19 lần hiến máu
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (giáo viên trường THPT Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân, TP.HCM) lớn lên tại thôn Nà Wer, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lăk.
Từ nhỏ, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa không có điều kiện đến trường, Nhung quyết tâm thi vào ngành sư phạm và nhen nhóm ý định làm việc thiện giúp người.
Trở thành giáo viên, song song với việc dạy học, cô Nhung còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, cô từng 19 lần tình nguyện hiến máu nhân đạo.
Nhung cho biết, lần đầu tiên tham gia hiến máu tại một bệnh viện huyện ở quê, cô đang là nữ sinh lớp 11. Khi trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Nhung tiếp tục tham gia hiến máu tại các cơ sở y tế như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Huyết học - Truyền máu, Trung tâm Huyết học và truyền máu Trung ương.
“Lần đầu được hiến máu, tôi cảm thấy thấy mình rất vui vì có thể giúp ai đó có thêm cơ hội sống. Sau này, hễ ở đâu phát động phong trào hiến máu là sẵn sàng tham gia. Đây là hành động có ý nghĩa, mang tính nhân văn.
Mình giúp được ai trong khả năng thì cứ giúp thôi. Cũng có vài lần tôi đăng ký hiến máu nhưng bị các bác sĩ trả về do không đủ điều kiện sức khỏe. Nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng rèn luyện, tăng cường sức khỏe để tiếp tục tham gia hiến máu. Với tôi, đó còn là niềm vui sống”, cô Nhung chia sẻ.
Ngoài ra, cô Nhung còn là giáo viên cố vấn cho đội “Công tác xã hội” trường THPT Bình Hưng Hòa dẫn dắt học sinh yêu thích hoạt động thiện nguyện để các em có thể san sẻ tình yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh tại TP.HCM.
Yêu Văn học
Theo cô Nhung, Ngữ văn là môn học rất quan trọng vì nó góp phần giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng, hoàn thiện lối sống, tâm hồn và nhân cách của học sinh. Mỗi tác phẩm Văn học là một bài học về lối sống đẹp, là đạo lí làm người.
Tuy nhiên, nhiều học sinh trường THPT Bình Hưng Hòa chỉ chăm chú vào các loại truyện tranh, truyện ngôn tình,…mà sao nhãng những tác phẩm Văn học có giá trị.
"Vì thế, tôi rất trăn trở tìm hướng đi mới cùng tổ Ngữ văn khơi dậy niềm đam mê môn học này trong học trò của mình. Một trong những phương pháp mà tôi áp dụng là dạy học theo dự án", cô Nhung nói.
Có thể nói, dạy học bằng dự án như một làn gió mát làm thay đổi hẳn không khí trong các giờ học môn Ngữ văn của cô Nhung. Các dự án hấp dẫn góp phần thay đổi những tiết học đơn điệu, nhàm chán theo kiểu truyền thụ kiến thức áp đặt một chiều thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép.
Chia sẻ về việc này, cô Nhung cho biết: “Dạy học dự án là phương pháp học tập trong đó học sinh hoàn toàn chủ động tham gia hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên, nhằm tạo ra một sản phẩm hay vận dụng các kiến thức đã học để tìm hiểu, thực hành nghiên cứu một vấn đề trong học tập hay giải quyết một vấn đề trong cuộc sống. Điều này cũng rất phù hợp với việc đa dạng hóa các phương pháp dạy học mà giáo viên sẽ phải thực hiện trong đợt thay đổi sách giáo khoa sắp tới”.
Chia sẻ về tiết học dự án, học sinh Trần Thị Minh Nguyệt bày tỏ: “Em cảm thấy vui vẻ, thoải mái, làm việc nhóm hiệu quả và không bị nhàm chán khi thực hiện đề tài”.
“Em có buổi trải nghiệm thực tế rất bổ ích ở làng SOS, có lẽ đó là khoảnh khắc không thể nào quên. Em thật khâm phục những đứa trẻ này vì chúng đã dám vượt qua nỗi buồn, nỗi đau và cả sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần để vươn lên cho ước mơ phía trước”, em Nguyễn Thị Liên trải lòng sau chuyến đi thực tế tại trại trẻ mồ côi.
Dù chỉ mới vào nghề 4 năm nhưng cô Nhung đã thể hiện được năng lực chuyên môn vững vàng, được đồng nghiệp tin tưởng và học sinh thương yêu, quý mến. Chính bởi sự nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ, năm học vừa qua, cô Nhung được Ban Giám hiệu nhà trường khen tặng thành tích “Giáo viên dạy giỏi”.
Bình luận