Năm 2006, dư luận Trung Quốc xôn xao trước thông tin nữ sinh cố tình đạt điểm 0 môn Ngữ văn trong kỳ thi đại học (gaokao). Sau gần 14 năm, khi nhắc đến Tưởng Đa Đa, cô gái dại dột năm đó, nhiều người vẫn cảm thấy nuối tiếc vì em làm điều nổi loạn nhất tại thời điểm không phù hợp nhất.
Theo Sohu, phút bốc đồng ngắn ngủi khiến Đa Đa phải gánh hậu quả trong hơn 10 năm qua, thậm chí cả đời. Cuộc sống của nữ sinh trường Trung học số 8 Nam Dương (Hà Nam) giỏi giang năm đó giờ là mớ hỗn độn.
Tự chấm dứt đường vào đại học, Tưởng Đa Đa kết hôn, sinh con và làm nghề nông. Nhớ lại kỳ thi tuyển sinh đại học 2006, cô rất hối hận. Người phụ nữ chia sẻ từng nghĩ tới việc thoát khỏi thế giới nhưng rồi bố mẹ động viên, cô nỗ lực đi tiếp, dần thoát khỏi cái bóng của sự cố năm xưa.
Theo Sohu, Tưởng Đa Đa từng muốn dùng sự nổi loạn để thay đổi chế độ thi cử. Cô làm bài tốt, viết gần 8.000 chữ, thể hiện quan điểm rõ ràng, giải thích có trật tự.
Nhưng để đảm bảo bài thi đạt điểm 0, Đa Đa dùng hai màu mực trong bài viết - vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Không dừng lại ở đó, cô còn ký tên bút danh "Ác quỷ bay với trái tim tan vỡ" vào phần không dành cho thí sinh.
Đây là trò đùa dại dột, nhưng Đa Đa chỉ coi là cách thể hiện sự bất mãn của mình với kỳ thi tuyển sinh đại học.
Hành vi của nữ sinh gây ra cuộc tranh cãi kịch liệt trong dư luận. Người khen cô can đảm, người chê trách làm sai. Một số người cho rằng Đa Đa nghĩ đúng nhưng thực hiện sai cách. Dù sao, thời điểm đó, Tưởng Đa Đa không biết cuối cùng mình muốn gì, cũng không lường trước hậu quả.
Tưởng Đa Đa sai ở đâu? Ý kiến của cô không sai, chỉ là cô không biết cách bày tỏ nó hợp lý. Cô dùng chính bản thân thử nghiệm cho suy nghĩ sai lầm.
Sau Tưởng Đa Đa, nhiều thí sinh khác dùng cách tương tự để phản đối chế độ thi cử khắc nghiệt ở Trung Quốc. Tất cả kết thúc trong thất bại.
Nhiều người quen biết Đa Đa không hiểu sao cô gái luôn trung thực lại làm vậy. Thực tế, cô bất mãn với nền giáo dục từ lâu.
Năm 2006, trả lời phỏng vấn China Daily, Đa Đa cho biết từ năm lớp 11, cô bắt đầu chán ghét việc học nhàm chán ở trường, cũng như kỳ thi đại học. Việc những người xung quanh đặt mọi kỳ vọng vào gaokao càng khiến Đa Đa mất hứng thú học tập.
Trong tưởng tượng của Đa Đa, nền giáo dục lý tưởng phải xóa bỏ điểm số, mối quan hệ thầy - trò thân thiện, giáo dục chất lượng theo định hướng khuyến khích đổi mới.
Ban đầu, Tưởng Đa Đa biểu đạt sự bất mãn thông qua viết lách - thói quen có từ thời tiểu học.
Trong kỳ thi đại học, Tưởng Đa Đa hoàn toàn thất vọng. Cô xác định môi trường giáo dục đại học cũng không khá lên được. "Tại sao phải cố lèn mình lên cây cầu chật hẹp?", cô đặt câu hỏi.
Sau kỳ thi, khi được hỏi về dự định cho tương lai, nữ sinh cho biết sẽ đóng phim hoặc viết lách. Cô yêu thích, thậm chí ám ảnh việc viết lách nhưng lại tự tay giết chết tình yêu này bởi tư tưởng cực đoan.
Khi hiện thực trái hẳn với ý tưởng ngây thơ năm 18 tuổi, Tưởng Đa Đa rất hối hận khi đánh cuộc cả tương lai vào hành động sai lầm. Cô hy vọng không thí sinh nào phạm lỗi tương tự.
Bình luận