Cô giáo người Bố Y xách từng can nước, 'gieo chữ' nơi khó khăn nhất nước

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 19/11/2020 12:45:00 +07:00
(VTC News) -

Cứ sáng sớm hoặc sau buổi chiều tan học, cô Lồ Thị Lan cùng với các thầy cô và các em học sinh chuẩn bị can, đòn gánh để đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt và học tập.

Đến với mảnh đất Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, ai cũng biết nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là nước. Nước với người dân ở nơi đây được quý như vàng.

Nước quý như vàng

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà có 4 chị em, được đi học là điều khó khăn với cô gái Lồ Thị Lan (dân tộc Bố Y). Trong nhà, mẹ của Lan là người lao động chính. Để được đi học, Lan và các anh, chị em phải tranh thủ phụ giúp mẹ việc nhà như chăn trâu, làm nương, làm rẫy, nấu cơm...

Thấu hiểu sự khó khăn vất vả của mẹ, cô gái Lồ Thị Lan luôn tâm niệm bản thân phải không ngừng cố gắng học tập, theo đuổi ước mơ để trở thành cô giáo của bản, làng.

Sự cố gắng của cô đã được đền đáp xứng đáng, tháng 6/2011 khi hoàn thành chương trình học sư phạm, Lan được nhận quyết định đến công tác tại trường Tiểu học Dìn Chin, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Cô giáo người Bố Y xách từng can nước, 'gieo chữ' nơi khó khăn nhất nước - 1

Cô giáo Lồ Thi Lan trên bục giảng.

Đóng chân ở khu vực giáp ranh biên giới, nhiều năm các thầy cô và học sinh trường Tiểu học Dìn Chin, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lao Cai luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Hàng ngày, ngoài thời gian lên lớp các thầy, cô giáo và các em học sinh trong trường còn phải thay nhau đi xách từng xô nước trong khe núi cách trường gần 1km để lấy nước, nấu ăn và sinh hoạt.

Cứ sáng sớm hoặc sau buổi chiều tan học các thầy cô và các em học sinh chuẩn bị can, đòn gánh để đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Gọi là lấy nước nhưng thực tế là đi hứng từng giọt nước.

Dường như mỗi can nước là một phép thử về sự kiên nhẫn của người đi lấy nước. “Để có nước sinh hoạt thì thầy, cô và trò phải mang can đi lấy nước về. Mùa mưa còn dễ lấy chứ đến mùa khô thì công việc lấy nước gặp nhiều khó khăn vất vả hơn nữa. Để lấy được nước, các thầy, cô phải đèo can đi hơn 10km để lấy nước. Đi lấy nước xa thì phải xếp hàng đợi, có khi xếp hàng tận 2 tiếng. Một can nước 20 lít có khi chỉ sử dụng được một lần, chính vì vậy nước ở đây được quý như “vàng””, cô Lồ Thị Lan chia sẻ.

Cách nguồn nước này không xa vẫn có các khe nước khác, nhưng ngặt nỗi để lấy được nước từ đó mang về là phải đi qua nhiều đoạn đường đã lởm chởm, dốc cao, sứng người không mang nổi, có khi mang về đến nhà thì đã bị rơi vãi và đổ hết.

Vất vả xách từng xô nước nên các thầy cô và các em học sinh rất tiết kiệm khi sử dụng. Nước thừa sau khi rửa rau, vo gạo, rửa bát, đĩa lại được dùng để dội nhà vệ sinh, tưới rau...

Ở mảnh đất luôn thiếu nước nên cô Lan luôn mong ước trời đổ cơn mưa. Cơn mưa đối với các thầy cô và học sinh nơi đây quý như vàng. Trời mưa cô Lan và các thầy cô trong trường lại rủ nhau ra người hứng nước nưa để dùng, có khi mang quần áo ra để giặt giũ, rửa bát đũa…

Cô giáo người Bố Y xách từng can nước, 'gieo chữ' nơi khó khăn nhất nước - 2

Niềm vui với cô Lan là nhìn các học trò trưởng thành.

Niềm vui là sự trưởng thành của học sinh

Mặc dù sống trong điều kiện khó khăn nhưng bản thân cô Lan rất hạnh phúc vì có bạn bè, đồng nghiệp sống bao bọc nhau như anh em trong một gia đình, luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp khó khăn.

Trường nơi cô Lan công tác 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, các em còn hạn chế về ngôn ngữ, tiếng phổ thông nên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và quá trình truyền tải kiến thức. Nhưng không vì thế mà nản lòng bởi cô Lan cũng là người dân tộc nên rất hiểu những khó khăn vất vả của học trò.

Các em bị thiệt thòi quá nhiều, mọi thứ phục vụ cho việc học đều thiếu thốn”, cô Lan trầm ngâm chia sẻ.

Chính vì mong muốn để các em không bị mù chữ, rồi tương lai lại phải gắn bó cả đời với nương rẫy mà cái đói, cái nghèo vẫn cứ bám riết lấy các em.

Tôi thầm nghĩ mình phải chịu khó hy sinh một chút, chấp nhận những khó khăn, tìm tòi, khắc phục những khó khăn đó để dạy cho các em con chữ, giúp các em có kiến thức, hành trang để bước vào cuộc sống trong tươnglai”, cô Lan nói.

Để làm được điều đó, trong quá trình giảng dạy cô Lan vừa làm bạn, vừa học tiếng của các em để cùng trò chuyện, hướng dẫn các em cách học, rèn luyện cho các em các kỹ năng sống, động viên khuyến khích các em đi học đều.

Cô Lan rất sợ các em vì khó khăn mà phải nghỉ học để theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy. Đã không ít lần cô Lan và đồng nghiệp phải đi vào tận nơi để vận động, gọi học sinh đến trường.

"Mong sao các em không bỏ trường, bỏ lớp", cô giáo 9X dân tộc Bố Y chia sẻ.

Mỗi lần như vậy bản thân cô Lan lại nghĩ rằng “ai cũng nhận phần dễ thì khó khăn để phần ai”. Khi đứng trên bục giảng được nhìn thấy những khuôn mặt ngộ nghĩnh, ngơ ngác của các em trong Cô Lan lại trao dâng bao cảm xúc vừa thấy tội, thấy thương và càng cảm thấy yêu các em, yêu nghề hơn bao giờ hết. Những khó khăn vất vả của mình không là gì khi những điều mình làm có thể mang lại con chữ đến với bản làng cho các em.

Cô giáo người Bố Y xách từng can nước, 'gieo chữ' nơi khó khăn nhất nước - 3

 

 

Mình đã chọn cho mình nghề giáo, cô Lan chỉ mong được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong việc reo những ước mơ, đặt những nấc thang đầu tiên cho một thế hệ mới.

Còn gì vui hơn nếu hạt giống gieo trồng năm nào, với biết bao tình cảm, nay lại đơm hoa kết trái. Dù là thầy, cô nào cũng vậy, sẽ thật hạnh phúc và cảm thấy ấm áp khi các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, trở thành người có ích cho xã hội.

“Bao nhiêu đấy thôi cũng làm cho cô Lan và các thầy cô ấm lòng rồi”, cô Lan xúc động nói.

Với cô Lan, tuổi trẻ phải khát khao, phải hy vọng, luôn giữ trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, hun đúc khát khao làm giàu cho bản thân và góp phần là giàu cho chính quê hương, đất nước.

“9 năm là khoảng thời gian không ít cũng không nhiều trong sự nghiệp trồng người nhưng đã đem lại cho tôi biết bao kỷ niệm”, nữ giáo viên trẻ hạnh phúc chia sẻ.

Tâm sự về cô Lan, thầy Trần Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Dìn Chin chia sẻ: “Cô Lồ Thị Lan là một cô giáo trẻ, nhiệt huyết, giỏi chuyên môn, cô đã đạt được nhiều thành tích trong công tác và là một tổ trưởng giỏi cấp huyện. Trong quá trình công tác luôn luôn được học trò và đồng nghiệp yêu quý. Trong cuộc sống hàng ngày, cô Lan là một người giản dị, hòa đồng, gần gũi với bà con nhân dân và đồng nghiệp…”.

Minh Anh - Hải Đăng
Bình luận
vtcnews.vn