• Zalo

Cô gái 23 tuổi phải cắt bỏ 1/2 lưỡi, bác sĩ cảnh báo người trẻ đang mắc căn bệnh đáng sợ

Sức khỏeThứ Năm, 09/05/2019 16:49:00 +07:00Google News

Căn bệnh ung thư lưỡi khiến cô gái trẻ đau nhiều vùng miệng, lở loét và phải cắt bỏ 1/2 lưỡi.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.N., 23 tuổi, trú tại Nam Định bị chẩn đoán ung thư lưỡi khi tuổi đời còn khá trẻ.

Bệnh nhân phải đối diện với quyết định cắt bỏ 1/2 lưỡi và chấp nhận tiếp tục chữa trị nhằm cải thiện giọng nói cũng như hy vọng được tái tạo lưỡi.

“Tuổi đời người bệnh còn quá trẻ, việc cắt bỏ đi một phần lưỡi là điều rất đáng tiếc. Việc này sẽ khiến họ ám ảnh vì không còn cơ hội nói, nuốt cũng khó khăn, nhưng nếu không cắt thì cơ hội sẽ không còn”, bác sĩ Nhung nói.

bac si nhung

 Một ca vi phẫu tại Viện Răng Hàm Mặt Trung ương. (Ảnh: BSCC)

Ban đầu khi nghe bác sĩ thông báo cắt đi 1/2 lưỡi, bệnh nhân N. đã từ chối điều trị, nhưng được sự động viên của gia đình và giải thích của bác sĩ, chị N. quyết định phẫu thuật và nuôi hy vọng sẽ được tái tạo lại lưỡi sau khi đã cắt bỏ.

Quá trình phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn do đường mổ phức tạp, các bác sĩ phải cắt đôi môi, tạo đường bên dưới để cắt khối u và nạo vét hạch. Để tái tạo lại lưỡi cho bệnh nhân, bác sĩ đã lấy phần da ở bắp tay, vi phẫu tái tạo phần lưỡi mới. 

Sau phẫu thuật, ung thư lưỡi của bệnh nhân không tiến triển, chức năng lưỡi được duy trì, vết sẹo để lại cũng khá nhỏ.

Ung thư lưỡi nguy hiểm thế nào?

Theo bác sĩ Nhung, ung thư lưỡi là loại ung thư rất nguy hiểm bởi không có triệu chứng nào điển hình. Đa phần, những trường hợp bị ung thư lưỡi đều xuất phát từ những vết loét ở lưỡi, sau đó vết loét sâu thêm và không thể lành lại.

Người bệnh sẽ bị các tế bào ung thư phá hủy các tổ chức, gây hoại tử nên thường rất đau đớn, có mùi hôi thối bất thường và biến dạng vùng mặt.

Bác sĩ Nhung cho biết, phần lớn nguyên nhân bị ung thư lưỡi xuất phát từ việc ăn uống không đảm bảo, không hợp vệ sinh, người bệnh bị nhiễm virut HPV, tiền sử gia đình và do sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá..).

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những thanh niên trẻ cần chú ý ăn uống, sinh hoạt điều độ, khoa học, tránh ăn các thức ăn không hợp vệ sinh và các chất kích thích.

Ngoài ra, khi phát hiện thấy nhiệt miệng lâu không khỏi, kéo dài hơn 2 tuần, người dân nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra, phát hiện sớm bệnh (nếu có) để tìm ra phương pháp chữa bệnh, qua đó nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh.

Ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Theo thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, trên toàn thế giới hàng năm có khoảng 263.900 ca mới mắc và khoảng 128.000 trường hợp chết vì bệnh này. Tại Mỹ, năm 2009 có 10.530 trường hợp ung thư mới mắc, 1900 trường hợp chết. Tại Việt Nam, vài năm gần đây số ca ung thư lưỡi ngày càng gia tăng tại bệnh viện K.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn