Video: Cô dâu khóc khi nghe em trai đọc thư của bố (Nguồn: SonglamPlus)
Mới đây mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh cô dâu khóc trong một đám cưới ở Hà Tĩnh. Bố của cô không kịp về dự ngày vui của con gái nên gửi một bức tâm thư và nhờ con trai lên đọc hộ.
Cô dâu tên là Nguyễn Hải Hà Trang (SN 1999). Cậu em trai đọc thư giúp bố là Nguyễn Hải Dâng (SN 2003). Đám cưới diễn ra tại một vùng quê thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Bức thư là tình cảm chân thành của ông bố có con gái đi lấy chồng, khiến nhiều người xúc động. Không chỉ nhắn gửi cô con gái ruột, ông bố cũng có đôi điều nhắn nhủ con rể. Ông cảm ơn con rể đã dạy cho con gái biết thế nào là tình yêu đôi lứa. Hơn hết, ông hi vọng con rể hãy luôn yêu thương, trân trọng và nâng niu con gái mình.
Từ nước Anh xa xôi, người cha viết:
"Con gái yêu thương! Bố biết con hạnh phúc vì lựa chọn và tin tưởng, bố biết con có một bờ vai vững vàng tin cậy, nhưng bố muốn nhắc dù con tìm hiểu kỹ bao nhiêu, yêu thương bao nhiêu, thời gian bên người con yêu dài bao nhiêu, cũng không thể hiểu hết người con cưới.
Ngày mai con sẽ rời nơi sống từ lúc ấu thơ để đến một nơi ở mới. Ở đó có một gia đình yêu thương, chờ đón con nhưng cũng có những khác biệt con chưa nghĩ tới. Bố mong con biết bỏ đi một phần cái tôi của mình để vun đắp cho nơi con sẽ gắn bó suốt đời.
Hãy nghĩ tới câu: "Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục" con nhé! Đời người con gái Á Đông "sống quê cha, chết làm ma quê chồng". Nơi con đến không sinh ra con nhưng là nơi con gắn bó vĩnh viễn. Nó ấm áp hay giá lạnh là do con đó.
Hóa ra bố lại yếu lòng hơn mẹ. Lúc người ta đến xin dâu mẹ cười rất tươi mà bố ở bên này thì rưng lệ, lời thương ngập ngừng, nghẹn giữa câu. Bố chẳng buồn đâu, bố chỉ thương con vất vả hồi thơ bé. Thuở ấy nhà ta thật nghèo, con vừa sinh ra đã phải cùng chia sẻ: một quả trứng ba người nhường nhau, mền bông rách truyền hai thế hệ...
Gửi con rể của bố,
Không có phúc ân được sinh ra con nhưng hãy tin giờ đây con là một phần máu mủ. Bởi con là chàng trai sẽ bẵm chăm hạt mầm ta gieo được nhú thành cây xanh cho quả ngọt dâng đời.
Cô gái của con được nâng niu từ trong nôi, ăn chén cơm ta dụm dành từng hạt, gục vào vai ta ngày biết chạnh lòng thương câu hát, nức nở khóc bảo buồn hôm ấy chắc giận con... Ta dạy dỗ người yêu con không trở thành cô gái phi thường, nhưng sẽ là cô gái duy nhất biết thương con sao cho vẹn nghĩa...
Ta trao cho con món quà quý giá nhất để đời con hoa vinh, hãy nhận lấy, giữ gìn, thương yêu, trân quý. Máu mủ của ta nên chỉ trao cho một máu mủ khác nghĩa tình.
Ngày mai các con sẽ cầm tay nhau đón bình minh, gieo hạt mầm mới lớn lên. Lúc đó con sẽ hiểu như thế nào là mẹ cha, cây lá, một đời xanh non hay già nua đều mong hạt nảy đâm chồi.
Con trai, ta chỉ cần con tử tế và yêu thôi. Những điều nhỏ nhoi khác ta dạy con gái ta làm được. Hãy cùng lùi và cùng bước bởi chuyến tàu sẽ không đến ga nếu sai nhịp giữa đường..."
Liên hệ với Hải Dâng, cậu cho biết vì bố ở nước ngoài nên không kịp xin visa về dự đám cưới của chị. Lúc Dâng đọc bức thư, cả chị cậu và anh rể đều xúc động.
Theo Dâng, chị gái lấy chồng gần nhà nhưng bố vẫn luôn lo lắng, chăm sóc "từ xa". Tuy vắng bố trong ngày trọng đại có phần thiệt thòi nhưng cậu và chị gái thấy bản thân thật may mắn vì bằng cách nào đó, bố vẫn luôn dành cho hai chị em những điều tốt đẹp nhất.
"Nhà anh rể gần nhà em lắm, cách nhau có hai con ngõ thôi. Bố không thể về được nên cũng suy nghĩ nhiều lắm. Bố bảo em vào ngày đám cưới chị, nhất định phải thay bố dặn dò anh chị đôi lời", Dâng nói với VTC News.
Vì bố gửi thư khá gần ngày cưới, công việc lại bận rộn và cũng là lần đầu tiên Dâng đọc trước đám đông nên cậu chưa có đủ thời gian tập duyệt kỹ càng hơn.
"Bố em từng là bộ đội, sau này đi xuất khẩu lao động ở Anh. Ông sống nội tâm, ít nói nhưng thích văn thơ, ca hát. Nhà có hai chị em nên bố chiều chuộng, đôi khi cũng nghiêm khắc, uốn nắn, dạy bảo chúng em từng lời ăn tiếng nói", Hải Dâng chia sẻ thêm.
Sau lễ cưới, đoạn clip vẫn đang thu hút nhiều sự quan tâm của dân mạng. Dưới bài đăng, nhiều người không khỏi xúc động trước tâm tình mà người bố dành tặng cho con gái trong ngày về nhà chồng.
Bình luận