• Zalo

Cô gái xứ Nghệ nhập vai Phật tử giành giải nhì Sao Mai 2017

Văn hóa - Giải trí Chủ Nhật, 08/10/2017 09:49:00 +07:00Google News

Cô gái xứ Nghệ Phan Ngọc Ánh và màn “nhập vai” Phật tử trên sân khấu giành giải nhì Sao Mai 2017.

12 thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho 3 phong cách âm nhạc thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ với những gam màu âm nhạc khác nhau đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc.

Phan Ngọc Ánh là thí sinh về nhì nhưng lại gây ấn tượng khi cô chọn trình diễn ca khúc mới toanh Tây Thiên huyền thoại với bản phối mới ấn tượng của nhạc sĩ Huỳnh Tú.

_U0A7406

 

Mỗi thí sinh đều có được sự lựa chọn thích hợp để phô diễn lợi thế ngoại hình, kĩ thuật và giọng hát của mình. Trong số đó, gây bất ngờ nhất là cô “em út” đến từ xứ Nghệ Phan Ngọc Ánh.

Liên tục làm mới mình và thử sức với đa dạng các thể loại dân ca khác nhau, nếu như với đêm chung kết dân gian, Phan Ngọc Ánh gây được thiện cảm của khán giả bởi hình ảnh cô ả đào Thăng Long yểu điệu, duyên dáng bên cạnh giọng hát luyến láy ngọt ngào thì với đêm chung kết xếp hạng, đóng vai trò quan trọng nhất cô tiếp tục có sự lựa chọn mạo hiểm với ca khúc nhạc Phật Tây Thiên huyền thoại.

Phan Ngọc Ánh chia sẻ, đến với Sao Mai cô muốn thử sức và thể hiện bản thân mình với nhiều loại hình dân ca khác nhau, qua đó trau dồi và học hỏi về mọi mặt. Cô muốn thoát khỏi hình tượng “hot girl hát ví dặm” để được khán giả nhìn nhận một cách chính thống hơn, như một giọng ca dân gian thực thụ.

Photo 21 30 06, 07-10-2017

 

Ngay khi nhạc mục đêm chung kết được công bố, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu rằng giọng ca với tuổi đời còn khá trẻ như Phan Ngọc Ánh có chạm được đến tầng sâu triết lý của Tây Thiên huyền thoại, cũng như làm chủ được kỹ thuật dân gian đương đại khá cầu kỳ với lối hát ca trù, hát cửa đền mà nhạc sĩ Huỳnh Tú đưa vào trong ca khúc này.

Để thể hiện thành công ca khúc này, theo nhạc sĩ Huỳnh Tú người ca sĩ cần có cái tâm hướng Phật, thấm nhuần được triết lý gửi gắm trong bài hát. Về mặt âm nhạc, người hát phải đảm bảo được 3 yếu tố: kỹ thuật, chất dân gian thuần khiết và phong cách đương đại.

Nhạc sĩ Huỳnh Tú nhận xét về Phan Ngọc Ánh, “Đã nghe Ngọc Ánh hát nhiều lần, tôi cảm nhận được tư duy và chất dân gian dày dặn trong giọng ca với tuổi đời còn rất trẻ này, bởi cô được thừa hưởng cả kho tàng về âm nhạc dân gian của miền Trung”. Theo anh, Phan Ngọc Ánh như “viên ngọc thô”, nếu được mài dũa đúng cách thì sẽ là một cái tên sáng trong dòng nhạc dân gian. Đó chính là lý do anh đề nghị Phan Ngọc Ánh hát ca khúc này và đồng hành sát sao với phần thi của cô.

Để có phần “nhập vai” trọn vẹn vừa qua, Phan Ngọc Ánh đã ăn chay, niệm Phật, trò chuyện với các nhà sư cũng như xem rất nhiều văn tự đạo Phật để thấm nhuần triết lý truyền tải qua bài hát. Có những buổi cô chỉ đơn thuần lên chùa, cảm nhận không khí linh thiêng giữa mùi hương trầm sâu lắng.

Vượt lên khỏi mục đích thấm nhuần tư tưởng trong ca khúc Tây Thiên huyền thoại, Ngọc Ánh cho biết cô thấy mình gần như “thoát tục”, thấy tâm hồn mình lắng đọng, hướng thiện hơn với từng lời răn, triết lý đạo Phật.

Một lần nữa, Phan Ngọc Ánh đã chứng mình rằng sự nỗ lực và đam mê với âm nhạc dân gian của cô đã xóa mờ đi bất lợi về tuổi đời, tuổi nghề.

Thu Hằng
Bình luận
vtcnews.vn