Sinh ra trong một gia đình cơ bản ở Hà Nội, ngay từ bé Trần Bích Ngọc (sinh năm 1993) đã thể hiện là một cô bé có năng khiếu nghệ thuật, đặc biệt là vẽ. Không những vậy, cô còn là một tuyển thủ đai đen một đẳng môn Taekwondo.
Trong thời gian học cấp 2, rồi cấp 3, cô đã được bạn bè và các thầy cô đánh giá cao về năng khiếu “trời cho” này.
Cái duyên với xăm mình cũng tới với cô một cách ngẫu nhiên. Khi còn đi học cấp 3, cô và các bạn đầu tiên chỉ thích ngắm, rồi dần dần tự tìm hiểu, tự vẽ vời, tất nhiên là chưa dám xăm thử vì không có tiền mua mực, máy xăm... và một phần cũng sợ gia đình.
Và cơ hội đầu tiên cho cô cũng tới, thầy dạy võ cho cô thấy Ngọc vẽ đẹp quá, thích xăm quá mà không có điều kiện để thử sức; và thầy đã “liều mình” làm “chuột bạch” cho cô học trò.
Đó là hình xăm đầu tiên của cô và cũng là hình xăm lâu nhất, cô xăm hình đó từ 11 giờ đêm tới 4 giờ sáng và kết quả thật mỹ mãn. Từ đó, Ngọc nung nấu quyết tâm sẽ theo đuổi nghề xăm tới cùng.
Xăm mình ở Việt Nam nếu tính từ thời nguyên thuỷ cũng đã có cách đây hàng nghìn năm, đó là khi người dân xăm lên mình những hình thuỷ quái dữ tợn với mong muốn có thể xua đuổi những loài thú dữ trên đường đi săn bắn.
Tuy nhiên, khi mà xã hội ngày càng hiện đại, xuất hiện quan niệm nặng nề, những suy nghĩ tiêu cực về người có hình xăm và người hành nghề xăm. Để rồi một thời gian dài, những người thích xăm, hành nghề xăm phải “ở ẩn”.
Quan niệm đó là gì? Đó là việc bất cứ ai có hình xăm đều là những kẻ “đầu trộm đuôi cướp”, là dân xã hội đen, là đầu gấu, nghiện ngập. Những người có hình xăm và hành nghề xăm bị “dồn” vào một thế giới biệt lập, không ai muốn tiếp xúc. Thậm chí, có nhà còn cấm con gái lấy chồng có hình xăm...
Còn con gái khi đó mà có một hình xăm thì bị xem là sự ô nhục của gia đình, là hư hỏng và thậm chí còn bị vu là “cave”.
Khoảng 10 năm trước, phong trào xăm mình đã rộ lên ở Việt Nam, bất chấp những định kiến của xã hội, gia đình. Giới trẻ ồ ạt đi xăm mình, những tiệm xăm ở khu vực phố cổ Hà Nội mọc lên như nấm, rồi dần lan ra khắp nơi khác.
Dần dần đã xuất hiện nhiều thợ xăm có tiếng, họ đã vượt ra khỏi tầm quốc gia và vươn tới tầm cỡ khu vực, thậm chí thế giới.
Và thực tế trong suốt những năm qua đã chứng minh, không phải ai có hình xăm cũng là người xấu. Không phải xăm mình một cách để chứng tỏ bản thân là người thế nào? Có số má hay không?. Đó là một môn nghệ thuật được cả thế giới công nhận, nhiều người đi xăm người hành nghề xăm là những nghệ sĩ thực thụ.
Cũng như nhiều thợ xăm khác, ban đầu Ngọc cũng vấp phải vô vàn khó khăn, đó là những định kiến của xã hội, của gia đình về một cô gái là thủ khoa, có thành tích học tập tốt, ngoan ngoãn vậy mà bây giờ lại đi làm cái nghề mà chỉ “dân xã hội” làm.
Những với quyết tâm của bản thân, Ngọc đã thuyết phục được gia đình và cô đã biến ước mơ trở thành hiện thực.
Chỉ có một điều đặc biệt, đó là Ngọc là một chuyên gia xăm che sẹo ở Hà Nội và được rất nhiều người trên cả nước biết đến.
Rất nhiều người đã tìm đến cô để “che” không chỉ là vết sẹo trên cơ thể, mà đó là vết thương lòng, sự tự ti trước xã hội, gia đình.
Chia sẻ về vấn đề này, Ngọc cho biết; rất nhiều phụ nữ đến xăm che sẹo, sẹo của họ có thể là vết mổ đẻ, mổ ruột thừa... hay sẹo do tai nạn ở chân, tay, có khi chỉ là một vết chàm trên lưng.
Nói mới đầu thì có thể nhiều người nghĩ xăm che sẹo chỉ đơn giản là “di” kim lên vết sẹo để che nó đi. Nhưng sự thật lại không phải như vậy, để có thể xăm đè lên vết sẹo thì ít nhất vết sẹo đó phải là sẹo lành, có thời gian từ sáu tháng tới một năm.
Nếu là sẹo mới thì có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho người đi xăm, mới quá thì dễ nhiễm trùng, hỏng quá trình lên sẹo... Thế nên, mỗi khi có khách đến đề nghị xăm che sẹo, Ngọc phải tìm hiểu rất kỹ.
Trong suốt những năm hành nghề, Ngọc đã được “mục kích sở thị” những vết sẹo khủng khiếp mà làm cô nhớ mãi tới tận bây giờ. Trong số đó, có lẽ ấn tượng hơn cả là lần Ngọc xăm che sẹo cho một phụ nữ bị bỏng nặng cấp độ 4.
Ngọc nhớ lại, khi xem ảnh chị ấy hồi trẻ, Ngọc đã suýt khóc vì đó là một người rất đẹp, nếu không phải vì bị bỏng thì có lẽ chị ấy vẫn sẽ hạnh phúc tới bây giờ. Ngay khi chị bị tai nạn, chồng chị cũng bỏ chị theo một người khác. Chị tìm đến Ngọc bởi chị tự ti về những vết sẹo trên người. Chị định xăm xong sẽ lên biên giới làm ăn, buôn bán, nơi xa lạ hoàn toàn, nơi không ai biết chị là ai, không ai quan tâm quá khứ của chị.
Ngọc đã xăm cho chị hai bông hoa hồng ở hai cổ chân, chị thích hoa hồng, có lẽ vì hoa hồng là biểu tượng của sự quý phái, sang trọng, nữ tính; những thứ mà một thời chị đã có.
Hình xăm đó, Ngọc làm từ 10 giờ sáng tới 6 giờ chiều, trên đường đi lên biên giới, người phụ nữ đó đã nhắn tin cho Ngọc, bảo có người khen hình xăm của chị đẹp quá.
Chỉ với máy, mực, năng khiếu nghệ thuật của mình mà Ngọc đã trả lại cho hàng trăm người một cuộc sống bình thường, sự tự tin vào chính bản thân, trước xã hội. Đây có lẽ là món quà lớn nhất mà Ngọc nhận được từ những khách hàng.
Mà đi xăm mình cũng lựa người lắm, chứ không phải ai cũng xăm được, còn tuỳ thuộc vào cơ địa, vào màu da và vào sức chịu đau nữa. Những ai không chịu đau được thì chỉ cần “dí” kim vào người là dãy nảy lên ngay.
Tôi từng chứng kiến một anh bạn của tôi ngất ngay trên ghế khi thợ xăm dí kim vào người. Không phải ai cũng chịu được cảm giác đó, đặc biệt là có những điểm trên cơ thể rất nhạy cảm, kim di vào đó thì buốt lên tận óc.
Video: Cụ bà 79 tuổi trốn viện dưỡng lão để... đi xăm mình
Tuy nhiên, có nhiều người lại thích cái cảm giác tê tê, hơi buốt buốt đó. Họ trở thành những người “nghiện” xăm mình.
Hiện nay, Ngọc đang mở phòng xăm ngay tại nhà mình, nhưng trong tương lai, cô mong muốn có một cơ sở khang trang hơn, và cô vẫn sẽ tiếp tục thực hiện xăm che sẹo, bởi theo cô đó không chỉ là giúp đỡ người khác che đi một vết sẹo thông thường trên cơ thể, mà còn giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.
Có nhiều khách hàng sau khi tới Ngọc xăm che sẹo đã gửi lời cảm ơn, nhưng có những người đã tin tưởng chia sẻ với cô về cuộc sống của họ sau khi tới cô xăm. Họ cảm thấy tự tin trước xã hội, gia đình, họ thấy bản thân họ đẹp hơn.
Tới thời điểm hiện tại, định kiến của xã hội về xăm mình dù đã nhẹ nhàng hơn trước nhiều nhưng những thợ xăm và người có hình xăm vẫn còn gặp vô vàn khó khăn để chứng tỏ, phát triển bản thân.
Thiết nghĩ, chúng ta phải cùng nhau nhìn nhận lại một vấn đề rằng, xăm mình không phải là xấu xa, đó là nghệ thuật, và thợ xăm là những người nghệ sĩ thực thụ.
Bình luận