Gina Long Jingjing, 28 tuổi từng tốt nghiệp thạc sĩ về công tác xã hội tại Đại học Columbia (New York, Mỹ). Với ngoại hình xinh đẹp, Long được mệnh danh là "cô giáo thôn quê đẹp nhất” Trung Quốc.
Tuy nhiên, danh tiếng của Long bị tổn hại sau khi một người đàn ông ở Hồ Nam tố cáo công ty của Long tổ chức quyên góp từ thiện nhưng không phải đơn vị được cấp giấy phép.
Trước thông tin trên, nhiều người cáo buộc Long lợi dụng trẻ em thiệt thòi để trục lợi.
Đáp trả, cô giáo này khẳng định các khoản quyên góp được kiểm toán cẩn thận và tất cả được chuyển cho mục đích hỗ trợ giáo dục ở nông thôn Trung Quốc.
Trong video đăng tải gần đây, Long nói mình nghiêm túc với cam kết "thay đổi thế giới".
"Trong thập kỷ qua, tôi đã giúp đỡ 1.500 người, quyên góp 1,93 triệu nhân dân tệ (hơn 6,8 tỷ đổng) và tổ chức 112.025 lớp học cho trẻ em", Long nói.
Giới chức Hồ Nam đang xem xét vụ việc.
Long sinh ra ở Trường Sa (Hồ Nam), du học từ năm 16 tuổi. Từ năm 2011, Long tranh thủ các kỳ nghỉ hè về nước và dạy học cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa. Cô cũng tổ chức quyên góp ở Mỹ để hỗ trợ trẻ em nghèo ở Trung Quốc.
Năm 2018, Long thành lập tổ chức phi chính phủ Kind Force ở Trường Sa để gửi giáo viên tới dạy học ở các vùng khó khăn. Cô cũng có công ty cùng tên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, tiếp thị.
Một tranh cãi khác về Long liên quan tới dự án cô này khởi động hồi tháng 5, thu phí 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng)/người cho một chuyến đi kéo dài 5 ngày tới vùng nông thôn Hồ Nam.
Trong 5 ngày này, những người tham gia sẽ giảng dạy 2 ngày, 3 ngày còn lại để đi du lịch. Không có yêu cầu nào về bằng cấp với các "giáo viên" thời vụ này.
Nhiều người không tán đồng với hình thức du lịch kết hợp dạy học này.
Một số khác thì đặt nghi vấn về hình ảnh của Long trong các video. Họ thắc mắc vì sao cô giáo vẫn xuất hiện lung linh tại các vùng quê nghèo khó như vậy.
Thiếu giáo viên ở nông thôn đang là thực trạng khiến ngành giáo dục Trung Quốc phải đau đầu. Trong 20 năm quan, giới chức Trung Quốc phải điều động các giáo viên về các vùng quê giảng dạy trong vài tháng hoặc vài năm.
Năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo sẽ cử hơn 22.000 giáo viên tới hỗ trợ giáo dục ở các vùng nông thôn nghèo. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng cử giáo viên đến các khu vực này.
Bình luận