• Zalo

Cô giáo 70 tuổi: Tôi có cơm ăn, sao nỡ lấy tiền học trò

Giáo dụcChủ Nhật, 10/03/2013 12:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Lớp học của cô Thiền có 30 trẻ, toàn những em lam lũ không có tiền đến trường.

(VTC News) - Lớp học của cô Thiền có 30 trẻ, toàn những em lam lũ không có tiền đến trường.

Mê nghề “gõ đầu trẻ”

Lớp học ấy chỉ với vài mét vuông cùng mấy bộ bàn ghế cũ, thế nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thiền (70 tuổi, ở Khu phố 1, P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) vẫn truyền lại kiến thức cho biết bao trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với cô nghề “gõ đầu trẻ” là niềm vui trong cuộc sống . Và “tôi sẽ vẫn còn dạy cho lũ trẻ cho tới khi nào tôi không còn đủ sức lực nữa”.

Sinh ra trong già đình nghèo khó, từ nhỏ, cô giáo Thiền, ngoài việc học ở trường, cô còn phải phụ giúp gia đình việc nhà. Nhưng với cô, có sinh ra trong cảnh khó khăn, vất vả thì mới giúp mình trưởng thành, biết trân trọng những gì mình có hơn.

Cô học rất giỏi toán, hết những năm tháng học sinh, cô Thiền thi vào Trung cấp ngân hàng, sau đó học tiếp tú tài để thi vào trường Đại học Sư Phạm.Nhưng vì gia đình khó khăn, ra trường, cô Thiền xin vào làm nhân viên ngân hàng.

“Nhưng hằng ngày cứ nhìn thấy lũ trẻ con trong xóm phải lam lũ với việc mưu sinh mà không được ba mẹ cho đến trường. Rồi khi hằng ngày phải dạy cho đứa con nhỏ học bài ở nhà, cô Thiền nghĩ mấy đứa nhỏ kia cần phải được đến trường, cần được biết chữ…”

Lúc đầu mở lớp, khó khăn lắm cô Thiền mới vận động học sinh đến học (Ảnh: Quang Nguyễn) 
Ý nghĩ ấy đã thôi thúc Thiền mở lớp dạy học ở nhà. Để có học sinh, cô phải lăn lội đi vận động các em nhỏ trong xóm đi học.

Những ngày đầu mới mở lớp dạy, cô Thiền phải tới nhà vận động nhiều phụ huynh cho con em tới nhà để mình kèm, đã mất công dạy miễn phí thế nhưng nhiều lúc cô lại phải nghe nhiều câu nói không hay của phụ huynh “học thế là đủ rồi, học làm gì nhiều có nuôi được bản thân không”?.

Biết vậy nhưng cô giáo Thiền vẫn đầu tư sách vở, bút viết và còn cho cả tiền để mong các em có thể theo học, rồi có nhiều trường hợp, cô phải chạy ngược xuôi để xin giấy khai sinh cho các em. Thế nhưng, lũ trẻ cứ tới lớp 3 là chúng lại phải bỏ giở việc học hành để đi kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em.

Đến nay, do tuổi đã cao nên mỗi khi dạy cho học trò từng nét chứ, bàn tay cô run run, nhưng mỗi khi thấy học trò quậy phá, cô lại quay sang từ từ nhắc nhở các em. Lớp học của cô khá đông với khoảng 30 học sinh, hầu hết là những đứa trẻ không thể tới trường vì không có tiền, không giấy khai sinh.

Mê việc công, quên việc tư

Ngày trước, cô Thiền vừa dạy lớp tình thương ở nhà, vừa nhận dạy lớp tình thường của phường mở, một mình cô phải dạy tới mấy lớp nhiều lúc cũng cực. Học trò thì đi học “bữa đực bữa cái”, lại còn ham chơi nữa nên cô phải vất vả, thương bọn nhỏ lắm mới theo đuổi tới cùng.

Một mình quản lý mấy lớp học, nhiều lúc cô cũng phải hi sinh công việc của gia đình để giúp đỡ cho xã hội. Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng trong ngôi nhà xây đã cũ kỹ, cô bảo: “căn nhà này hầu hết là do chồng cô tự xây đó con, cũng may ông khéo tay và hiểu vợ nên cô cũng cảm thấy an tâm khi đi dạy tụi nhỏ”.

Đên nay, dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi nhìn lũ trò nhỏ tập tành viết những con chứ tròn vuông, cô Thiên lại yêu quý cái nghề "gõ đầu trẻ" rất nhiều (Ảnh: Quang Nguyễn)  

Cô dẫn chúng tôi vào phòng ngủ của cô, căn phòng chỉ khoảng 10m2 nhưng nhìn rất giản dị và sạch sẽ. Điều làm chúng tôi thấy thú vị là cô để dành gần một nữa căn phòng làm chỗ đựng sách, “hễ ai cho sách gì là cô nhận sách đó, nên cái kho sách của cô ngày một nhiều ra, không biết căn phòng nhỏ này chứa nổi không nữa”.

 

“Mình nghèo, nhưng mình còn có cơm ăn ngày ba bữa. Còn mấy đứa nhỏ, nhà nghèo không được đến trường đầy đủ mới phải đến đây với mình, giờ mà lấy tiền của tụi nó nữa tôi không làm được”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiền
 
Cô cười hiền nói. Hàng năm, nhiều mạnh thường quân biết tới cô, thường mang tặng cô và học trò nhiều tập sách, bút viết để cô tiếp tục công việc. Ngoài sách vở của các mạnh thường quân, nhiều đứa học trò lớp trước của cô cũng mang tới tặng cô và các em khóa sau những cuốn tập đã viết để cô lấy đó làm mẫu cho học trò.


Nhiều người khi thăm nhà cô Thiền đều có chung suy nghĩ, “nhà cô nghèo thế sao không lấy tiền học phí của tụi nhỏ mà sửa nhà”. Lúc đó, cô Thiền chỉ cười rồi tìm cách nói sang chuyện khác. Chúng tôi thắc mắc thì cô tâm sự:

 “Mình nghèo, nhưng mình còn có cơm ăn ngày ba bữa. Còn mấy đứa nhỏ, nhà nghèo không được đến trường đầy đủ mới phải đến đây với mình, giờ mà lấy tiền của tụi nó nữa tôi không làm được”.


Biết vợ có tình thương với lũ trò nghèo, chồng cô thay vợ gánh vác việc nhà. Ông cũng từng là một người thầy nên rất hiểu vợ.

Cô Thiền tâm sự, “Thầy thường động viên cô rất nhiều, còn giúp cô kèm lũ trò nhỏ vốn nghịch ngợm, ham chơi nữa, cũng may có thầy hiểu nên cô mới duy trì được lớp tới bây giờ”. Các con cô bây giờ đều đã lớn, có công việc lại hay đi thường xuyên nên ít khi gặp, “Nhiều lúc, chúng cũng khuyên cô nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng cô không làm được, mình nghỉ thì lấy ai dạy tụi nhỏ học”.

Ban đầu, cũng có nhiều phụ huynh không tin tưởng cô, không cho con mình theo học. Cô phải tới tận nhà động viên, khuyên nhủ gia đình cho các em đi học. Khó khăn nhiều lắm nhưng vì tình yêu học trò và muốn chúng có con chữ cô luôn cố gắng làm cái việc mà người đời thường gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Biết vậy nhưng khi được nhiều phụ huynh thay đổi ý nghĩ về cô, họ tự mang con đến gửi cho cô kèm cặp. Cô nói “đó là niềm vui lớn nhất của cô. Dù tuổi đã cao nhưng nhìn lũ trò nhỏ học thì cô vui gấp bội”.





Quang Nguyễn – Kiều Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn