Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên Eximbank năm 2015, vấn đề được nhiều cổ đông chất vấn gay gắt và bức xúc nhất là Eximbank không chia cổ tức năm 2014.
Trình bày với cổ đông, ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Eximbank đã hình thành và phát triển được 25 năm, ông đã tham gia vào hoạt động của ngân hàng được hơn 10 năm, đã trải qua nhiều mốc phát triển thăng hoa cũng như những “khoảng lặng” của ngân hàng.
Ban lãnh đạo đã gửi cổ đông Báo cáo hoạt động Eximbank trong 05 năm (2010-2015), cho thấy có những điều ngân hàng đã đạt được và còn những điều tồn tại, nhưng chưa thấy ngân hàng nào trong 05 năm qua chia cổ tức cho cổ đông gần 87% lợi nhuận sau thuế, trong đó thưởng bằng cổ phiếu tỷ lệ 37%, chia bằng tiền mặt 50,3%. Đây là con số khá cao so với các ngân hàng khác.
Theo đó, số tiền năm 2010 dành chia cổ tức là 2.200 tỷ đồng, năm 2011 là 4.868 tỷ đồng, năm 2012 (thời điểm nhiều ngân hàng khác rất khó khăn, Sacombank chỉ chia 1.100 tỷ đồng), năm 2013 là 870 tỷ đồng, năm 2014 không chia dù lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng.Ông Phạm Hữu Phú
Cổ tức năm 2014 là 0%, tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm trước đại hội đồng cổ đông.
Vì sao có mức cổ tức 0%? Vì trong thời gian qua ngân hàng tập trung chia gần hết lợi nhuận cho cổ đông, nên nền tảng phát triển của Eximbank gần như không có.
Khi tôi từ vị trí Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) quay trở lại làm Tổng giám đốc Eximbank tháng 5/2014, dự phòng cụ thể của Eximbank chỉ có 100 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay trên 80.000 tỷ đồng, rất rủi ro.
Trong những năm qua, Eximbank đã phát triển quá nóng về tín dụng, giao thẩm quyền quá lớn cho giám đốc các chi nhánh, dù hiệu quả hoạt động cao nhưng lợi nhuận cũng chia gần hết cho cổ đông, đến nay tồn tại đang dần bộc lộ.
Chỉ sau hơn 6 tháng nhận chức vụ Tổng giám đốc, lợi nhuận trước thuế (trước dự phòng rủi ro) năm 2014 của Eximbank đạt 1.930 tỷ đồng cũng không thể giải quyết được những tồn tại, ngổn ngang của ngân hàng.
Cũng trong vòng 6 tháng cuối năm 2014, Eximbank đã bán nợ xấu cho VAMC hơn 4.000 tỷ đồng, và đã trích ở mục các khoản phải thu là 605 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro là 360 tỷ đồng. Bài toán của Eximbank không chỉ là bán nợ xấu cho VAMC mà là xử lý nợ xấu triệt để.
Do vậy tại sao năm 2015 Eximbank chỉ đề ra lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng? Thực chất Eximbank có thể đạt 2.400 tỷ đồng, quý 1/2015 Eximbank đã lãi 535 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ 570 tỷ đồng vì ngân hàng đã dành trích lập dự phòng.
Khi Eximbank làm sạch nợ xấu, cổ đông có thể trông chờ vào sự phát triển ổn định, bền vững hơn của ngân hàng. Giá cổ phiếu của Eximbank trên thị trường gần đây đã tăng trở lại dù tăng chậm, nhưng hiện nay đã ở mức trên 14.000 đồng/cổ phiếu.
Ban lãnh đạo hiện tại của Eximbank cũng muốn chia lợi nhuận lớn cho cổ đông, nhưng chúng ta sẽ phải trả giá sau này khi hoạt động ngân hàng không an toàn, không bền vững.
Nợ xấu đến cuối tháng 6/2015 giảm chỉ còn 2,82%. Tổng khoản nợ xấu bán cho VAMC khoảng 7.000 tỷ đồng (đã bán 4.000 tỷ đồng) sẽ được Eximbank xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng, Eximbank vẫn phải xử lý nợ xấu này trên tài sản, bán trả chậm, bán ưu đãi cho người mua nợ … để số tiền nợ xấu đã bán cho VAMC trở thành tiền tươi thóc thật của ngân hàng.
"Tôi từng làm Chủ tịch Sacombank và nay là Tổng giám đốc của Eximbank, tôi muốn cổ đông chia sẻ, sát cánh cùng ngân hàng trong cả thời kỳ vinh quang cũng như thời kỳ khó khăn. Tôi sẵn sàng từ chức nếu việc này làm cho ngân hàng tốt hơn hoặc năng lực của tôi không đảm trách được vị trí này", ông Phú nói.
Nguồn: Bizlive
Bình luận