Sáng 18/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội thảo trao đổi về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải trong cơ chế, chính sách, nhằm tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững.
Theo ông Hiệp, trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất, họ đang bị chi phối bởi 10 loại luật và thủ tục hành chính như một ma trận vây doanh nghiệp.
Bản thân GP.Invest cũng đã rất khổ sở khi phải trải qua những thủ tục pháp lý về đất đai, có dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành; có dự án phải trải qua 5 "đời" chủ tịch của địa phương tại Phú Thọ mà đến nay vẫn chưa triển khai được…
Ông Hiệp cũng cho rằng, giải pháp tốt nhất là sửa luật. Với câu chuyện tắc nghẽn dự án hiện nay, điển hình như tại TP.HCM thì nguyên nhân là vướng mắc tại Luật Đất đai. "Nếu như được kiến nghị thì tôi cũng kiến nghị sửa Luật Đất đai", ông Hiệp khẳng định.
Đồng quan điểm, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC cũng nêu ra vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng, đối với một dự án có nhiều hạng mục, mặc dù đã có phê duyệt quy hoạch 1/500, cũng như đã có thẩm định thiết kế thi công nhưng vẫn phải xin cấp phép đến từng hạng mục một. Dẫn đến, để hoàn thiện đầy thủ tục cho dự án đó (đặc biệt là những dự án hàng trăm ha đến cả nghìn ha) thì phải mất đến vài năm. Điều này rất gây phiền hà cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kế hoạch và cơ hội đầu tư.
Ví dụ, tại quần thể FLC Sầm Sơn hay Hạ Long, Quy Nhơn...nếu để làm hết được các thủ tục xây dựng thì mất khoảng 2 năm. Từ những hạng mục đơn giản nhất như cổng chào cũng đều phải xin giấy phép xây dựng.
"Chúng tôi kiến nghị đối với các quần thể dự án đã được quy hoạch tổng thể, chi tiết nên tháo gỡ cho doanh nghiệp trong việc xin cấp phép, để cắt giảm thời gian, chi phí hoàn thiện thủ tục đầu tư để dự án sớm được triển khai. Việc xử lý các thủ tục nội bộ nếu không cải tổ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản trong tương lai và doanh nghiệp cũng tiếp tục gặp khó, trễ tiến độ thực hiện dự án", bà Dung đề xuất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Tổng Giám đốc Eurowindow Holding, không phải ngẫu nhiên Thủ tướng có chỉ đạo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh tình trạng dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến bất động sản nghỉ dưỡng.
"Từ góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường, Eurowindow Holding kiến nghị Thủ tướng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng như giảm thuế, giảm lãi suất vay và có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điểm đến an toàn", bà Chi cho hay.
Bà Chi cho biết thêm, những kế hoạch tính đến thời điểm hiện tại rất khó để có thể thực hiện bởi những đợt mở bán của Eurowindow Holding vừa qua không có nhiều khách hàng đến xem. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản, giao dịch bất động sản trong năm nay có thể đi xuống do vướng mắc các thủ tục pháp lý.
"Tôi cho rằng, một trong những chính sách chính là giải tỏa về vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Thứ nữa là chúng tôi rất quan tâm đến Nghị định 20”, bà Chi đề xuất.
Bình luận