• Zalo

Cô gái ‘bom’ 150 mâm cỗ hứa bồi thường 175 triệu: Luật sư phân tích tính pháp lý

Pháp đìnhThứ Bảy, 14/11/2020 12:51:42 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật sư phân tích tính pháp lý trong việc cô gái “bom” 150 mâm cỗ ở Điện Biên viết giấy cam kết trả 175 triệu đồng cho chủ nhà hàng.

Sau khi không bị xử lý hình sự hay phạt hành chính về việc "bom" 150 mâm cỗ đặt ở nhà hàng Tâm Phúc (số nhà 29, tổ dân phố 9, Phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ), Cà Thị Út (SN 1996, ở xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) cùng gia đình đến gặp chủ nhà hàng để viết giấy cam kết hứa trả 175 triệu đồng từ nay đến cuối năm.

Nhiều người lo chủ nhà hàng lại bị Cà Thị Út "bom" thêm lần nữa, bởi hoàn cảnh gia đình của người này rất khó khăn.

Cô gái ‘bom’ 150 mâm cỗ hứa bồi thường 175 triệu: Luật sư phân tích tính pháp lý - 1

Sau khi bị Út "bỏ bom" 150 mâm, chủ nhà hàng Tâm Phúc phải nhờ người dân giải cứu, thu về được khoảng 30 triệu đồng.

Trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, việc Út viết giấy cam kết hứa trả 175 triệu đồng cho chủ nhà hàng chỉ là lời hứa dân sự và không có gì ràng buộc về pháp lý. 

“Trong trường hợp cô gái không thực hiện lời hứa thì cũng không thể xử lý hình sự được. Tuy nhiên, chủ nhà hàng có thể khởi kiện đến tòa án nơi cô gái này cư trú để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”, luật sư cho hay.

Luật sư cho rằng, khi chủ nhà hàng đưa vụ việc ra tòa dân sự, Hội đồng xét xử sẽ tuyên bản án buộc cô gái này phải trả tiền, tài sản và có thể phải bồi thường thiệt hại đối với số mâm cỗ nêu trên. 

Tuy nhiên, dù thắng kiện, chủ nhà hàng cũng chưa chắc chắn có thể lấy lại được số tiền nếu như cô gái này không có tài sản riêng (nhà cửa, đất đai...). Trừ trường hợp, bố mẹ cô gái này đồng ý trả nợ giúp con gái thì vụ việc sẽ được giải quyết, còn không thì phải chờ đến khi nào cô gái có tài sản thì mới thu hồi được số tiền đó.

Về việc Út "bom" 150 mâm cỗ nhưng không bị khởi tố và xử phạt hành chính, theo luật sư, đối với số cỗ trên, Út không đến ăn, cũng không thanh toán tiền thì đây hoàn toàn là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm.

"Bởi 150 mâm cỗ chỉ giao dịch hợp đồng đặt cọc “miệng” nên không khởi tố hình sự là có căn cứ", luật sư nói.

Tuy nhiên, theo lời khai ban đầu của chủ nhà hàng, trước khi "bom" 150 mâm cỗ, cô gái này từng đặt 7 mâm cỗ với số tiền 7 triệu đồng (vào tháng 8) và lễ báo hỷ với gà, giò (tháng 9)… với tổng số tiền 23 triệu đồng để ăn nhưng chưa trả tiền.

Luật sư Cường cho hay, với hành vi trên có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để khởi tố được cô gái này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh rằng cô gái đưa ra những thông tin và thủ đoạn gian dối, đồng thời nhận được tài sản từ phía nhà hàng để chiếm đoạt (không có ý định trả lại tiền cũng không có ý định trả lại tài sản). Tuy nhiên rất có thể trong quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra không chứng minh có điều này để xử lý.

Luật sư cho rằng nếu chủ nhà hàng không đồng tình với cơ quan chức năng về việc cô gái không bị xử lý hình sự thì có thể khiếu nại.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, đây là bài học kinh nghiệm cho nhà hàng Tâm Phúc nói riêng và các chủ nhà hàng khác nói chung về việc kinh doanh. Việc nhận đặt cọc số lượng lớn cỗ cưới nhưng giao dịch chỉ bằng miệng, không có tiền cọc, không tìm hiểu rõ nhân thân, lai lịch của khách hàng nên khó tránh khỏi rủi ro.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn