• Zalo

Có hay không việc cơ quan chức năng làm ngơ trước sai phạm của Công ty gas Phúc Khang?

Pháp luậtThứ Năm, 04/01/2018 15:24:00 +07:00 Google News

Dù bị đình chỉ sang chiết gas trong 2 tháng vì chiếm dụng trái phép hàng nghìn vỏ bình gas của các công ty khác nhưng Công ty Phúc Khang vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Lệnh 1 đường, làm một nẻo

Mới đây, Công ty khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang (Hòa Bình) đã chiếm dụng trái phép hàng nghìn vỏ bình gas, bị bắt quả tang hoán cải vỏ bình nên bị đình chỉ sang chiết gas trong 2 tháng.

Trong khi ông Nguyễn Xuân Sơn – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình cho biết, từ 9/11, tại cơ sở sang chiết của công ty Phúc Khang luôn có một tổ công tác giám sát thường xuyên. “Từ đó đến nay, không có hoạt động sang chiết tại cơ sở này. Tại kho không có hoạt động vận chuyển ra ngoài” – ông Sơn khẳng định.

Video: Cận cảnh cơ sở sang chiết gas "cắt tai, mài vỏ" ở Hòa Bình

Tuy nhiên, thực tế PV ghi nhận không giống với những gì ông Sơn khẳng định. Một tháng sau khi lệnh đình chỉ hoạt động sang chiết gas đối với công ty Phúc Khang có hiệu lực, công ty này vẫn cho công nhân chạy máy, bơm chiết gas tại cơ sở sang chiết.

Bên cạnh đó, chiếc xe bồn mang thương hiệu Phúc Khang Petro vẫn ung dung vào trạm chiết nạp gas. Mỗi lần xe bồn vào bơm gas kéo dài khoảng 30 phút, cho thấy lượng gas công ty Phúc Khang nhập vào các téc không ít.

Cứ đều đặn 3 đến 4 ngày 1 lần, chiếc xe bồn mang thương hiệu Phúc Khang Petro lại ung dung vào trạm chiết nạp gas.

“Ăn cắp”, làm giả vẫn tồn tại

Không những thế, công ty Phúc Khang còn có dấu hiệu sản xuất gas giả bằng cách bơm gas trực tiếp vào rất nhiều vỏ bình của các hãng khác tại xưởng chiết nạp của mình.

con-duong-doc-dao-dan-vao-khu-sang-chiet-1645489

 

Ngoài sân công ty có đủ loại vỏ bình chiếm dụng trái phép của các hãng gas khác nhưng công ty Phúc Khang chủ yếu bơm gas vào vỏ bình màu cam của Total gas - một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và sản phẩm được bán giá cao trên thị trường hiện nay.

Nhìn bề ngoài ai cũng lầm tưởng những bình gas này là những bình gas chính hãng vì màng co niêm phong được in tên thương hiệu trùng với đúng tên hãng ghi trên vỏ bình gas đó. Nhưng thực tế, đây lại chính là những bình gas giả được công ty Phúc Khang tự ý chiết nạp khí gas và tự dán màng co.

Trong khi những bình gas giả của công ty Phúc Khang còn đang bị thu giữ tại Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình thì những bình tương tự đang được ra lò ở chính cơ sở triết nạp của công ty Phúc Khang.

noi-luc-luong-chuc-nang-phat-hien-sang-chiet-3-1646087

 

Công nhân ở xưởng sang chiết gas Phúc Khang phải làm việc trong không gian thiếu sáng do 4 bề nhà xưởng che bạt kín mít, trong khi quy định tối thiếu về xưởng sang chiết nạp gas là phải thông thoáng, nhằm giảm thiếu độc hại của khí gas và nguy cơ cháy nổ.

Theo tìm hiểu, 1 bình gas của công ty Phúc Khang bán trên thị trường có giá khoảng 280.000 đồng, trong khi đó, 1 bình gas cùng trọng lượng mang thương hiệu Total gas đang được bán tại hòa bình có giả khoảng 425.000 đồng, cao gần gấp đôi so với gas của Phúc Khang.

Không chỉ có Total gas, những vỏ  bình của Petrolimex cũng bị công ty Phúc Khang sang chiết, làm giả. Đây rõ ràng là lợi nhuận từ việc làm gas giả là quá cao đủ để những công ty như Công ty khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang bất chấp luật pháp cũng như nguy cơ cháy nổ.

khu-mai-vo-4-1646248 3

 

Trả lời về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật hợp danh Bross và cộng sự) phân tích: “Rõ ràng, bình là của Total gas, nhưng khí LPG được nạp vào không phải của Total gas mà là của Phúc Khang gas. Như vậy, công ty này đang có hành vi sản xuất hàng giả về mặt nội dung và xử dụng hình thức của 1 doanh nghiệp khác để kinh doanh gas ra ngoài. Đó đã đủ dấu hiệu của hành vi sản xuất buôn bán hàng giả theo quy định của pháp luật hình sự”.

Theo luật sư Thái, những hành vi đó là đặc biệt nghiêm trọng vì những hành vi đó diễn ra trong thời điểm doanh nghiệp đang bị đình chỉ hoạt động sang chiết thế nên cần làm rõ hành vi đó theo Điều 156 Bộ luật hình sự để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm.

Không ít người sẽ đặt ra câu hỏi vì sao những bình gas rõ ràng là giả nhưng lại vẫn được sản xuất công khai qua nhiều ngày như vậy, mà vẫn qua mặt được nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Kinh doanh lén lút hay cơ quan chức năng làm ngơ?

Trong công văn của tỉnh Hòa Bình, công văn của Bộ Công thương, cho đến quyết định xử phạt hành chính của Sở Công thương và Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình ghi rõ “Đình chỉ hoạt động sang chiết gas, kiểm tra, xử lý các cửa hàng, đại lý kinh doanh các sản phẩm gas có dấu hiệu vi phạm của công ty Phúc Khang.”

than-vo-ghi-an-binh-7-1646587 4

 

Khi được hỏi về việc giám sát hoạt động và giao dịch của công ty Phúc Khang, ông Trương Thanh Sơn – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình cho biết: “Kết quả kiểm tra tổng 54 cơ sở kinh doanh gas của công ty Phúc Khang thì tại thời điểm kiểm tra đều không phát hiện vi phạm hành chính."

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, công ty Phúc Khang vẫn tiến hành giao dịch bình thường như chưa hề có quyết định đình chỉ, kiểm tra.

Theo đó, vào trưa 13/12/2017, một chiếc xe tải mang BKS: 28A – 030.37 chở gas của công ty Phúc Khang vẫn đến giao gas cho đại lý kinh doanh gas của công ty Phúc Khang tại xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). Do đại lý này nhập hàng chục bình gas nên phải mất 30 phút, xe của công ty Phúc Khang mới hoàn tất việc giao hàng. Sau đó, chiếc xe tải đi về trung tâm huyện Lạc Sơn, để giao gas cho các đại lý khác.

Tiếp đó, vào ngày 17/12/2017, một chiếc xe khác của công ty Phúc Khang lại tiếp tục công việc này, trên xe chất đầy các bình gas mang thương hiệu Total gas, dù không có hợp đồng phân phối, tiêu thụ sản phẩm với thương hiệu này.

Sau khi xem những hình ảnh PV ghi lại, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình mới đồng ý đi kiểm tra đại lý kinh doanh gas của công ty Phúc Khang.

Tại thời điểm kiểm tra, đại lý này không có hóa đơn mua bán, không có sổ theo dõi nhập hàng, thu gom trái phép hàng loạt vỏ bình của Hồng Hà gas, dù không có hợp đồng trao đổi vỏ bình.

Khi được hỏi về những giấu tờ trên, chủ cửa hàng công khai khẳng định tất cả những lần nhập hàng từ công ty Phúc Khang đều không có sổ theo dõi thông tin về các bình gas như quy định bắt buộc nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường.

vo-binh-du-mau-sac-8-1647112 5

 

Bình luận về sự việc trên, luật sư Hoàng Văn Dũng (Công ty Luật hợp danh Bross và cộng sự) cho rằng, cơ quan chức năng nên khởi tố vụ án, tiến hành các hoạt động giám định, xác minh xem ai là người có hành vi vi phạm và ai là người có hành vi giúp sức, bao che cho các sai phạm này?

Sau cùng, có thể tiến hành các hoạt động giám định để xác định có hay không có việc làm giả về mặt chất lượng của khí LPG hóa lỏng.

Theo luật sư Dũng, hành vi công ty Phúc Khang bơm khí gas vào các vỏ bình màu cam của Total gas trong khi không có hợp đồng thu nạp. Đây không chỉ là hành vi sản xuất hàng giả, mà điều này còn vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu công nghiệp.

Cùng với đó, Hiệp hội gas Hà Nội đã gửi đơn tố cáo đến Bộ Công thương, Bộ Công an và nhiều nơi khác kiến nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm xảy ra tại công ty Phúc Khang trong thời gian vừa qua.

Trong đơn tố cáo, hiệp hội gas Hà Nội khẳng định, công ty Phúc Khang (Hòa Bình), đang chiếm giữ trái phép hơn 4.000 vỏ bình gas của nhiều thương nhân kinh doanh gas khác nhau nhưng chưa bị cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xử lý. Đồng thời tố cáo công ty Phúc Khang ngang nhiên hoạt động trong thời gian bị đình chỉ và có dấu hiệu sản xuất hàng giả.

Ông Nguyễn Công Minh - Chủ tịch hiệp hội gas Hà Nội chia sẻ: “Đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm để giải quyết đúng mức độ và dứt điểm vấn đề vi phạm của công ty Phúc Khang”.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn