Bán phở đợi thời
Từng là kỹ sư cơ khi tốt nghiệp bằng giỏi trường đại học Bách Khoa Hà Nội, có một công việc ổn định tại một công ty tư nhân với mức lương trên dưới chục triệu đồng, nhưng cách đây 3 năm, anh Tuấn (quê ở Bắc Ninh) vẫn quyết tâm bỏ nghề để theo chân mấy người bạn làm nghề môi giới địa ốc.
Thị trường bất động sản năm 2009 đang khá “sốt nóng”, vì thế, chỉ cần mua đi bán lại, anh đã lời vài trăm triệu đồng. Có tháng công việc làm ăn thuận lợi, môi giới nhiều vụ thành công, anh kiếm được cả tỷ đồng.
So với đồng lương khi làm việc tại công ty cơ khí thì nghề làm “cò” đất có thu nhập cao gấp nhiều lần. Cũng vì thế, chỉ sau một năm chuyển nghề, anh Tuấn đã sở hữu một căn nhà tại Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) và một chiếc ô tô Camry. Đấy là chưa kể đến hàng chục dự án khác mà anh đang có, chỉ chờ để bán lại cho khách kiếm lời.
Nhưng bắt đầu từ đầu năm 2011, thị trường địa ốc trầm lắng, lượng khách có nhu cầu mua nhà thưa dần, nhiều tháng liền anh Tuấn chạy đôn chạy đáo chào bán dự án, nhưng vẫn không có người mua.
Do thấy việc làm ăn dễ dàng, nên trước đó anh Tuấn đã “ôm” liền lúc hàng chục dự án, chờ được giá để bán cho khách hàng. Cũng chính vì vậy, số tiền anh vay ngân hàng khá lớn, tiền lãi hàng tháng tính sơ sơ cũng lên đến vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, bản thân các dự án này cũng đến kỳ hạn phải đóng tiền theo tiến độ cho chủ đầu tư. Sức ép tài chính lớn, khiến anh Tuấn đành phải bán tống bán tháo dự án với mức giá lỗ nặng.
“Thời điểm này, bán được hết hàng là tôi mừng rồi. Suốt mấy năm trời lăn lộn với bất động sản, cuối cùng tôi lại “mèo hoàn mèo”. Bây giờ về với nghề cũ cũng không được nữa, nên tôi đành phải mở quán bán phở, kiếm ít tiền để sinh sống chờ cơ hội mới”, anh Tuấn nói.
Chỉ vào cái quán phở xập xệ ven vệ đường của mình, anh Tuấn cho biết, trước đây là mảnh đất “vàng” của anh, vì vị trí đẹp, nên tưởng sẽ dễ bán và thu lời lớn. Nhưng không hề, mảnh đất này lại nằm trong vùng quy hoạch mới, nên chưa biết số phận của nó sẽ đi đâu về đâu. Rao bán cũng không ai mua, nên anh Tuấn đành mở tạm một cái quán phở nhỏ để kiếm ăn qua ngày.
“Bán phở tuy tiền ít, cả tháng được 2 – 3 triệu đồng bạc, nhưng lúc này không bán phở, tôi cũng không biết làm gì kiếm ăn”, anh Tuấn nhăn nhó.
Gian nan chuyển nghề
Giống như anh Tuấn, anh Bân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng từng là một “đại gia” nhờ môi giới nhà đất, nhưng giờ anh cũng phải chấp nhận chuyển sang mở quán cà phê, bi - a.
Anh Bân than thở: "Bây giờ chúng tôi đang phải giật gấu vá vai, "lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược" mà cho qua cái thời nhà đất đóng băng". Thấy tôi có vẻ không hiểu, anh giải thích thêm: "Thì phải chuyển công việc khác, kiếm tiền trả lãi, cầm cự để lấy ngắn nuôi dài vậy chứ sao".
Suốt thời gian qua, do không kiếm được tiền từ việc kinh doanh đất, nên anh Bân cùng một đồng nghiệp xoay xỏa, tìm địa điểm kinh doanh cà phê, bi - a.
“Lời lãi của việc kinh doanh này không đáng bao nhiêu, nhưng trong lúc nhà đất đi xuống thế này, thì có việc làm, có thu nhập để chi trả cho cuộc sống là may rồi”, anh Bân cho biết.Nhiều sàn giao dịch bất động sản đã đóng cửa
Anh Bân cũng cho biết, trường hợp như anh là cũng khá may mắn vì bán đi đúng thời điểm, nên vẫn còn chút vốn để đầu tư kinh doanh. Nhiều “cò” nhà đất do ôm quá nhiều dự án nên hiện còn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) được coi là lãnh địa hoạt động của giới buôn bán bất động sản ở Hà Nội. Những văn phòng môi giới, tư vấn nhà đất, các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tụ về đây khá nhiều, giao dịch sôi động, đặc biệt là khoảng thời gian giữa năm 2010.
Nhưng nhiều tháng nay, dân buôn đất gọi đây là địa bàn hoạt động của những người khốn khổ. Hầu hết các văn phòng môi giới nhà đất đều đóng cửa, nhiều người chuyển sang bán trà đá hoặc mở hiệu cầm đồ hay chuyển nghề cho vay nặng lãi để nghe ngóng thị trường và chờ thời cơ sẽ quay lại.
Không chỉ các “cò” đất, hiện nay nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng phải chuyển nghề hoặc phải tìm thêm những ngành nghề khác để làm nhằm tăng doanh thu, hỗ trợ chi phí cho hệ thống sàn.
Sàn giao dịch bất động sản Tín Phát nằm trên phố Lê Văn Lương kéo dài có tới 5 tầng nhà, nhưng cũng đã phải cho thuê lại 2 tầng nhà làm cửa hàng bán rèm mành để tăng thêm thu nhập.
Hay sàn bất động sản Sông Đà Sudico cũng mở thêm một dịch vụ tư vấn luật, làm trọn gói hợp đồng mua bán nhà, sang tên sổ đỏ, thậm chí cả tư vấn thầu dự án… với mục đích lấy ngắn nuôi dài, giữ chữ tín với khách hàng để các sàn BĐS tồn tại được ở thời điểm khó khăn này.
Sàn bất động sản DTJ thì mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, cung cấp dịch vụ thiết kế trọn gói căn hộ chung cư và tài trợ miễn phí cho các khách hàng sử dụng nội thất hoàn thiện tại DTJ bên cạnh việc kinh doanh bất động sản.
Châu Anh
“Cò” địa ốc: Từ kĩ sư đến anh bán phở
(VTC News) – Thị trường trầm lắng đã biến nhiều “cò” địa ốc từ thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng, thành những anh bán phở kiếm vài ba triệu đồng/tháng.
(VTC News) – Thị trường trầm lắng, không có khách mua đã biến nhiều “cò” địa ốc từ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, thành những anh bán phở với thu nhập vài triệu đồng/tháng.
Bình luận