• Zalo

Có được phép dùng bia để giải độc rượu?

Sức khỏeThứ Năm, 10/01/2019 17:22:00 +07:00Google News

Truyền bia, rượu để giải độc rượu đã được quy định trong hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc ban hành năm 2015.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, việc giải ngộ độc bằng bia rượu không có gì mới, bản chất ở đây là sử dụng ethanol để giải độc.

Cụ thể, trong hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc ban hành năm 2015 có quy định chi tiết cách dùng ethanol đường uống.

Việc cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc methanol được phối hợp với nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó gồm các biện pháp điều trị cơ bản, điều trị tẩy độc và tăng thải trừ chất độc (lọc máu có tính quyết định). Ngoài ra còn dùng các thuốc giải độc đặc hiệu.

Các thuốc giải độc đặc hiệu này gồm ethanol và fomepizole (4-methylpyrazole). Mục đích dùng là ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể.

Ngoài ra, có thể dùng ethanol đường uống, dùng rượu pha loãng. Cụ thể loại ethanol dùng là loại rượu uống, sản phẩm đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%). Cách dùng pha loãng thành rượu nồng độ 20%, có thể uống hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày. Hướng dẫn này cũng quy định cụ thể liều ban đầu, liều duy trì và liều duy trì trong và sau khi lọc máu.

Theo một bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), việc truyền bia để giải độc rượu có thể xem như một phương pháp chữa trị. Bản chất là dùng ethanol để giải độc rượu, người dân không nên hiểu sai rằng uống bia để giải độc rượu.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu thành công một bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol nặng bằng cách truyền liên tục 15 lon bia vào đường tiêu hóa. Bệnh nhân ở huyện Triệu Phong vào viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc rượu nặng, hôn mê, nguy kịch.

Sau khi truyền đến lon thứ 15, kết hợp lọc máu, điều trị tích cực bệnh nhân đã tỉnh, đã xuất viện.

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận rằng là cách chữa bệnh “lấy độc trị độc”. Thậm chí có người còn nói phương pháp này không có cơ sở khoa học.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng cho biết phải kiểm tra lại xem phương pháp này có trong quy chuẩn y khoa không.

Trong khi đó, bác sĩ điều trị lý giải truyền bia cho bệnh nhân là để hạn chế quá trình chuyển hóa methanol. Gan sẽ ưu tiên chuyển hóa ethanol, ngưng chuyển hóa methanol, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. 

Methanol ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể. Đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

Phương Nam
Bình luận
vtcnews.vn