• Zalo

Cố giáo sư Trần Quốc Vượng nghĩ gì về Tết?

Thời sự Chủ Nhật, 17/02/2013 06:40:00 +07:00Google News

(VTC News) – Có những giá trị về Tết Nguyên đán không thể dịch chuyển bởi đã ăn sâu vào tâm thức dân gian hàng nghìn đời.

(VTC News) – Có những giá trị về Tết Nguyên đán không thể dịch chuyển bởi đã ăn sâu vào tâm thức dân gian hàng nghìn đời.

Dưới góc nhìn văn hóa học, cố giáo sư Trần Quốc Vượng chỉ ra một cách sắc sảo để minh chứng rằng, bất cứ sự xê dịch nào về mặt thời gian, hệ giá trị, triết lý, nghi thức cổ truyền của Tết sẽ biến mất!

Tết – cái chết tạm thời của vũ trụ

Những huyền tích về Bánh chưng – Bánh dày được sách vở Lý Trần ghi lại đã phóng rọi về một cái Tết từ thời vua Hùng dựng nước. Ngày trước, bánh chưng làm theo kiểu “bánh tét” với ý nghĩa tượng trưng cặp đôi – linga (chưng)/ iôni (dày), còn triết lý “Trời tròn đất vuông” là một nét văn hóa muộn màng hội nhập từ Trung Hoa.

Triết lý chung quanh Tết mang tính nguyên hợp và thể hiện tư duy huyện thoại về cái Tết là cái chết tạm thời và sau đó là sự phục sinh của vũ trụ, từ năm cũ bước qua năm mới.

Nó tương hợp với triết lý Bác Hồ: “Ví không có cảnh Đông tàn/ Thì sao có cảnh huy hoàng ngày Xuân…”

Cái chung là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Cái riêng, triết lý Bác Hồ, là một ẩn dụ triết lý xã hội về đạo đức nhân sinh. Triết lý Tết cổ truyền là cái nhìn tâm linh huyền thoại mang tính biểu trưng, với nhiều biểu tượng và pha màu Đạo giáo.

Bẩy ngày trước ngày đầu năm mới, tức 23 tháng Chạp là ngày chết tạm thời của vũ trụ, theo ước lệ. Bẩy (7) con số thiêng, biểu tượng của vũ trụ, chỉ cái toàn thể, như 3 hồn ở Tim, 7 vía ở Rốn trong toàn thể hồn vía một người đàn ông; Như Đức Phật sơ sinh bên Ấn Độ bước đi 7 bước, tức khắp vùng thế giới.

Một ước lệ khác. Hôm ấy ông Công, ông Táo (vị thần tuy 3 mà 1 trong “Tam vị nhất thể” Thổng công – Thổ địa – Thổ kỳ của Đạo giáo được Việt Nam hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà”  – vị thần Đất – thần Nhà – thần Bếp núc) cưỡi ngựa Cá Chép bay lên Trời để lại dưới hạ giới một cảnh tượng vô chủ - tâm linh. (Cá cũng như rắn là tượng trưng vũ trụ bên dưới, trong cặp Chim/Cá hay Chim/Rắn hay Hươu/Cá của huyện thoại Thái Mường).

Ngày 23 tết được gọi là Tết Ông Công Ông Táo. Người ta làm cỗ cúng tiễn “ông Táo chầu Giời”, người ta mua cá chép sống rồi thả “phóng sinh” xuống ao hồ sông lạch. Nét biện chứng: Từ trong cái chết đã gieo mầm sự sống.

Dựng Cây Nêu ngày Tết

Một nét biện chứng khác: Ngày 23 tháng Chạp, người ta dựng Cây Nêu.

Cây Nêu ngày Tết của người Việt có tiền thân và tên gọi từ cây tà-leo của các tộc bản nguyên Đông Nam Á (Môn Khơ –me, Tày Thái cổ). Cây Nêu mang ý nghĩa phổ quát của Cây Vũ Trụ, còn gọi là Cây Mặt Trời. Mặt trời được huyền thoại tượng trưng như cánh chim đỏ thắm đậu trên cây vũ trụ mà tượng hình trên cây nêu là túm lông gà sống thiến, miếng vải đỏ hay vật đan hình tròn mắt lưới.

Sự tích cây nêu Việt Nam là một huyền thoại cổ đã được Phật hóa về cành tre treo áo cà sa đức Phật, xua đuổi bầy quỷ dữ từ biển Đông (tượng trưng cho bóng tối, thế lực hắc ám) lợi dụng lúc cuối năm vô chủ - thần linh, ào vào đất liền tranh giành lãnh thổ của Con người. Việc dùng vôi trắng (tượng trưng cho ánh sáng) vẽ cung tên trên sân nhà hướng về Đông cũng xuất phát từ ý nghĩa đó.

Ánh sáng xua tan đêm tối, mặt trời đi ngủ đông, phải dựng nêu tà-leo để đón ánh mặt trời, để mặt trời có chỗ đậu ngay khi vừa tỉnh giấc Xuân.

Để xã hội hài hòa và tương thích với vũ trụ thì từ ngày 23 Tết mọi công việc làm ăn đồng áng, buôn bán… cũng tạm dừng. Từ đây, không ai được vào rừng khai thác, thu lượm cái gì nữa. Xưa các công thư huyện, tỉnh, trấn xứ và triều đình đều đóng cửa nghỉ việc từ hôm đó sau khi đã làm lễ “hạp ấn” (niêm phong mọi con dấu, ấn triện…). Đến nhà tù (nói chung) cũng không tiếp nhận tù nhân mới. Tóm lại đó là sự dừng nghỉ hoàn toàn, để hợp với cái chết tạm thời của vũ trụ.

Nghi thức thứ hai quan trọng của Tết sau Tết Ông Công là giây phút Giao thừa, điểm thời gian chuyển tiếp giữa năm Cũ – năm Mới, được huyện thoại quan niệm như sự giao hòa Âm – Dương, phối ngẫu Đất Trời, để từ trong cái Chết – Cũ nảy sinh sự Sống – Mới… Giao hòa, giao hợp là triết lý Phồn Thực.

Một ông Táo mới hay cũ mà đổi mới, lại xuống trần thế làm chủ nhà – bếp – đất một năm mới. Người ta bầy cỗ cúng ở ngoài sân để đón ông, mừng ông. Người ta còn thay những Ông Đầu Rau cũ bằng những Ông mới.

Sự sống hồi sinh

Tín ngưỡng cơ bản của người tiểu nông Việt Nam trồng lúa nước cổ truyền, pha đậm đặc thêm bởi ảnh hưởng Đạo Nho là sự thờ cúng Tổ Tiên.

Tháng 12 lịch cổ truyền là tháng Lạp – Chạp, người đi “chạp mả”, sửa sang, thắp hương trên các mộ phần, khấn khứa mời ông bà ông vải tổ tiên về ăn tết cùng con cháu…

Cùng với mâm cỗ cúng Ông Táo cũ 23 tết là cỗ cúng tổ tiên. Cùng với mâm cỗ cúng đón Ông Táo mới phút giao thừa ngoài sân là mâm cỗ cúng Tổ Tiên trên bàn thờ trong Nhà, gian giữa.

Và 3 ngày hay 5 ngày đầu năm mới là 3-5 ngày thường xuyên sửa cỗ cúng Tổ Tiên. Tổ Tiên hưởng hương hoa còn con cháu thụ lộc trong tinh thần cộng cảm, gia đình – thân quyến.

Tình cảm gia đình người Việt Nam xưa nay rất nặng: “Tháng Giêng ăn tết ở nhà”.

Dù đi làm ăn buôn bán nơi đâu quanh năm suốt tháng, gần ngày tết người ta cũng tìm mọi cách trở về quê, về nhà để cúng Tổ Tiên, xum họp gia đình, cộng cảm cùng thân quyến nội ngoại.

Như trên đã nói, lối sống và thế ứng xử Việt 3 ngày Tết cổ truyền là: “Mồng Một thì ở nhà Cha/ Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy”. Đó là đạo đức hiếu lễ, đạo đức “tôn sư” của Nho phong.

Vì Tết là Đổi Mới, Sức Sống Mới nên gam màu chủ đạo của việc trang trí Tết là màu Đỏ - tượng trưng màu Máu, màu của Sự Sống và Sự Tái Sinh, theo quan niệm nguyên thủy và được bảo lưu tại văn hóa Phương Đông.

Tết là sự trình diễn những món ăn dân tộc: Giò, Chả, Vây bóng, Thị mỡ dưa hành. Đúc kết biểu trưng tết, không gì cô súc bằng đôi câu đối: “Thị mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu – tràng pháo – bánh trưng xanh”.

 
Như bất cứ lễ hội nào, tết cũng có những thủ thục và những điều kiêng kị. Thủ tục tắm gội tất niên, mặc quần áo mới, nói lời hay ý đẹp, chúc tụng nhau năm mới, hái lộc, xuất hành, khai bút… v.v. Đời Lý Trần có tục lệ rất hay: Trai gái nhà nghèo tự ý ăn ở lấy nhau lúc giao thừa. Kiêng kị ăn nói thô tục, kiêng quét nhà đổ rác ngày đầu năm mới (sợ mất lộc), người có tang kiêng đến nhà người khác đầu năm mới…v.v.

Sau 3 ngày hay 5 ngày, người ta làm lễ và cỗ cúng “hóa vàng”, đốt tiền giấy và tiễn Tổ Tiên về lại thế giới của người đã khuất. Từ dương cơ người đang sống, Tổ Tiên trở lại chốn âm phần.

Từ phút giao thừa, sự sống hồi sinh tới 7 ngày thì được coi là hoàn toàn hồi phục. Mồng Bảy Tết là ngày khai hạ, hạ Cây Nêu xuống, coi như mừng kết thúc Tết. Người ta làm lễ “mở cửa rừng” nơi rừng núi để dân đi lại vào rừng tự do. Người ta lại làm lễ “khai ấn” ở các công thư quan lại và triều đình. Mọi sinh hoạt đời thường được xem là tiếp tục…

Nhưng xã hội tiểu nông ngày trước, có nhiều ngày nông nhàn. Vụ chiêm chỉ có ở miền trũng. Ở vùng đồng mùa vẫn có nhịp điệu đa canh: “Tháng Chạp là tháng trồng khoai/ Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà”. Tuy nhiên, nhịp điệu sản xuất tiểu nông những tháng này ngày trước không thật khẩn trương vì “Tháng Giêng ăn tết ở nhà/ Tháng Hai cờ bạc tháng Ba hội hè”.

Quả thật ngày xưa “ra Giêng ngày rộng tháng dài”, sau cái Tết chủ yếu diễn ra trong phạm vị gia đình, người ta bước vào mùa Hội hè đình đám, mùa sinh hoạt cộng đồng với “gái tháng hai giai tháng tám”: Hội xoan đất tổ, Quan họ Bắc Ninh, Hội pháo Đồng Kỵ ngay từ mồng 4 tết (là sinh hoạt cộng đồng sớm nhất) và “các hội làng” rải rác suốt mấy tháng Xuân. Người ta chảy hội chùa Hương tháng 2 cho đến hội chùa Dâu tháng 4 và chỉ kết thúc với hội Gióng, hội Đầu mùa mưa: “Ai ơi mồng chín tháng tư/Không đi hội Gióng cũng hư mất đời”.

Sau đó là một mùa làm ăn mới, với bao nỗi lo âu và bất trắc.

* Trích “Văn hóa Tết và Tết văn hóa” của cố giáo sư Trần Quốc Vượng

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn