“Tên mình là Đào Vũ Triều Hân. Triều là triều đại, Hân trong hân hoan. Bố mẹ đặt cho mình cái tên này là để nhắc nhở bản thân luôn lạc quan khi bước vào một thử thách mới, một thay đổi mới, dù điều đó có bất chợt và khó khăn như thế nào”, nữ sinh giới thiệu bản thân.
Triều Hân (sinh năm 2003) là một trong những nữ sinh gốc Việt hiếm hoi nhận được học bổng 300.000 USD của Đại học Stanford, ngôi trường danh tiếng của nước Mỹ. Đây là nơi đào tạo ra nhiều nhân tài cho Thung lũng Silicon và có tỷ lệ chấp nhận thấp (khoảng 4%), theo US News and World Report.
Từ nhỏ, Triều Hân đã quan tâm tới những thứ liên quan đến khoa học và thích mày mò tìm hiểu máy tính, đồ điện tử. Niềm đam mê đó đã thôi thúc Hân đến gần hơn với thế giới lập trình và khối ngành STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics - Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).
Bên cạnh việc từng đạt những ít thành tích nổi bật như Science Olympiad Data Science - hạng 5 cấp bang, CS Principles Student of the Year, CS A Student of the Year, AP Scholar with Distinction... cô gái sinh năm 2003 còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Hiện Hân là Phó Chủ tịch câu lạc bộ khoa học ở trường, Trưởng ban Tổ chức dự án nghệ thuật United Under Arts HCMC, đội trưởng cuộc thi Science Bowl và thực tập sinh nghiên cứu về Hệ điều hành thời gian thực tại trường Đại học Houston (Mỹ).
Liên kết lập trình và nghệ thuật
Năm 13 tuổi, Triều Hân sang Mỹ cùng với gia đình. Khi nhập học tại trường trung học Cypress Ridge, Hân có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với môn lập trình. Nữ sinh 18 tuổi kể trong lớp Tin học ở trường, cô được dùng thử phần mềm Processing để tạo nên những bức tranh bằng lập trình.
Từ đó, cô tìm hiểu sâu hơn về sự liên kết giữa thuật toán và nghệ thuật, cách áp dụng code để miêu tả mối liên kết đó. Theo Hân, 2 lĩnh vực này có sự liên kết chặt chẽ không thể lý giải được. Ví dụ, họa tiết trên những vật thể như hoa hướng dương, vỏ sò hay sóng biển đều được liên kết với dãy số Fibonacci.
“Trước giờ nhiều người nghĩ máy tính hay lập trình là khô khan, nhàm chán, nhưng mình lại thấy nó rất ngầu và thú vị. Điều quan trọng là khả năng sáng tạo và sử dụng code để tạo nên những sản phẩm của riêng mình”, Hân nói.
Từ sự yêu thích, Triều Hân quyết tâm nghiêm túc theo đuổi Khoa học Máy tính khi ứng tuyển vào trường Đại học Stanford. Hân cho rằng lĩnh vực này có sự pha trộn giữa lý thuyết và tính ứng dụng trong cuộc sống.
Lập trình có thể áp dụng trong rất nhiều mảng như Toán học, Sinh học, kể cả những lĩnh vực xã hội về Văn học, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Với đúng thuật toán hoặc tham số nhất định, máy tính sẽ vẽ ra một bức tranh gồm các hoa văn mà con người có thể tương tác, nhìn được sự chuyển động và thay đổi hành vi của vật thể. Triều Hân đã viết về mối liên kết thú vị này trong bài luận phụ gửi cho hội đồng tuyển sinh.
Trong đó, cô đã nhắc đến dự án lập trình cá nhân, có vận dụng sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ của nghệ thuật với sự logic của lập trình/thuật toán.
Hân nói phương pháp học tập của mình cũng khá đơn giản. “Bình thường, mình sẽ cố gắng làm bài tập nhanh nhất có thể để tránh tình trạng để lâu bản thân bị lười và nản. Đối với những bài tập dài thì mình chia thời gian trong tuần, ráng hoàn thành vào khoảng giờ trống trong thời khóa biểu”.
Bất ngờ nhận học bổng
Trong bài luận chính thức gửi ứng tuyển tới Đại học Stanford, nữ sinh đã so sánh thời tiết Việt Nam và Mỹ. Thông qua đó, Hân muốn truyền tải cách cô đối mặt với những thay đổi bất chợt trong cuộc sống.
“Thời tiết ở Sài Gòn thì chỉ có 2 mùa mưa - mùa khô, rất quen thuộc và dễ đoán. Ngược lại, thời tiết ở bang mình lại rất khắc nghiệt, không lường trước được. Đồng thời, mình cũng viết về ý nghĩa của cái tên mà bố mẹ đặt cho: Triều Hân - hân hoan đón nhận mọi thử thách”.
Ngoài ra, Đại học Stanford còn yêu cầu nữ sinh viết một bức thư gửi cho bạn cùng phòng trong trương lai. Hân đã nói về những sở thích của mình và chia sẻ kỷ niệm với quả trứng đà điểu.
Qua đó, Triều Hân đã miêu tả cho hội đồng tuyển sinh về những giá trị cốt lõi trong cuộc sống của một nữ sinh 18 tuổi và văn hóa nơi cô lớn lên.
“Lúc mới biết nhận được học bổng từ Stanford, mình còn không tin là mình đậu. Mình tưởng là người ta gửi nhầm kết quả. Đến tối khuya nằm trên giường, mình mới nhận ra bằng một cách nào đó mình đã thực sự đậu Stanford”, Hân vui vẻ kể với phóng viên.
Hân khiêm tốn nhận mình không có điểm số và giải thưởng cao như các bạn khác. Điểm mạnh của Hân là câu chuyện mà cô truyền tải và một đam mê khác biệt có thể gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh.
Trong những năm học tập tại xứ sở cờ hoa, Hân được tự do khám phá sở thích và đam mê của bản thân. Ngoài trải nghiệm những thứ mới lạ, cô còn được thiết kế thời khóa biểu riêng và chọn các môn theo sở thích. Nhờ đó, Hân có cơ hội xây dựng kỹ năng thông qua các môn học liên quan đến khoa học và lập trình.
Vượt qua định kiến giới
Mong muốn lớn nhất của Triều Hân là trở thành một người có thể dùng kiến thức đóng góp cho cộng đồng. Hân không có một thần tượng cụ thể nhưng bản thân cô luôn ngưỡng mộ các nhà khoa học nữ ở những thập kỷ trước đã vượt qua định kiến giới để đóng góp cho nhân loại.
Theo Hân, điều quan trọng nhất khi học lập trình là sự kiên trì. Vì Khoa học Máy tính luôn đổi mới, cần có tính nhẫn nại để bắt kịp các kiến thức và dành thời gian tìm tòi thông tin debug cho chương trình.
“Nữ giới trong các ngành STEM thường đối mặt với ít nhiều định kiến cho rằng không phù hợp hay năng lực hạn chế. Mình mong là các bạn nữ không bận tâm đến những ý kiến này. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc trau dồi cho bản thân”, Hân bày tỏ.
Ngoài lập trình, Triều Hân còn có sở thích khác là vẽ tranh, thiết kế đồ họa và chơi rubik. Sau khi tốt nghiệp THPT, nữ sinh dự định gap year để về Việt Nam với gia đình.
Hân cũng hy vọng khi về nước, cô sẽ tìm được cơ hội thực tập liên quan đến ngành học và thực hiện những thứ đã bỏ lỡ trong 4 năm cấp 3 tại Mỹ.
Bình luận