Gần đây, rất nhiều bà mẹ đang truyền nhau thông tin nên lưu giữ răng sữa của trẻ nhỏ để có thể cứu sống trẻ trong tương lai nếu trẻ không may bị bệnh.
Các bà mẹ dẫn thông tin từ hàng BBC cho rằng, tế bào gốc từ răng sữa có thể giúp hình thành xương, ngà răng, thậm chí cả tế bào thần kinh. Các nhà khoa học hy vọng, tế bào gốc này có thể điều trị tổn thương thần kinh.
Không chỉ thế, răng sữa còn là một "nguồn đáng kinh ngạc" của tế bào gốc khi các nhà khoa học đang nghiên cứu để có thể sử dụng để điều trị một số bệnh như tiểu đường, tổn thương tủy sống, đột quỵ và các vấn đề về gan.
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn TS.BS Trần Ngọc Quế – Phó Giám đốc Ngân hàng tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Tế bào gốc là gì?
Theo TS Trần Ngọc Quế, để hiểu đúng về thông tin "cần giữ lại răng sữa", chúng ta phải hiểu rằng tất cả các cơ quan trên cơ thể đều có tế bào gốc như giác mạc, da, tóc… giúp phát triển các cơ quan đó. Tùy từng tế bào gốc ở các cơ quan khác nhau mà mức độ sinh sản khác nhau. Ví dụ, tế bào gốc ở rìa giác mạc sẽ tạo ra tế bào giác mạc, tế bào gốc từ máu sẽ tạo ra máu…
Ở tủy răng có 10-20 tế bào gốc, con số này không phải nhiều. Nhưng tế bào gốc ở tủy răng sữa có khả năng sinh sản tốt. Trên thế giới, có thể đã có nghiên cứu về việc lưu trữ, sử dụng tế bào gốc từ tủy răng sữa, tuy nhiên chủ yếu vẫn là điều trị bệnh lý răng còn ứng dụng điều trị các bệnh lý khác vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Vấn đề này mới chỉ là tiềm năng chứ không phải cứ có tế bào gốc răng sữa là sẽ chữa được 'bách bệnh' như thông tin các phụ huynh truyền nhau trên mạng xã hội.
Cũng theo TS Quế, tế bào gốc ở tủy răng là tế bào đa năng, có thể lấy ra khi trẻ rụng răng sữa. Bản thân ở tủy răng của người trưởng thành cũng có tế bào gốc nhưng không ai nhổ răng người lớn để lấy tế bào gốc, trừ trường hợp nhổ răng khôn (răng số 8) khi mọc làm ảnh hưởng đến răng khác... Đây cũng là lý do mà các bậc phụ huynh nên giữ lại răng sữa cho trẻ sau khi nhổ.
Tế bào gốc cứu con bạn thế nào?
Phân tích về khả năng dùng tế bào gốc để chữa bệnh, TS Quế cho biết khi cơ thể bị bệnh tức là có tế bào bị tổn thương. Lúc này tế bào gốc có thể phát huy 3 vai trò.
Một là thay thế, loại bỏ tế bào bệnh và thay thế bằng tế bào mới mạnh khỏe. Vì vậy, các bác sỹ sẽ tiến hành ghép tế bào gốc để thực hiện chức năng này nhằm chữa bệnh.
Tế bào gốc còn có chức năng sửa chữa làm trẻ hóa tế bào, giúp tế bào tổn thương lành lặn trở lại. Ngoài ra, một chức năng nữa là tân tạo mạch máu.
Bản chất, tế bào gốc là tế bào còn non trẻ, có khả năng tự thay mới mình và biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể và thay thế cho các tế bào ở các mô, cơ quan bị mất đi do già và chết tự nhiên hoặc bị tổn thương vì các nguyên nhân khác.
Khi cơ thể trẻ, khỏe, các tế bào gốc là lực lượng dự trữ được huy động để tái tạo các tế bào bị tổn thương đó nên khả năng liền vết thương mạnh. Với các cơ thể già yếu thì lượng tế bào gốc cũng suy yếu nên không còn khả năng tự tái tạo dẫn đến các biểu hiện của tuổi già, suy các cơ quan hoặc không liền vết thương.
Vì thế dùng tế bào gốc trong điều trị chính là đưa vào cơ thể các tế bào non trẻ để có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới nhằm bổ sung hoặc thay thế cho các tế bào và mô cơ quan bị tổn thương hay mất chức năng.
Lợi ích của việc chữa bệnh bằng tế bào gốc là cơ thể người bệnh sẽ không sinh ra phản ứng miễn dịch thải bỏ các tế bào này vì nó vốn là tế bào của cơ thể đó.
Video: Trái tim của chàng trai hiến tạng đập rộn ràng trong lồng ngực người được ghép
Bình luận