Ung thư miệng trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi vào năm 2013 sau khi diễn viên Michael Douglas công khai thừa nhận mắc bệnh do oral sex.
Ngôi sao 72 tuổi cho biết, quan hệ bằng miệng khiến ông nhiễm HPV (human papilloma virus) dẫn đến ung thư. Từ đây nổ ra cuộc tranh cãi liệu ung thư miệng (bao gồm cả ung thư vòm họng) có phải bệnh lây qua đường tình dục hay không.
Theo Medical Daily, mỗi năm ở Mỹ ghi nhận hơn 3.100 phụ nữ và 12.600 đàn ông mắc ung thư miệng liên quan đến HPV.
Nghiên cứu năm 2011 trên tờ Journal of Clinical Oncology chỉ ra loại ung thư này đã tăng từ 16,3% năm 1984 lên 71,7% năm 2004.
Cùng thời điểm đó, một số chuyên gia tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vì Tiến bộ Khoa học Mỹ nhận định HPV đã vượt qua thuốc lá để trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ung thư miệng ở người dưới 50 tuổi.
Trên thực tế, phần lớn chúng ta đều đứng trước nguy cơ dương tính với HPV. Virus này phổ biến đến mức gần như toàn bộ đàn ông, phụ nữ có hoạt động tình dục đều mắc ít nhất một loại trong đời. Tuy vậy không phải ai cũng bị ảnh hưởng.
HPV gồm hơn 100 chủng virus song chỉ 15 loại nguy hiểm. Phát hiện HPV ở bệnh nhân ung thư miệng không có nghĩa đó là nguyên nhân gây ung thư. Nếu cơ thể mắc bệnh, HPV sẽ trở thành một phần của vật chất di truyền thúc đẩy tế bào ung thư phát triển.
"Trong hầu hết trường hợp, virus tự biến mất mà không dẫn đến vấn đề sức khỏe nào. Không thể chắc chắn người nhiễm HPV sẽ bị ung thư", Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ kết luận.
Ngoài ra, phát hiện sớm ung thư miệng và điều trị đúng cách, bệnh nhân có 80-90% khả năng sống sót.
Bình luận