• Zalo

Cô giáo giao tiếp 35 thứ tiếng là 'giáo viên giỏi nhất thế giới' 2018

Giáo dụcThứ Ba, 20/03/2018 09:18:00 +07:00Google News

Cô giáo Andria Zafirakou từ khu vực nghèo bậc nhất nước Anh nhận giải thưởng một triệu USD cho những đóng góp trong ngành giáo dục.

Andria Zafirakou, giáo viên mỹ thuật và dệt may từ trường cộng đồng Alperton ở Brent, tây bắc London được công bố là người Anh đầu tiên đoạt giải thưởng Giáo viên toàn cầu trị giá một triệu USD, theo The Guardian ngày 18/3. Lễ trao giải thường niên lần thứ 4 của tổ chức từ thiện giáo dục Varkey Foundation diễn ra tại Dubai hôm chủ nhật.

Trong lời nhắn chúc mừng tại buổi lễ, Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng giải thưởng này là "món quà thích đáng" cho những gì cô Zafirakou đã làm. Bà tin rằng trở thành giáo viên giỏi đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, trái tim rộng lượng và đây chính là những phẩm chất của cô Zafirakou. 

Cô giáo 39 tuổi nói với các phóng viên: "Tôi đã bị sốc và hoàn toàn choáng ngợp". Giáo viên ở Anh làm việc vô cùng chăm chỉ, do đó với cô, "giải thưởng này dành cho tất cả chúng ta".

Khi được hỏi sẽ làm gì với khoản tiền thưởng, cô trả lời: "Tôi sẽ suy nghĩ kỹ, nhưng bạn biết đấy, tôi nghĩ sẽ thực sự tuyệt vời nếu có thể khiến các môn nghệ thuật phát triển hơn trong trường mình".

Cô kêu gọi sự ủng hộ cho "sức mạnh của nghệ thuật", nói rằng các trường học có thể tạo ra khác biệt tích cực trong cuộc sống của trẻ em. "Tôi đã thấy các môn học sáng tạo giúp trẻ giao tiếp tốt như thế nào. Nó khiến các em tự tin hơn và tạo ra một lớp trẻ đáng kinh ngạc", Zafirakou nói.

co-giao-anh

Những môn học của cô Zafirakou giúp học sinh xóa bỏ rào cản ngôn ngữ. Ảnh: The Times 

Theo The Times, thị xã Brent là một trong những nơi nghèo nhất nước Anh. Đây cũng là khu vực bạo lực, có tỷ lệ giết người cao thứ hai cả nước. Điều tra dân số năm 2011 chỉ ra khoảng 149 ngôn ngữ được sử dụng tại đây. 

Trong nỗ lực tạo dựng mối liên kết với học sinh, Zafirakou đã học cách nói xin chào, luyện những mẫu câu giao tiếp cơ bản trong 35 ngôn ngữ như Gujarati, Hindi, Tamil để có thể tương tác với học sinh từ các nguồn gốc.

Tờ Evening Standard cho biết trong 12 năm tại trường Alparton, cô thường xuyên đến thăm hỏi gia đình học sinh, cùng đi xe buýt hay đón các em ở cổng trường.

"Bằng cách để học sinh chia sẻ về cuộc sống, tôi phát hiện nhiều em có chỗ ở rất chật chội, đông đúc, nơi nhiều gia đình cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà. Có học sinh nói với tôi rằng phải làm bài tập về nhà trong phòng tắm, cố tranh thủ vài phút một mình để có thể tập trung", Zafirakou kể lại. 

Do đó, cô dạy thêm nhiều tiết ngoài giờ và cuối tuần nhằm giúp các em có không gian yên tĩnh để học tập. "Điều kỳ diệu là dù các em gặp phải bất kỳ vấn đề gì ở nhà, dù phải chịu nỗi đau do bất cứ mất mát nào trong cuộc sống gây ra, trường học này là của các em", cô nói. 

Zafirakou cũng đã thiết kế lại chương trình giảng dạy cùng đồng nghiệp để tạo hiệu quả cho học sinh, thành lập các câu lạc bộ thể thao dành riêng cho nữ sinh - điều rất quan trọng trong một cộng đồng còn bảo thủ về giới tính. 

Bên cạnh giải thưởng một triệu USD, Zafirakou sẽ trở thành đại sứ toàn cầu của Varkey Foundation. Điều kiện nhận giải là cô phải tiếp tục giảng dạy ít nhất năm năm và khoản thưởng sẽ được thanh toán đều đặn trong 10 năm. 

Năm ngoái, giáo viên Canada Maggie MacDonnell giành giải Giáo viên toàn cầu cho những cống hiến vì học sinh ở Salluit, một ngôi làng xa xôi ở bắc Quebec, Canada.

Giải thưởng Giáo viên toàn cầu trị giá một triệu USD, ra đời từ năm 2014 nhằm tìm ra giáo viên giỏi nhất thế giới theo từng năm. Giải thưởng của tổ chức từ thiện giáo dục Varkey Foundation thuộc tập đoàn giáo dục GEMS, đơn vị hợp tác với nhiều tổ chức lớn trên toàn cầu bao gồm UNESCO, UNICEF và Sáng kiến ​​Toàn cầu Clinton (CGI).

Hơn 30.000 giáo viên từ 173 nước tham gia giải năm 2018. Top 10 giáo viên xuất sắc gồm các giáo viên đến từ Anh, Australia, Bỉ, Brazil, Colombia, Na Uy, Philippines, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Video: Cô giáo nhặt đồng nát, từ chối dạy thêm

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn