Cô giáo Đặng Thị Hà (sinh năm 1984, dân tộc Mường) công tác tại trường Mầm non Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu. Sinh ra ở Phú Thọ nhưng cô Đặng Thị Hà lại chọn Lai Châu là điểm dừng chân để “gieo chữ” cho học trò nghèo.
Cấy, gặt thuê lấy tiền đi học
Từ nhỏ Đặng Thị Hà đã nhen nhóm ước mơ đi học và trở thành giáo viên. Vì nhà nghèo không có đủ kinh phí đi học thêm nên Hà phải tự học, đọc sách giáo khoa. Học hết cấp 3, Hà không thi đại học luôn mà dành thời gian để tự học, tự ôn thi.
Ngày ấy, Hà vừa đi làm việc đồng áng phụ bố mẹ, vừa tranh thủ trưa và tối học, nghiên cứu tài liệu. Khi làm xong việc nhà, Hà lại đi cấy thuê, giặt thuê để dành tiền học thêm năng khiếu nhạc, mỹ thuật. Năm 2004, Hà quyết định gửi hồ sơ xét tuyển vào học trung cấp sư phạm sau đó liên thông lên cao đẳng.
Để duy trì cuộc sống thời sinh viên, cô nữ sinh khi đó tranh thủ thời gian rảnh làm thuê kiếm tiền ăn và đóng học phí. “Tôi đã quen với cuộc sống vất vả từ nhỏ nên khi làm công việc đập đá thuê không cảm thấy kiệt sức. Tôi luôn nghĩ về những ước mơ, khát vọng trong tương lai để có động lực vượt qua cái khó ở hiện tại”, nữ giáo viên tâm sự.
Tốt nghiệp cao đẳng năm 2006, cô nói với bố mẹ sẽ nộp hồ sơ lên tỉnh Lai Châu xin việc. Mẹ đồng ý nhưng bố lại mang cả bản đồ ra để phân tích, chỉ ra những cái khó, cái khổ ở vùng cao Lai Châu và cấm không cho cô xin việc. Tuy nhiên, Hà làm trái lại lời bố, quyết định thu dọn hành lý đến Lai Châu xin việc vào đầu năm 2007.
Dựng lớp học bằng tranh tre, nứa
Đặt chân tới huyện Mường Tè, Lai Châu năm 2007, Hà được phân công dạy tại bản Tia Ma Mủ. Thời gian đầu không có chỗ ở nên cô ở nhờ nhà dân. Mỗi khi đến vụ mùa, cô lại giúp mọi người gặt lúa, tranh thủ ngày nghỉ cùng các cô giáo tại bản lên nương với phụ huynh học sinh.
Cô Hà kể: “Tôi giúp người dân gặt lúa xong lại được họ cho thóc, thức ăn thì có lúc tôi mua của họ, có lúc thì phụ huynh cho. Thi thoảng về trung tâm thành phố, tôi sẽ mua đồ khô mang lên để ăn dần. Đêm đến, tôi hay nhớ nhà nhưng khi ấy không có sóng, điện thoại nên không có cách nào liên lạc với gia đình”.
Năm 2008, cô Hà được luân chuyển về bản Nậm Ngà, công tác tại trường Mầm non số 1 Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) và ở đó cho tới nay.
Cô giáo trẻ nhớ lại, ngày đặt chân đến bản Nậm Ngà mọi thứ đều sơ khai và điều kiện vật chất vô cùng khó khăn. “Năm đó, các bản ở khu Nậm Ngà đều là bản trắng nên nếu thầy cô muốn đảm bảo công tác dạy học thì phải có lớp học riêng. Vì vậy, tôi quyết định cùng phụ huynh dựng lớp học tạm riêng cho các con”, cô Hà nhớ lại.
Ở một nơi “thâm sơn cùng cốc” như bản Nậm Ngà, cô Hà cùng các phụ huynh chặt cây, lấy nứa về để đan phên, dựng lớp bằng tranh tre che mưa, che nắng cho lũ trẻ đến trường học.
Một thời gian sau, điểm trường có thêm giáo viên đứng lớp, cô bắt tay vào công tác tuyên truyền, vận động các em học sinh nghèo đi học.
“Có dịp, tôi phải đi 5, 6 lần mới gặp được phụ huynh và hỏi tên con. Khi đến được nhà gặp mặt học sinh, có bạn còn chạy trốn không muốn gặp cô, không muốn đến lớp. Nhưng tôi rất kiên trì, cố gắng đến nhà động viên các em nhiều lần. Lớp học đầu tiên của tôi có 20 em và ghép các độ tuổi khác nhau. Một năm sau, các em làm quen với việc học nên tôi không còn quá vất vả trong công tác tuyên truyền nữa”, cô Hà kể.
Thời gian đầu, cô bất đồng ngôn ngữ với học trò nên việc truyền tải kiến thức còn khó khăn. Cộng với những thiếu thốn về cơ sở vật chất, cô vận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương như sỏi, đá, tre nứa làm đồ dùng dạy học để các em có thêm động lực và hứng thú.
Bắt đầu từ năm 2008, cô Hà vui mừng khi những lớp học “tạm bợ” dựng bằng tranh tre đã bắt đầu được tu sửa và đổi thành nhà gỗ. Đến năm 2017, lớp học đã được thay thế bằng dãy nhà xây khang trang, sạch sẽ.
Để giúp các em dễ dàng hòa nhập và nhận biết thế giới xung quanh, cô Hà hướng dẫn các em, cùng làm những bộ đồ dùng, đồ chơi bằng nguyên vật liệu phế thải sẵn có tại địa phương như: cát, sỏi, tre, nứa hay các mô hình giúp trẻ phát triển vận động bằng lốp xe cũ.
Là một giáo viên “bám bản” hơn 15 năm nhưng chưa giây phút nào cô nản lòng mà luôn có hy vọng, niềm tin, tích cực rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn trong nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, sáng kiến áp dụng vào giảng dạy như: Sáng kiến “Một số giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bán trú đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm”; sáng kiến “Một số giải pháp quản lý chỉ đạo xây dựng và tạo cảnh quan môi trường lấy trẻ làm trung tâm”; sáng kiến “Một số giải pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ 4-5 tuổi tại trường Mầm non Tà Tổng”.
Bình luận