Nội dung sách được tác giả tuyển chọn đủ các thể loại mang tính đại diện và đặc sắc của văn vần ở Sài Gòn, ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ đó, giúp đọc giả hiểu được một cách khái quát mảng văn chương bằng văn vần trong giai đoạn này.
Theo tác giả, khi chữ viết chính thức của nước ta là chữ Hán và chữ Nôm, loại chữ tượng hình rất khó học, vì vậy văn vần dễ nghe và mau thuộc nhanh chóng tiếp cận được mọi tầng lớp. Người không biết chữ nghe từ người biết chữ, trẻ em nghe từ người lớn. Mọi người ngâm nga văn vần như hát, ít hay nhiều cũng biết Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên.
Từ khi chữ Quốc ngữ xuất hiện, ngày càng nhiều người được học, họ nhanh chóng biết đọc, biết viết. Từ đó, văn xuôi bắt đầu xuất hiện. Thay vì đọc tiểu thuyết bằng văn vần hơn hai ngàn câu họ đã chọn hình thức đọc văn xuôi.
Bộ sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924 ra đời với mong muốn giúp người đọc thấy được toàn cảnh văn học Sài Gòn, ở Nam Kỳ trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Tập 5 của bộ sách có tên "Văn vần: Đèn điển khí" là tâp hợp những tác phẩm văn vần đã được đăng trên các tờ báo tiếng Việt như: Gia Định Báo, Nam Kỳ nhựt trình, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Kỳ Định Phận,... và cũng giống như những cuốn trước, vẫn trân trọng nguyên ngữ của tác giả, chỉ điều chỉnh dấu hỏi ngã cho hợp thời và đánh dấu sau các chữ mà cách viết khác ngày nay.
Bình luận