Thời điểm nghỉ thai sản, cô Vương Thị Linh Linh, 27 tuổi, giáo viên trường Marie Curie (Hà Nội) tranh thủ thời gian không lên lớp, cô hàng bán online để kiếm thêm thu nhập. Cô giáo trẻ không hề nghĩ công việc này giúp cô vượt qua thời kỳ dịch bệnh khó khăn.
Do dịch bệnh kéo dài nên cô cùng người khác mở một cửa hàng nhỏ ở quê (Hòa Bình). Nhờ vậy, khi nhịp sống của nhiều người chậm lại vì COVID-19, cô Linh vẫn được trải qua những ngày tất bật với dạy online, bán hàng và chăm con.
Nghề tay trái thu nhập cao hơn nghề giáo
Gần hai năm qua, nhiều giáo viên trải qua thời kỳ dịch COVID-19 với nhiều thay đổi cả trong công việc lẫn cuộc sống. Dịch đeo đẳng khiến không ít nhà giáo phải bỏ nghề vì không có việc, nhà trường không đủ trợ cấp.
Cô Linh Linh không nằm ngoài khó khăn chung đó và xoay xở bằng cách bán hàng online. Công việc thuận lợi hơn cô tưởng. Đồng nghiệp giới thiệu khách. Phụ huynh thương giáo viên vất vả đợt dịch cũng giúp cô Linh Linh “quảng cáo” thêm.
Bình thường, dạy học chiếm nhiều thời gian nhất. Vì ngoài công việc trên lớp, cô còn chuẩn bị giáo án, thường xuyên tìm tòi tài liệu, học các lớp học về tâm lý trẻ nhỏ để nâng cao chuyên môn.
Nhưng trong đợt dịch này, nhịp sống có phần thay đổi. Cô Linh dành nhiều thời gian hơn bên gia đình, chăm sóc con nhỏ hơn 1 tuổi.
Ngoài ra, hàng ngày, đặc biệt buổi chiều tối, cô Linh cũng đón lượng khách lớn ghé cửa hàng ở Hòa Bình. Dù vậy, cô vẫn duy trì được cả việc làm giáo viên, bán hàng và chăm lo cho gia đình, một phần nhờ sắp xếp thời gian và có ông bà giúp đỡ trông cháu.
“Mẹ chồng tôi khuyên dù đang nghỉ dịch, tôi vẫn phải cố gắng duy trì nề nếp sinh hoạt để khi hết dịch có thể có thể quay lại trường, lớp mà công việc không bị dồn dập”, cô giáo trường Marie Curie chia sẻ.
Cô Linh Linh muốn duy trì song song công việc dạy học và kinh doanh để có thêm thu nhập. Ngoài trang trải cuộc sống gia đình, tương lai, cô còn muốn giúp đỡ trẻ em gặp khó khăn để các em được đi học.
Cô giáo trẻ cho biết thêm trước đây, cô có nghề “tay trái” là làm mẫu ảnh. Nghề này cũng như việc kinh doanh đều mang lại thu nhập cao hơn nghề chính giáo viên.
Dù vậy, cô vẫn gắn bó với nghề giáo vì đam mê dạy học và ước mơ “cho ra lò” thật nhiều thế hệ học sinh chất lượng. Công việc bán hàng giúp cô trang trải thêm chi phí cho cuộc sống hàng ngày.
Thèm đến lớp, ôm học trò một cái
Nghề giáo không phải lựa chọn ban đầu của cô Vương Thị Linh Linh. Hồi đại học, cô sinh viên ngành Kinh tế đi làm gia sư cho một vài học sinh tiểu học. Khoảng thời gian đó cùng lời khuyên của mẹ học trò khiến cô Linh nghĩ nhiều hơn đến nghề giáo.
Sau các buổi thuyết trình ở trường cùng một vài cuộc thi, nữ sinh Linh Linh nhận nhiều lời khen về khả năng truyền đạt. Vì thế, cô quyết tâm thi sang ngành sư phạm.
Suốt những năm qua, đặc biệt sau khi có con, cô Linh Linh chưa từng hối hận về quyết định năm đó. Mỗi ngày đến trường, cô nhận niềm vui từ các học trò nhỏ và đồng nghiệp.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, việc dạy học chuyển sang online, cô nhớ da diết những ngày ở trường. Nhiều lần, cô mừng hụt vì được đến trường rồi lại buồn bã vì lại phải dạy học từ xa.
Gần hai năm qua là khoảng thời gian đáng nhớ. Nỗi sợ lớn nhất của cô giáo trẻ trở thành mất điện, mất mạng, đường truyền kém. Cô cũng lo học sinh không được thỏa sức sáng tạo trong mỗi giờ học. Những tiết học trực tuyến cũng thiếu vắng các cánh tay nhỏ giơ lên, thắc mắc, “hỏi vặn” cô vấn đề mới.
“Có những lúc nhớ học trò quá, tôi chỉ muốn đến lớp, ôm chúng một cái. Mỗi lần nghe các con nói nhớ cô, trong lòng xúc động lắm nhưng trong giờ dạy, tôi vẫn phải nghiêm mặt cho học trò sợ cô một chút”, cô Linh tâm sự.
Cô Vương Thị Linh Linh không biết sẽ phải ở nhà đến bao lâu nữa và thêm bao nhiêu lần dịch bệnh khiến cô trò xa nhau. Trong thời gian đó, nếu không dạy học online, cô vẫn sẽ trau dồi kiến thức, nghiệp vụ, đầu tư nhiều thời gian hơn cho gia đình, việc kinh doanh.
Còn khi dịch được kiểm soát, trẻ em đến trường trở lại, cô sẽ rời Hòa Bình, nhờ bố mẹ chồng chăm lo cửa hàng để cô tập trung cho nghề giáo.
Bình luận