Là một trong hai giáo viên cốt cán trong lớp chăm sóc trẻ bại não thể nặng, thuộc dự án ''Chăm con cho mẹ đi làm'' tại Hà Nội, ít ai biết chị Nguyễn Vũ Thị Thủy cũng có con bị bại não.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, chị Thuỷ luôn ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên, nhưng cuộc đời lại gửi đến chị thử thách khắc nghiệt khi con trai đầu lòng 10 tháng tuổi mắc bệnh bại não. "Đã làm mẹ thì khi nghe đến hai từ bại não, ai cũng đều cay đắng và xót xa, bao nhiêu mơ ước khi đó bỗng chốc vỡ vụn", chị Thuỷ nghẹn ngào.
Gạt đi những giọt nước mắt, chị quyết định chọn đồng hành cùng con bằng sự lạc quan. Vợ chồng chị rời quê hương lên Thủ đô để con được tập vật lý trị liệu. Từ ngày đó, cuộc sống của chị chỉ xoay quanh con trai. Đó là hành trình gian nan đến mức chị không dám ốm, sợ ốm mệt sẽ không chăm sóc được cho con. Việc được ra ngoài, gặp gỡ bạn bè hay làm đẹp với chị cũng trở nên xa xỉ.
Dành toàn bộ thời gian bên con, đồng nghĩa với việc chị phải tạm gác lại ước mơ làm giáo viên của bản thân hơn 10 năm qua. Thế rồi vào đầu năm 2023, ước mơ ấy lại bùng cháy trong chị.
Khi hay tin có dự án ''Chăm con cho mẹ đi làm'' được thành lập bởi Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, chị vừa đăng ký gửi con, vừa xin làm giáo viên của lớp. Khi ấy, chị Thủy nhận về rất nhiều lời đàm tiếu, cho rằng bản thân bao đồng, chăm con mình chưa tốt đã lo chăm con cho người khác.
"Là người mẹ có con mắc bệnh bại não, tôi hiểu những phụ huynh khác cũng có khát khao được làm công việc mà mình yêu thích, con được ra ngoài hòa nhập với xã hội", chị Thuỷ nói và chia sẻ mong muốn góp chút sức lực giúp trẻ sớm hòa nhập, phụ huynh cũng giảm bớt áp lực để tiếp tục công việc mưu sinh.
Dạy một học sinh bình thường đã vất vả, với những trẻ bại não khó khăn càng nhân lên gấp bội. Thời gian đầu, nữ giáo viên gặp khó để giao tiếp, chăm sóc trẻ, bởi mỗi học sinh có mức độ bệnh lý, chế độ ăn uống, sinh hoạt khác nhau. Muốn chăm sóc tốt cho trẻ, giáo viên phải thật sự ghi nhớ để tránh nhầm lẫn.
Để tạo niềm vui cho học sinh của mình mỗi khi đến lớp, chị Thuỷ cùng các giáo viên thiết kế nhiều trò chơi, dạy múa hát, kể chuyện, giúp các em tiến bộ mỗi ngày. Mỗi lần nghe phụ huynh tâm sự con về nhà đã nhanh nhẹn, biết pha trò nhiều hơn, lòng chị Thuỷ lại trào dâng niềm hạnh phúc.
"Tôi coi các bé như con. Con tôi chăm sóc con thế nào sẽ chăm sóc các bé như thế", nữ giáo viên nói.
Hơn một năm gắn bó với dự án, chị Thuỷ luôn tự hào vì đã chia sẻ một phần nỗi vất vả với những phụ huynh có hoàn cảnh tương tự. Nữ giáo viên mong muốn sẽ có thật nhiều sức khoẻ để đồng hành cùng con trai và những học trò đặc biệt của mình.
Phụ huynh Đặng Thị Trang (Đan Phượng, Hà Nội) có con gắn bó với lớp học đặc biệt từ những ngày đầu chia sẻ, được biết đến các cô giáo chính là cơ duyên may mắn, để bản thân có thể tiếp tục công việc mưu sinh, kiếm tiền chữa trị cho con.
Từ khi đi học với các bạn ở lớp cô Thủy, con trai chị Trang ngoan ngoãn và nghe lời hơn. Thay vì bắt mẹ bế không rời tay như trước, bé đã biết tự chơi, tự ăn ngoan và không mè nheo đòi mẹ.
"Có thể những việc đó với phụ huynh khác rất bình thường, nhưng với những người mẹ hoàn cảnh như tôi thì đó là cả niềm hạnh phúc. Tôi biết để đạt được điều đó là sự nỗ lực không ngừng của cả con và các cô giáo siêu nhân", chị Trang bày tỏ sự biết ơn đến những người thầy đã giúp đỡ con mình tại lớp học đặc biệt.
Bại não là dạng khuyết tật vận động nặng nhất trong các dạng khuyết tật. Theo số liệu thống kê của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, hơn 95% số trẻ bại não cần có sự hỗ trợ hoàn toàn từ người chăm sóc trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Với mong muốn san sẻ nỗi vất vả cùng các gia đình, để các mẹ có con là trẻ bại não được tận hưởng nhịp sống bình thường như bao người mẹ khác, dự án đặc biệt mang tên ''Chăm con cho mẹ đi làm'' được Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam triển khai từ tháng 1/2023 đến nay.
Đây là lớp chăm sóc dành cho trẻ bại não thể nặng và đặc biệt nặng tại số 1074 La Thành, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Tại đây, các em được sinh hoạt, được vui chơi phù hợp với thể trạng và được chăm sóc chu đáo bởi chính các mẹ có con đồng cảnh ngộ.
Bình luận