“công nghệ không phải là điều gì quá đặc biệt. Nhưng công nghệ đặt trong tay các thầy cô giáo giỏi về chuyên môn và phương pháp dạy học thì sẽ trở nên hiệu quả. Thầy cô hoàn toàn có thể thay đổi lớp học của mình dựa trên nền tảng đó”.
Niềm tin ấy đã khiến cô giáo Trần Hương Quỳnh (Khoa tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) bước lên bục vinh quang tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu năm 2019 ở Paris.
Cô giáo không cam tâm bị “thui chột” niềm đam mê dạy học
Sinh ra trong gia đình có truyền thống sư phạm, cô bé 9, 10 tuổi khi ấy đặc biệt thích đóng vai cô giáo để dạy học cho lũ trẻ tại khu tập thể dành cho các cán bộ giáo viên.
“Mình luôn cảm thấy say mê với việc giải thích những vấn đề phức tạp trở nên rõ ràng. Mình mong được đứng trên bục giảng như bố mẹ - vốn là giáo viên dạy môn tự nhiên.
Nhưng bước chuyển của mình sang lĩnh vực ngoại ngữ bắt đầu từ năm lớp 10. Đó là khi mình đang theo học tại Trường THPT Chuyên ĐH Ngoại ngữ”, cô giáo trẻ kể về hành trình đến với nghề dạy học của mình.
Nghề dạy học với cô Quỳnh khi ấy có gì thiêng liêng và cao quý lắm. “Có lẽ là bởi xung quanh mình, mọi người đều rất trân quý nghề”, cô nói.
Tuy nhiên theo cô, giáo viên thời điểm bấy giờ chỉ đóng vai trò là người “giảng giải những điều khó hiểu thành dễ hiểu”. Nhưng giờ đây, điều đó không còn đúng nữa bởi trong thời đại công nghệ số, việc truyền thụ kiến thức chỉ là một phần rất nhỏ trong khối lượng công việc của giáo viên.
“Điều quan trọng nhất hiện tại là phải khuyến khích được sự sáng tạo, niềm đam mê của học trò. Không gì khác, công nghệ sẽ giúp thầy cô thực hiện điều đó”.
“Đưa công nghệ vào trong giảng dạy” là điều cô Quỳnh luôn trăn trở. Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ thông tin ở thời điểm đầu những năm 2000 không phải là điều dễ dàng.
“Mình vào đại học rồi mới bắt đầu được biết đến khái niệm máy tính. Tuy nhiên, trang thiết bị khi ấy còn rất sơ khai. Học về chương trình đánh văn bản, mình vẫn phải vẽ bàn phím ra giấy và tập gõ. Mọi thứ với mình đều phải tự mày mò sử dụng”.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ, cô giáo Hương Quỳnh về giảng dạy tại Khoa tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Giai đoạn 2006–2007 là thời điểm nhà trường tích cực khuyến khích giáo viên đưa công nghệ thông tin vào trong dạy học.
Là giáo viên trẻ, cô Quỳnh cũng háo hức tìm tòi. “Mình luôn mong những học trò của mình phải được tiếp cận với phương pháp học tập mới. Mình không muốn những bài giảng của mình chỉ mãi chán ngắt, khô khan”, cô Quỳnh nói.
Vì thế, cô tích cực đăng ký tham gia vào các khóa tập huấn của nhà trường về ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhờ vậy, năm 2006, cô đã giành giải Nhất cuộc thi Ứng dụng Công nghệ thông tin vào trong dạy học do trường tổ chức.
Ngay sau thời điểm ấy, cô Quỳnh nhận được học bổng đi học thạc sĩ của chính phủ Australia trong vòng hai năm. Đó cũng là quãng thời gian giúp cô tiếp cận được nhiều phương pháp giáo dục hiện đại.
“Khi quay trở về Việt Nam, đặt tâm thế phải chú trọng sử dụng công nghệ thông tin nên lúc nào mình cũng háo hức xem có điều gì mới để làm”.
Cô Hương Quỳnh cũng là người đầu tiên đưa môn Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tại trường Sư phạm trong năm 2009.
“Buổi đầu mọi thứ vẫn còn rất đơn giản như sử dụng Powerpoint, nhưng mình thấy rõ sự thích thú và hứng khởi trong từng tiết học của sinh viên”.
Tuy nhiên, những công nghệ ấy vẫn chưa vượt ra khỏi ranh giới của bốn bức tường lớp học. Phá bỏ rào cản lớp học vật lý; đem cuộc sống vào trong lớp học và đưa lớp học ra ngoài thế giới là điều luôn khiến cô Quỳnh đau đáu.
“Cách “dạy chay” không còn phù hợp với thế hệ Z”
Đó là lời khẳng định của cô Quỳnh trước xu thế dạy học đang thay đổi lớn hơn bao giờ hết.
Sau 4 năm theo học Tiến sĩ tại Úc, khi trở về, cô Quỳnh được phân công giảng dạy các bộ môn Ngữ dụng học, Phân tích diễn ngôn, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Ngữ nghĩa học,…
“Đó là những môn nặng về lý thuyết. Do vậy, mình rất trăn trở vì không thể cứ lên lớp rồi đứng thao thao bất tuyệt với bài giảng. Mình hiểu điều này sẽ làm thui chột niềm đam mê dạy học của mình. Và, mình cũng nhận ra điều này không còn phù hợp với thế hệ Z bây giờ nữa.
Đó là thế hệ có thể học ngay trên điện thoại, máy tính. Đó cũng là thế hệ mạnh về nghe nhìn, sáng tạo và thực tế chứ không chỉ ngồi và tiếp nhận kiến thức như từ trước đến giờ”.
Là những người sinh ra trong công nghệ, cô Quỳnh tin rằng học trò của mình cũng mong muốn được học qua thực tế và trải nghiệm.
Nhờ việc tìm kiếm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tình cờ cô biết đến nhóm Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam MIE (Microsoft Innovative Educator).
Cô càng hào hứng hơn khi biết tới những người có cùng chung “chí hướng” với mình là mong muốn tìm ra phương thức hỗ trợ học trò học tập.
Đây cũng là nơi giúp cô giáo trẻ trả lời được nhiều câu hỏi luôn khiến bản thân trăn trở.
Lần đầu tiên, cô được biết tới Sway - ứng dụng cho phép người dùng thiết kế những bài giảng nhẹ nhàng và đơn giản.
Cũng tại đây, ước mơ “đem cuộc sống vào trong lớp học và đưa lớp học ra ngoài thế giới” của cô Quỳnh đã trở thành hiện thực.
Ngồi trong lớp học, cô Quỳnh có thể mang ngôn ngữ đời sống vào bằng cách kết nối Skype với các lớp học trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Malaysia,...
“Trong những tiết học này, sinh viên được giao lưu văn hoá với các sinh viên nước ngoài, thậm chí với cả học trò tiểu học. Các bạn có thể giới thiệu về các món ăn Việt Nam như phở, bún chả, bánh mì... Mình nhận thấy rõ sự thích thú, hứng khởi của học trò trong mỗi tiết học như thế”.
Những nỗ lực trong áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã giúp cô Quỳnh xuất sắc đạt giải nhất tại Diễn đàn giáo dục Việt Nam - Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2019 với dự án Phân tích các Dấu hiệu ngữ dụng qua talkshow và clip trên YouTube.
Cô cũng vinh dự là một trong bốn giáo viên đại diện Việt Nam tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Paris vào hồi đầu tháng 4.
Nhận thấy việc lập kế hoạch và lựa chọn hoạt động trải nghiệm khi đưa học sinh đi thực tế của sinh viên còn nhiều hạn chế, cô Quỳnh cùng 4 chuyên gia giáo dục tới từ các quốc gia khác nhau đã lên ý tưởng xây dựng giáo trình giảng dạy dành cho các sinh viên sư phạm.
Nhờ vậy, sinh viên có thể hiểu hơn về khái niệm hòa nhập qua chương trình Minecraft. Kết quả cuối cùng, nhóm của cô đã được vinh danh chiến thắng chung cuộc.
Điều may mắn nhận lại sau cuộc thi, cô giáo Hương Quỳnh cho rằng, đó là được gặp gỡ với những giáo viên tâm huyết, luôn tìm tòi sáng tạo đem công nghệ và kỹ năng mới ứng dụng vào lớp học.
Cũng giống như câu nói của ông Anthony Salcito - Phó Chủ tịch phụ trách giáo dục tại Microsoft: “Giáo viên là yếu tố quyết định trong tương lai của tuổi trẻ”, cô Quỳnh tin rằng, không chỉ học trò mà bản thân người thầy cũng phải không ngừng thay đổi, bởi “nếu không cố gắng thì sẽ mãi thụt lùi”.
Bình luận