Chưa bao giờ là người dẫn đầu trong làng bánh kẹo Việt Nam nhưng Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà (Haihaco) vẫn có chỗ đứng nhất định trong ngành này. Tuy nhiên, kể từ sau khi “chia tay” Vinataba, Haihaco rơi vào cảnh tranh giành quyền lực. Nội bộ bất ổn nên Haihaco không thể tập trung hoạt động.
Tranh giành quyền lực
Haihaco thành lập năm 1960. Trước khi Kinh Đô xuất hiện, Haihaco một thời nổi danh khắp miền Bắc. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Haihaco có nhiều thăng trầm. Nhưng kể từ khi cổ phiếu HHC niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thời điểm Haihaco “dậy sóng” chính là khi Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) - Công ty mẹ Haihaco - công bố thoái vốn toàn bộ.
Cụ thể, cuối tháng 3/2017, Vinataba đã thoái gần 8,4 triệu cổ phiếu HHC (tương ướng 51% vốn Haihaco). Đây là toàn bộ cổ phiếu do Vinataba nắm giữ. Vinataba thoái vốn khỏi Haihaco khi cổ phiếu HHC đạt mức giá rất cao.
Ngay sau Vinataba, nhiều sếp Haihaco từ Kế toán trưởng, đến Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc đồng loạt bán ra cổ phiếu HHC. Thế nhưng, tại Haihaco, không chỉ có làn sóng bán ra. Người mua cũng tấp nập xuất hiện. Đáng kể là cổ đông lớn Lê Bích Thục mua vào 1,6 triệu cổ phiếu HHC, cổ đông Trần Thị Thu Trang mua vào 1,8 triệu cổ phiếu HHC.
Vào thời điểm giữa tháng 4/2017, HHC trở thành tâm điểm thị trường. Song song với những đợt mua vào mạnh tay của bà Trang, bà Thục, cổ đông lớn Nguyễn Thị Duyên gây sốc khi lần lượt bán ra 1,6 triệu cổ phiếu HHC và gần 5 triệu cổ phiếu HHC.
Sau đó, giới đầu tư liên tục chứng kiến những đợt “lướt sóng” mạnh tay của “người nhà” Haihaco. Quyền lực tại Haihaco được “trao tay” bất ngờ cho các “nữ tướng” kể trên. Đỉnh điểm là khi bà Duyên bị phạt 125 triệu đồng vì “mua chui” 8,3 triệu cổ phiếu HHC.
Và cứ thế, câu chuyện “lướt sóng” HHC với trị giá thương vụ lên tới hàng trăm tỷ đồng liên tục diễn ra đã trở nên quen thuộc với cổ đông HHC. Đến nay, quyền lực tạm tập trung vào 2 cá nhân Lưu Văn Vũ và Trương Thị Bửu. Cả 2 nhà đầu tư cá nhân này đều sở hữu gần 4 triệu cổ phiếu HHC, tương đương 24% vốn công ty.
Nửa đầu năm 2018, Haihaco lỗ 7,3 tỷ đồng
Cuộc tranh giành quyền lực thông qua việc sở hữu cổ phiếu HHC diễn ra liên miên khiến hoạt động của Haihaco bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại hội đồng cổ đông thậm chí bị hoãn vì cổ đông không tìm được tiếng nói chung.
Điều mà nhà đầu tư nhắc tới khi nói về giá trị của Haihaco không phải là hiệu quả kinh doanh mà Haihaco có thể mang lại. “Thỏi nam châm” lớn nhất của Haihaco lại nằm ở mảnh đất vàng trên phố Trương Định.
Bản thân nội bộ không ổn định cộng với áp lực lớn từ cạnh tranh, Haihaico ngày càng tuột dốc, tuột dốc với chính bản thân mình và tuộc dốc so với đối thủ.
Theo báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét 2018, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Haihaco là… lỗ 7,3 tỷ đồng. Trong khi đó, quý 2/2017, con số này là lãi 2,4 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 696 triệu đồng, giảm mạnh so với 11,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 2/2018, doanh thu của Haihaco giảm nhẹ. Chỉ tiêu này chỉ đạt 159 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 162 tỷ đồng hồi quý 2/2017. Điều đó cho thấy thị phần của Haihaco đang bị thu hẹp lại.
Thị phần của Haihaco đang tuột dốc so với nhiều đối thủ như Bibica, Hữu Nghị. Cụ thể, trong quý 2/2018, doanh thu của Bibica và Hữu Nghị lần lượt là 213 tỷ đồng và 327 tỷ đồng.
Video: Doanh nghiệp Việt hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ
Bình luận