạc hay và truyền cảm đã làm cho em say mê. Em bắt đầu yêu thích âm nhạc, và chính thầy cô đã giúp em có được như ngày hôm nay".
Chia sẻ về tương lai phía trước, Kiều cho hay: "Dù khó khăn đến đâu, em vẫn cố gắng chăm chỉ học. Vì em biết học là để làm mình không trở thành gánh nặng của gia đình. Bởi với em niềm vui, là sự hạnh phúc của bố mẹ, là niềm tự hào của gia đình. Có ánh sáng của đôi mắt là điều may mắn, nhưng mất chúng, không có nghĩa là chúng ta mất đi tất cả. 
Âm nhạc đã giúp em rất nhiều. Âm nhạc cũng làm em thấy yêu cuộc sống này hơn, vui vẻ hơn, vì biết mình còn có ý nghĩa, còn làm được điều có ích. Trong tương lai, em sẽ cố gắng học hỏi và rèn luyện hơn nữa, để chơi đàn bầu hay hơn, không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, thầy cô...". 


Theo Người Đưa Tin
Bình luận
vtcnews.vn