• Zalo

'Cô gái 1.000 tỷ' khai nhận một phần di sản thừa kế

Thời sựThứ Bảy, 09/06/2012 07:09:00 +07:00Google News

(VTC News) – Xác định mình là người thừa kế duy nhất hàng thứ nhất, vừa qua, chị L (con nuôi bà P) đã làm thủ tục khai nhận một phần di sản thừa kế.

(VTC News) – Xác định mình là người thừa kế duy nhất hàng thứ nhất, vừa qua, chị L (con nuôi bà P) đã làm thủ tục khai nhận một phần di sản thừa kế.
Như báo VTC News đã đưa tin, ngày 10/3/2011, bà T.K.P (66 tuổi) chết đột ngột và để lại một khối tài sản khổng lồ nhưng không để lại di chúc, gây nên cuộc tranh chấp giữa anh em bà P và chị L (con gái nuôi bà P). Để chờ giải quyết, số tài sản của bà P được hai bên đồng ý ký gửi tại ngân hàng Sacombank.
Tháng 5/2011, chị L đã đi khai nhận di sản thừa kế với hơn 20 sổ và thẻ tiết kiệm tại các ngân hàng.
Trong nhà bà P lúc nào cũng có những vệ sỹ canh giữ rất nghiêm ngặt 

Theo nội dung trong văn bản khai di sản thừa kế của chị L được niêm yết công khai tại UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM, chị L khai nhận là người thừa kế duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà P.

Số tài sản mà chị L khai nhận bao gồm hơn 20 sổ và thẻ tiết kiệm tại các ngân hàng. Hiện UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú đã có văn bản thông báo cho phòng công chứng số 1 là đã niêm yết số tài sản tại UBND phường từ ngày 28/4 đến 29/5/2011, không xảy ra ý kiến hay tranh chấp.
 
Chuyện chưa biết về 'cô gái 1.000 tỷ đồng'
'Giành giật' hơn 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Sacombank
Sau khi nhận văn bản của phường Hiệp Tân, Phòng công chứng số 1 đã công chứng hồ sơ khai nhận di sản thừa kế cho L. 
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của Phòng công chứng số 1 cho biết, những quy trình và thủ tục mà công chứng viên đã làm cho chị L là hoàn toàn đúng pháp luật. Trường hợp của chị L (là người thừa kế duy nhất của bà P) thì có thể xin xác nhận từ phía ngân hàng về những tài khoản mà bà P để lại mà không cần phải xuất trình những bản chính cho nhân viên công chứng.
Ngày 13/6/2011, chị L cũng có làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với chiếc ôtô của bà P tại văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc (Q.Gò Vấp). Trong quá trình chị L làm những thủ tục khai nhận di sản thì ông T.V.Ph (em trai bà P) đã có đơn khiếu nại. Cho rằng, chiếc xe trên gia tộc đã thống nhất giao cho chị L sử dụng nhưng chị L đã kê khai vào di sản thừa kế thì sẽ gây thất thoát khối di sản thừa kế.
Vì Thế, ông Ph. đề nghị văn phòng công chứng không được công chứng việc khai nhận này mà phải chờ phán quyết của tòa án. Nhưng sau đó, ông Ph đã không cung cấp được các chứng cứ nên Phòng công chứng số 1 đã công chứng văn bản kê khai chiếc ôtô của chị L.
Về phía ông Ph, khi biết được việc chị L làm thủ tục kê khai số tài sản thừa kế đã có văn bản khiếu nại Phòng công chứng số 1 và đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an. Ông Ph cho biết, khi phát hiện được thì những thủ tục mà chị L đến kê khai di sản thừa kế tại UBND phường Hiệp Tân đã hoàn tất.

Vì vậy, ông Ph đã có đơn yêu cầu các ngân hàng ngăn chặn việc rút tài khoản đang ký gửi. Bởi, chị L đã không minh bạch trong việc khai nhận di sản thừa kế với số tiết kiệm tại ngân hàng.
Và theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Ph cho biết, phía anh chị em nhà bà P không có ý định tranh chấp những di sản thừa kế với chị L mà chỉ đề nghị chị L giao lại những tài sản mà các anh chị em đã gửi từ Đức về cho bà P đầu tư vào việc làm ăn. 
Luật sư của ông Ph cũng cho biết, khi ông Ph từ Đức về Việt Nam, bà P đã ký một hợp đồng cho tặng đất vào ngày 30/7/2009 tại văn phòng công chứng Chợ Lớn, TP.HCM. Và những người anh em ở Đức gửi tiền về cho bà P mua đất là dự tính sau này có ai về Việt Nam định cư thì sẽ được bà P làm giấy giao lại vì vậy, ông Ph là người đứng ra làm đại diện cho anh em bên Đức lấy lại số vốn đã bỏ ra.
Theo Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị L cho biết, ông Ph đã không xuất trình được những giấy tờ hợp pháp để chứng minh quyền sở hữu của minh trong khối tài sản đã kê khai.

Lúc tiến hành mở két sắt tại ngân hàng, phía anh em của ông Ph đã không có mặt để tiến hành mở két sắt giao số tài sản cho chị L như đã thỏa thuận trong vi bằng. Vì vậy, để thực hiện quyền thừa kế của mình, chị L đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế trước những tài sản gửi cho bà P tại các ngân hàng.
Luật sư Bảo Trâm cũng cho biết, sau hơn 2 tháng kể từ ngày hết hạn thuê ngăn tủ sắt với ngân hàng Sacombank, ngày 30/5, các bên có mặt tại ngân hàng để thanh lý hợp đồng. Nhưng do phía ông Ph không đồng ý để chị L rút tài sản về và cũng không đồng ý gia hạn thêm 30 ngày. Chính vì vậy, ngân hàng mới phải thanh lý hợp đồng cho thuê tủ sắt cho chị L.
Phía chị L cũng cho biết, "Để giữ hòa khí trong gia đình, chị chỉ mong các cậu, các dì (anh em của bà P) cùng hợp tác để tìm ra một hường giải quyết hợp tình, hợp lý và tránh những bất đồng về quan điểm về thừa kế di sản."

Chị L cũng cho biết, chị cam kết là sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ khối tài sản nếu có bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào.
Đúng hay sai luật?

Theo luật sư Nguyễn Thành Công – Đoàn luật sư TP.HCM, việc chị L khai nhận di sản của bà P là đúng phát luật. Căn cứ theo điều 676, Bộ luật dân sự quy định về thừa kế theo pháp luật. Chị L thuộc hàng thừa kế thứ nhất (cha, mẹ, vợ chồng, con ruột, con nuôi) nên chi L được thừa hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bà P. 
Việc chị L đã tiến hành khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan Công chứng và Phòng công chứng số 1 đã làm việc với UBND Phường nói việc bà P có hộ khẩu để tiến hành việc niêm yết 30 ngày tại UBND phường xác định tranh chấp. Sau 30 ngày nếu không có ai tranh chấp thì phường có văn bản gọi Phòng công chứng số 1 thông báo việc không có ai tranh chấp. Căn cứ vào thông báo của phường, cơ quan công chứng ra văn bản công chứng di sản thừa kế cho người khai thừa kế. 
Như vậy chị L đã hoàn tất việc khai nhận di sản thừa kế các sổ tiết kiệm của bà P đúng các trình tự thủ tục luật định và Phòng công chứng đã xác định thì tài sản này đã thuộc về chị L. Do đặc thù của các cuốn sổ tiết kiệm mang tên bà P, vì thế chị L thực hiện thêm các thủ tục sang tên mình hoặc rút toàn bộ số tiền ra sử dụng đều hợp pháp, không ai có quyền can ngăn.
Luật sư cũng cho biết, việc khai nhận hơn 20 sổ và thẻ tiết kiệm của chị L là đúng pháp luật. Bởi phải nhìn nhận thực tế, các sổ tiết kiệm hay thẻ ATM là các chứng từ ghi nhận sổ tiết kiệm của người chủ sở hữu gửi tại ngân hàng. Muốn nhận số tiền này, người gửi phải mang sổ, thẻ đến nhân hàng rút. 
Nay bà P đã chết, chị L không có sổ, thẻ thì có thể khai nhận phần di sản này bằng các tài liệu từ ngân hàng cung cấp. Tất nhiên đây là sự linh động của ngân hàng. Nếu ngân hàng không cung cấp các thông tin này thì chị L phải có xác nhận về quan hệ với bà P, lúc đó, ngân hàng mới có thể cung cấp các thông tin về các sổ tiết kiệm này. 
Nếu căng thẳng hơn, ngân hàng quá cứng nhắc thì phải khởi kiện ra tòa để ngân hàng xác minh số tiền bà P gửi tại ngân hàng là có cơ sở để chị L khai nhận thừa kế theo thủ tục luật định.
Như vậy, có thể thấy ở đây sự linh động của ngân hàng đã cung cấp thông tin để chị L khai nhận di sản thừa kế là đúng. Và trong trường hợp này, chị L chịu trách nhiệm cao nhất về việc khai số tài sản thừa kế như điều 687, Bộ luật dân sự đã nêu, hay phải chia lại phần tài sản mình đã khai nhận nếu những người họ hàng của bà P xác định được đó là tài sản chung có phần đóng góp của họ.

Ngọc Thân


Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn