• Zalo

Cô giáo bị 5 học sinh hãm hiếp tại phòng: Giật mình đạo đức giới trẻ

Kinh nghiệm sốngThứ Sáu, 01/01/2016 08:45:00 +07:00Google News

Chuyên gia giáo dục cho rằng đạo đức giới trẻ hiện nay đang xuống cấp trầm trọng sau vụ việc 5 học sinh lớp 9 hãm hiếp cô giáo tại Sơn La.

(VTC News) – Sau vụ việc 5 học sinh lớp 9 hãm hiếp cô giáo ở Sơn La, chuyên gia giáo dục cho rằng đạo đức giới trẻ hiện nay đang xuống cấp trầm trọng.

Thông tin 5 học sinh lớp 9 ở bản Suối Bon, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La vừa bị bắt vì hành vi hãm hiếp cô giáo đã khiến dư luận chấn động.

Trả lời VTC News về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng đây là một điển hình cho việc xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong giới trẻ Việt Nam hiện nay.
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội)
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) 
- Bà thấy gì về sự việc 5 học sinh lớp 9 ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La bị bắt giữ vì hiếp dâm cô giáo?

Qua sự việc 5 học sinh hãm hiếp cô giáo đã cho thấy đạo đức của giới trẻ hiện nay xuống cấp nghiêm trọng. Xã hội Việt Nam bất ổn chưa bao giờ có.

Truyền thống của người Việt là tôn sư trọng đạo. Nhưng ngày nay những vụ việc xâm hại thân thể và danh dự nhà giáo đã xảy ra quá nhiều. Thực tế này đã báo động về tình trạng xuống cấp trầm trọng của đạo đức giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung.
- Cả 5 học sinh bị bắt đều là người dân tộc thiểu số. Phải chăng đó là hệ quả của việc các chương trình giáo dục pháp luật không đến được, không hiệu quả với các em học sinh vùng sâu, vùng xa?

Đất nước Việt Nam đã hòa bình, thống nhất 40 năm nay nghĩa là đã có 40 năm để tiến hành giáo dục cho các thế hệ người dân tộc.

Vì thế, sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân tộc không thể còn cảm thông được nữa. Vấn đề hiện này chúng ta cần giải quyết không chỉ còn là ý thức chấp hành pháp luật nhà nước mà còn phải đặt câu hỏi về hiệu quả giáo dục đạo đức cho giới trẻ nói chung và những người dân tộc trẻ tuổi nói riêng.

Những vấn đề này gần đây dường như đã bị xã hội xem thường, không coi trọng nữa. Vì thế, những vụ việc vi phạm pháp luật của thanh niên người dân tộc là hậu quả tất yếu.

- Gần đây, tình trạng học sinh tham gia vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật đang gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng có khiến bà giật mình?

Không chỉ giới trẻ mà toàn xã hội đã trở nên coi thường pháp luật hơn bao giờ hết.

Phản ứng trước mỗi một vụ việc xảy ra là tâm lý thông thường đứng về phía kẻ yếu và ra sức tẩy chay, gây áp lực cho kẻ mạnh mà không cần biết ai là kẻ vi phạm pháp luật và vi phạm ở mức độ nào.

Những bài viết bào chữa cho kẻ phạm tội vì có hoàn cảnh đáng thương hoặc quá trẻ hoặc có thân nhân tốt xuất hiện càng nhiều trên báo chí vô hình chung đã tạo ra làn sóng không thiện cảm với các chính sách pháp luật của nhà nước. Do vậy, chuyện giật mình là đương nhiên.
Trường tiểu học Lóng Luông ngoài điểm trường chính còn có 4 điểm bản
Trường tiểu học Lóng Luông ngoài điểm trường chính còn có 4 điểm bản  

- Nguyên nhân của thực trạng đạo đức học đường xuống cấp trầm trọng là do đâu, thưa bà?

Như tôi đã nói ở trên, những ảnh hưởng từ các suy nghĩ, hành động của mọi người nói chung trong xã hội có tác động không hề nhỏ đến vấn đề đạo đức học đường.

Ngoài ra, các gia đình cũng đang lơ là việc giáo dục đạo đức, tư cách, phẩm chất và ý thức tuân thủ pháp luật dành cho con trẻ.

Đồng thời, việc đánh giá cào bằng và cho mọi học sinh đều có hạnh kiểm tốt trong nhà trường cũng là nguyên nhân gây ra thực trạng đạo đức học sinh xuống cấp trầm trọng.

- Nói như vậy phải chăng đã quá muộn để thay đổi thực trạng thanh niên phạm tội ngày càng tăng như thời gian qua?

Thực tế không phải không có giải pháp, nhưng chúng ta phải làm quyết liệt. Phụ huynh cần phải được tư vấn về việc giáo dục tư cách đạo đức, phẩm chất, lối sống đàng hoàng, tuân thủ pháp luật cho trẻ.

Trong khi đó, các trường học cần có chương trình giáo dục pháp luật chính khóa. Các trường cần có các biện pháp đánh giá tư cách đạo đức học sinh nghiêm túc, sử dụng kết quả đánh giá đó cho việc xét duyệt các cơ hội học tập, làm việc trong tương lai.

Chúng ta cũng cần cân nhắc giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống cho phù hợp với tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật ngày càng tăng như hiện nay.

- Theo bà, ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm với những hành động bồng bột, vi phạm pháp luật của giới trẻ?

Đương nhiên là cả gia đình, nhà trường, xã hội đều phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Gia đình, xã hội và nhà trường là ba kênh quan trọng phải đào tạo đạo đức dành cho giới trẻ.

Vì thế, mọi thành viên trong xã hội, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm về thực trạng đáng buồn này.

- Trong chương trình giáo dục ở nhà trường, việc giáo dục đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành luật pháp cho học sinh liệu đã đi đúng hướng?

Cách đây 10, 20 năm, học sinh luôn lo ngại bị đánh giá hạnh kiểm trung bình, yếu, kém sẽ ảnh hưởng đến những cơ hội học tập, lao động trong tương lai. Tuy nhiên, ngày nay, không thấy mấy học sinh bị đánh giá hạnh kiểm khá.

Dù em học sinh đó có vi phạm thế nào thì các thầy cô giáo cũng hầu như cho hạnh kiểm tốt.

Bên cạnh đó, việc đánh giá để xét nhập học ở các cấp cao hơn hoặc các cơ hội du học,… hiện nay không coi trọng việc đánh giá đạo đức.

Đồng thời, với tình trạng này, chương trình dạy học Đạo đức và Giáo dục Công dân tập trung vào giảng lý thuyết, sáo rỗng, thiếu hiệu quả.

Đặc biệt, trong nhà trường thiếu việc giảng dạy kiến thức pháp luật cũng là một lý do để tình trạng giáo dục đạo đức xuống cấp.

Vì thế, riêng với ngành giáo dục, tôi cho rằng cần phải thay đổi lại hoàn toàn chương trình dạy học Đạo đức và Giáo dục Công dân tại tất cả các cấp cho phù hợp với thực tế.

- Xin cảm ơn bà!
Video: Rủ bạn hiếp dâm người yêu

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn