• Zalo

Cô giáo săn 'cổ vật' lập bảo tàng

Giáo dụcThứ Bảy, 09/02/2013 06:58:00 +07:00Google News

Quần thể khu bảo tàng kết hợp với thư viện gồm có 5 ngôi nhà với 5 phong cách khác nhau.

Quần thể khu bảo tàng kết hợp với thư viện gồm có 5 ngôi nhà với 5 phong cách khác nhau. Cách bài trí thể hiện cho các giai đoạn phát triển của bộ mặt xã hội theo chiều dài lịch sử đất nước.

Lo thế hệ học sinh sau này quên lịch sử, không có cơ hội được mục sở thị những vật dụng sinh hoạt của người Việt cổ, một cô giáo đã nguyện rời thủ đô hoa lệ về quê lập bảo tàng ngay giữa quê hương bản quán. Sử dụng đồng lương hưu ít ỏi, cô đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, tìm kiếm, sưu tầm các cổ vật đang bị lãng quên để đưa về "bảo tàng Đồng quê" do chính mình mở ra.

Bỏ phố đi săn... đồng nát

Về vùng đất Giao Thuỷ (Nam Định), hỏi cô giáo Ngô Thị Khiếu, người dân ai cũng biết tiếng. Cũng bởi tiếng lành đồn xa, từ nhiều năm nay, người dân nơi đây đã không ngớt trầm trồ, ngợi ca về ý tưởng độc nhất vô nhị của cô. Cũng cần nói thêm, vùng đất Bình Di (Giao Thịnh, Giao Thuỷ) - quê hương của cô Khiếu chỉ cách bờ biển không đầy chục km. Người dân nơi đây vốn nổi tiếng là đầu sóng ngọn gió, từ già trẻ đến trai gái có thể kể vanh vách đặc điểm thời tiết cũng như từng cơn trở mình biến động của biển quê hương. Ngoài trồng lúa, nghề phụ duy nhất của làng là xây dựng. Trai tráng trong làng cứ ăn tết xong là rồng rắn kéo nhau ra thành phố làm thợ xây. Đây cũng là làng duy nhất từng được huy động quy mô lớn thợ đi xây các đảo ở Trường Sa. Về Bình Di, đâu đó vẫn vang lên khúc tráng ca của những người thợ một thời vác đá xây đảo quê hương.

Từ trung tâm huyện lỵ Giao Thuỷ, tìm tới nhà cô Khiếu không khó, bởi một điểm chẳng lẫn vào đâu là những chiếc cối xay sừng sững toạ lạc ngay trước cổng nhà như nghênh đón khách. Trong nhà ngoài ngõ, đâu đâu cũng có sự hiện diện của những "người bạn" này. Trò chuyện trong những ngày đầu năm mới, cô Khiếu bắt đầu kể về hành trình đi săn đồ đồng nát lập bảo tàng của mình. Sinh ra tại vùng quê Xuân Tân (Xuân Trường, Nam Định), sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội, cô về công tác tại trường cấp 2 Giao Thịnh. Tại quê hương thứ hai, cô gặp và nên duyên với một thầy giáo. Không lâu sau, chồng cô lên đường đi bộ đội, xây dựng Trường Sa và các vùng biên giới. Phận gái theo chồng, cô Khiếu đành cắp sách mang nghiệp dạy học đi khắp miền Nam, miền Trung và các vùng biên giới hải đảo.

Bảo tàng Đồng quê của cô giáo Ngô Thị Khiếu. 

Sau thời gian bôn ba khắp dải đất hình chữ S, đem kiến thức của mình đến với trẻ nghèo, vợ chồng cô Khiếu trở ra Hà Nội công tác cho đến tuổi nghỉ hưu. Tưởng rằng cuộc sống an bần lạc đạo sẽ trôi qua êm đềm cho đến khi xế chiều nhưng định mệnh đã đưa cô vào một con đường chông gai hơn. Chẳng hiểu từ bao giờ, cô giáo thủ đô ấy đã quyết tâm sưu tầm lại những hiện vật một thời gắn bó với tuổi thơ nơi quê nhà. Cũng chẳng biết từ đâu cô lại nảy ra sở thích mà theo nhiều người có phần "quái lạ" ấy.

Cô tâm sự: "Cách đây vài năm, trên đường đi chợ, cô tình cờ bắt gặp mấy chị đi buôn đồng nát mua được rất nhiều đồ đồng như mâm đồng, nồi đồng thời xưa. Điều đáng buồn, những báu vật một thời đó chỉ được bán ngang giá sắt vụn... Hỏi ra mới biết, tất cả đều được thu mua về đổ đống rồi đập bẹp ra đem đi chế biến ở các lò đồng nát rồi xuất sang Trung Quốc. Cô chợt nghĩ, nếu cứ đà này thì chẳng mấy chốc những đồ dùng cổ từng gắn bó với người dân sẽ chỉ còn "vang bóng một thời". Điều mất mát lớn hơn là cả một nền văn hoá của dân tộc. Sau này con cháu muốn xem cũng chẳng bói đâu ra. Từ trăn trở đó cô quyết tâm sưu tầm lại những báu vật một thời này, mong giữ lại chút hồn cho hậu thế".

Vậy là từ "thuở ban đầu" ấy, cô Khiếu đã tích góp từng đồng lương hưu hàng tháng rồi bắt đầu đi mua... đồng nát. Tích tiểu thành đại, mới đầu chỉ là một vài cái, sau dần đến chật cả nhà không có chỗ để. Cô Khiếu liên tục về quê, tranh thủ lăn lộn khắp các hang cùng ngõ hẻm để săn "đồ cổ". Ban đầu, cô giấu chồng nhưng sau ông xã cũng phát hiện ra "bí mật". Chồng cô cũng hiểu tâm lý, ông không phản đối mà bảo: "Thôi, bà thuê xe ôm mà đi tìm mua cho đỡ vất vả". Thế là từ đó, mỗi khi rảnh rỗi, anh xe ôm lại chở cô đến các vùng nông thôn ven Hà Nội tìm mua đồ cổ làng quê. "Tuổi cao lại phải đi khắp hang cùng ngõ hẻm nên cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều lúc đi đường gặp mưa gió lại ốm mất mấy ngày, hồi phục là cô lại tiếp tục hành trình săn tìm "đồ cổ".

Lập bảo tàng "độc nhất vô nhị"

Hơn 10 năm qua, cô giáo Ngô Thị Khiếu rong ruổi về từng làng quê, ngõ xóm để tìm kiếm, nhặt nhạnh những nông cụ đang bị xếp xó. Những vật dụng nho nhỏ được bà con tặng, cái có giá trị thì cô bỏ tiền mua. Khoản tiền lương hàng tháng đều bị "nướng" vào sở thích khác người này. "Ở quê bao nhiêu vật dụng gắn bó với đời sống nhà nông như mâm, nồi, xoong, chảo... bằng đồng đều bị bán hết. Chiếc cày, chiếc bừa, gầu tát nước... cũng dần dần biến mất. Chẳng biết vài chục năm nữa, khi bọn trẻ lớn chúng có biết được thế hệ cha ông sống như thế nào? Hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau" chắc chỉ còn xuất hiện trên phim ảnh?", cô Khiếu trăn trở khi nghĩ đến thế hệ tương lai.

 Từ những trăn trở đó, cô giáo nghỉ hưu quyết định lập một bảo tàng tại quê hương dựa trên những hiện vật sẵn có và bộ sưu tập "cổ vật" cô thu nhận được. Cũng cần nói thêm, hai vợ chồng cô đều ham đọc sách. Mấy chục năm làm nhà giáo, cô sưu tầm được rất nhiều sách. Còn chồng cô thường đi công tác xa, chuyến đi nào ông cũng mua sách mới, nhét đầy cặp để tranh thủ đọc dọc đường. Nhẩm tính, số sách hai người sưu tầm được cũng lên đến hàng nghìn cuốn.
Cô Khiếu tâm sự: "Bảo tàng Đồng quê ra đời hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhà cô sẵn có tủ sách, trước đây cũng từng sưu tầm một số hiện vật làm kỷ niệm. Khi về thăm quê, thấy quê hương bản quán còn nhiều khó khăn đã nảy ra ý định bàn với địa phương làm một cái thư viện nhỏ, sau mới phát triển thành bảo tàng. Mục đích xây dựng bảo tàng cũng khác hẳn những nơi khác. Đây là bảo tàng Đồng quê do đó những hiện vật trưng bày mang đúng dáng dấp đồng quê, gắn liền với bông lúa củ khoai. Nó hoàn toàn không phải là cổ vật hay báu vật gì".

Nhìn cơ ngơi khang trang giữa quê hương, cô giáo Ngô Thị Khiếu thầm cảm ơn sự giúp đỡ của bạn bè, làng xóm. "Nếu không có mọi người giúp đỡ chắc cô không thể làm được như thế này". Hiện cô Khiếu đã là chủ sở hữu "tài sản" khoảng 1.000 hiện vật bao gồm: mâm, nồi, đèn dầu... bằng đồng. Ngoài ra còn có hàng trăm nông cụ sản xuất của nông dân như: Cày bừa, cuốc thuổng, gầu tát nước, nong nia, rổ rá các loại, cối xay thóc... Và thư viện, hiện tại đã có hơn 1.000 đầu sách.

Trong khối "tài sản" vô giá đó, mỗi cái đều gắn với những kỷ niệm riêng. Cô Khiếu cũng kể cho chúng tôi nghe về hành trình sưu tầm lại nhiều hiện vật của dòng họ Ngô, tổ tiên của mình. Nhiều hiện vật có từ thời cụ Ngô Quang Đạo từng được ghi danh ở Văn miếu Quốc Tử Giám, đến nay đã qua 16 đời. Quê ngoại của Bác Hồ cũng gửi tặng cô một chiếc hái và bộ tràng kỷ vô cùng giá trị. Lần khác, một người bạn ở Thanh Hoá cũng gửi tặng cô bộ sưu tập 5 chiếc nồi, 5 chiếc mâm bằng đồng nguyên bản. Cô cũng sưu tầm được bộ sắc phong mà vua ban thưởng cho gia đình vị tướng từng phò tá Hai Bà Trưng tại xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ, Hà Tây). "Cô vẫn còn nhớ, lần đó, khi đến địa phương hỏi, người dân còn đuổi vì tưởng cô buôn đồ quốc cấm. Cũng có người tưởng mình buôn bán cổ vật bèn hét giá cao hàng tỷ đồng nhưng sau khi biết lý do chính đáng đã bán với giá thấp", cô Khiếu nhớ lại.

Được biết, quần thể khu bảo tàng kết hợp với thư viện gồm có 5 ngôi nhà với 5 phong cách khác nhau. Cách bài trí thể hiện cho các giai đoạn phát triển của bộ mặt xã hội theo chiều dài lịch sử đất nước của làng quê Việt Nam. Trong một lần về thăm bảo tàng của cô, GS Vũ Khiêu đã tặng câu đối khen ngợi: "Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước /Để cho con cháu mãi sau này".

Ông Phạm Đức Thành, phó chủ tịch UBND xã Giao Thịnh cho biết: "Khi biết được ý tưởng của bà Khiếu, lãnh đạo xã đã nhiều lần kiểm chứng thông tin và nhận thấy đây là một công trình thiết thực với địa phương, phù hợp với sự phát triển của thôn quê. Chúng tôi nghĩ khi công trình của bà Khiếu hoàn thành sẽ có nhiều du khách đến đây tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ".

Theo Người Đưa Tin
Bình luận
vtcnews.vn