Hình ảnh lộng lẫy của cô đào nức tiếng Trang Thanh Xuân ngày nào bây giờ chỉ còn trong ký ức. Vì bệnh tim, bà phải nghỉ hát, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, bà phải bôn ba khắp nẻo bán vé số, kiếm cơm từng bữa.
Bà đồng ý gặp chúng tôi tại cổng Tịnh thất Pháp Thủy (Quận 8, TP.HCM), nơi đặt tro cốt của em gái bà vừa qua đời cách đây không lâu. Không còn là nghệ sĩ Trang Thanh Xuân nổi tiếng thời trước, bà giờ đây đã ở tuổi 73, mặc bộ đồ lam bạc màu, vai đeo chiếc túi vải, bước đi từng bước tập tễnh với chiếc gậy trong con hẻm nhỏ.
Trải lòng cùng phóng viên VTC News, bà chia sẻ câu chuyện về đời mình trong sự ngậm ngùi lẫn cam chịu. Sau cuộc gặp gỡ, không ít lần chúng tôi ngỏ ý xin chở bà một đoạn từ chùa về nhà trọ nhưng bà luôn từ chối. Với sức khỏe hiện tại, khi bà lên xuống xe rất khó khăn, còn vất vả hơn so với việc đi bộ.
Tránh né cải lương và đồng nghiệp vì mặc cảm
- Đã từ rất lâu rồi giới mộ điệu cải lương không còn cơ hội nghe giọng hát cô đào Trang Thanh Xuân, mặc dù không ít lời đề nghị bà quay lại sân khấu?
Gần 40 năm tôi chưa quay trở lại sân khấu cải lương. Và tôi cũng sẽ không bước lên sân khấu lần nào nữa, bởi có lẽ cái duyên của tôi với nghề đã cắt đứt từ lâu. Bây giờ tôi sống với cái tên Đào Thị Thanh Xuân, xin giữ lại Trang Thanh Xuân cho 38 năm về trước.
- Tại sao bà lại phân biệt rạch ròi về bản thân mình như vậy?
Từ năm tôi 20 tuổi, tôi nổi tiếng với cái tên Trang Thanh Xuân. Là đào chính, tôi cùng Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ… đi biểu diễn từ Sài Gòn đến các tỉnh lân cận. Nhưng bao nhiêu năm chỉ lo đi hát, tôi không lập gia đình, không có nhà cửa, cũng không của để dành… Chắc lúc ấy tôi là đào chính nghèo nhất.
Năm 1986, từ khi phải giải nghệ vì bệnh tim, tôi đã không xem mình là nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân nữa. Làm gì có nghệ sĩ nào không chịu được tiếng trống, tiếng kèn, âm thanh sân khấu như tôi. Cũng từ đó, tôi biết duyên nợ với sân khấu đã chấm dứt.
Sau khi nghỉ hát, để mưu sinh tôi nấu bắp luộc và đẩy xe đi bán. Trước kia làm nghệ sĩ, tôi chỉ biết đi theo đoàn hát, chân tay yếu xìu giờ phải làm việc nặng, dù làm không nổi nhưng tôi vẫn cố gắng. Thế nhưng, việc buôn bán vất vả cũng không thuận lợi, được một thời gian tôi chuyển sang đi bán đĩa hát cho nhẹ nhàng. Việc bán đĩa hát cũng ế ẩm, không bao lâu tôi nghỉ luôn.
Năm 1990, tôi bắt đầu đi bán vé số, công việc phù hợp với sức khỏe, cũng kiếm đủ ăn, sống qua ngày đến bây giờ.
Chọn bán vé số kiếm sống, tôi không bao giờ “khoe” mình là Trang Thanh Xuân. Dù thiếu ăn, thiếu mặc tôi cũng không ngửa tay xin tiền khán giả. Hơn 38 năm qua tôi đã chấp nhận số phận của mình.
- Không còn được đứng trên sân khấu, bà có nhớ nghề, nhớ những người đồng nghiệp của mình ngày xưa không?
Trước kia, nếu so sánh, tôi cũng một thời vàng son, không thua kém gì ai. Nhưng có lẽ do số phận của tôi đã vậy, không cách nào thay đổi.
Hồi mới nghỉ hát, tôi nhớ nghề dữ lắm. Nghe Vũ Linh ca là lòng lại đau. Tôi nhớ cả mọi người, nhớ chị Xuân Lan, Minh Vương… Đa số ai cũng ổn định, an yên. Chắc chỉ có mình tôi bấp bênh, bạc phận, nhưng tôi cũng mừng thay cho mọi người.
Dù có tình đồng nghiệp thân thiết cũng là chuyện của trước đây. Còn bây giờ, người ta làm ông này, bà kia còn mình đi bán vé số. Tôi buồn tủi lắm nên không dám đến gần.
Gần 40 năm rồi, mọi thứ cũng nguôi ngoai, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh khiến tôi hổ thẹn, mặc cảm trước đồng nghiệp xưa nên cũng không muốn gặp lại mọi người.
Dù mọi người có gặp, có nhớ mình là ai cũng có khoảng cách. Vậy nên rất lâu rồi tôi không bước vào sân khấu cũng không còn xem tivi, truyền hình nữa.
Chỉ mong mỗi ngày bán hết 50 tờ vé số
- Sau khi em gái bà mất, bên cạnh không còn người thân, cuộc sống của bà ra sao?
Trước kia, khi em gái còn sống, hai chị em tôi nương tựa vào nhau, lay lắt cũng qua ngày đoạn tháng. Giờ em mất, tôi gánh trên vai tiền trọ, điện nước và khoản nợ lớn. Khoản nợ này do tôi vay mượn khi em gái nằm viện, thuốc thang hơn 2 tháng.
Dù em tôi có bảo hiểm nhưng số tiền phải chi trả thêm cũng quá lớn với tôi. Em gái mất cũng được một thời gian rồi nhưng tôi vẫn chưa trả hết nợ.
Mỗi ngày tôi vẫn đều đặn bán vé số, dù ốm, đi viện cũng không dám nghỉ ngày nào. Nhưng dạo gần đây không bán được như ngày xưa vì bệnh xương khớp, bước đi chậm hơn, tập tễnh từ sáng đến chiều, may mắn thì bán hết 60, 70 tờ còn nếu hôm nào nhức người quá cũng cố được 50 tờ đủ tiền ăn cơm, tiền phòng, tiền góp trả nợ.
- Nguồn thu nhập không ổn định, bà có được nhận thêm hỗ trợ nào không?
Tôi bây giờ có ai cho gì thì ăn nấy. Còn tiền nhà nếu thiếu tôi sẽ mượn tiền trả trước, hoặc xin chủ nhà cho khất vài ngày, bán vé số gom đủ tôi trả ngay. Lúc nào tôi hay đau ốm, bệnh tật thì chật vật hơn.
Mọi người không hiểu cứ nghĩ em là gánh nặng của tôi, nhưng không phải vậy. Lúc ốm đau đâu ai biết được và tôi phải có trách nhiệm lo cho em mình, giờ nợ nần tôi xin chịu. Trước kia, có hai chị em cuộc sống lúc đói lúc no nhưng vẫn tốt, có chị có em cùng nhau đi bán vé số vẫn ổn hơn, cuộc sống không cùng cực như bây giờ.
Đôi khi tôi được mạnh thường quân và ban Ái Hữu nghệ sĩ hỗ trợ, nhưng tôi bây giờ mang nhiều bệnh tuổi già, sự giúp đỡ của mọi người như “gió vào nhà trống” vậy.
Nỗi lo vừa vơi đi thì bệnh tật lại đến. Tôi cũng biết bên ngoài còn nhiều người khổ hơn mình, không ai suốt ngày kề cạnh giúp đỡ mình mãi được.
Tôi cũng không muốn “bán câu chuyện” của bản thân để kiếm lòng thương, nhiều người nói tôi sao không diễn khổ sở, rách nát để người đời thương. Tôi nghèo nhưng tuyệt đối không thể bần tiện, lôi thôi.
- Vì sao bà từ chối vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ để được chăm lo cuộc sống tuổi già, không phải vất vả mưu sinh nữa?
Nói có đủ điều kiện để vào viện dưỡng lão bây giờ tôi cũng không vào được. Bởi tôi còn mắc nợ bên ngoài. Giờ vào trong ấy tuy không phải lo về cái ăn, chỗ ở nhưng không được đi bán vé số, không có tiền trả người ta sao đặng.
Hơn 34 năm qua, hai chị em đùm bọc nhau sống, nhưng giờ nó bỏ tôi đi trước, vào trong kia buồn rầu, tôi chịu không nổi. Tôi ở đây, mỗi ngày vào chợ bán vé số được gặp người này người kia cũng coi là sự an ủi tuổi già.
Nơi phòng trọ tôi ở cùng em gái giờ tôi xem như ngôi nhà của mình bởi vẫn còn kỷ niệm của hai chị em. Vào Viện dưỡng lão ở nơi mới tôi thấy buồn tủi và nhớ em gái lắm nên tôi không vào được.
- Niềm vui cuộc sống của bà bây giờ là gì?
Thật lòng, bây giờ tôi không còn biết niềm vui của mình là điều gì nữa. Có lẽ niềm vui của tôi là buổi sáng thức dậy vẫn còn sức để lãnh 50 tờ vé số đi bán, hoặc được ai đó cho một hộp cơm hay gói bánh ăn qua bữa. Nhiều lúc tôi cũng chán nản lắm, nhưng biết sao bây giờ, tôi đâu thể trách ai hay trách số phận.
Mong muốn thì ai cũng có nhưng tôi biết mọi thứ đều trở nên xa vời với mình. Người ta hay hỏi tôi ước vọng cuối cùng của mình là gì? Giờ tôi chỉ mong không còn nợ nần ai, không phải lo miếng ăn từng bữa hay tiền thuốc mỗi khi đau ốm…
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân tên thật là Đào Thị Thanh Xuân sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ nghèo.
Ngay từ nhỏ, Trang Thanh Xuân đã đam mê cải lương, bà cùng cha mẹ đi theo các gánh hát lưu diễn khắp miền Nam. Nhờ vào tài năng vốn có, năm 20 tuổi bà đã là đào chính của nhiều vở diễn kinh điển.
Ở thời đỉnh cao cách đây hơn 40 năm, tên tuổi Trang Thanh Xuân chỉ đứng sau những nghệ sĩ nổi tiếng như Minh Vương, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ... Bà còn được diễn chung với nghệ sĩ tài danh Thanh Sang.
Vai diễn gắn liền với tên tuổi Trang Thanh Xuân, được nhắc đến nhiều nhất là vai Bạch Thanh Nga trong vở Máu nhuộm sân chùa, hát chung với nghệ sĩ Minh Tâm, Vũ Linh.
Nữ nghệ sĩ từng đi diễn ở đoàn cải lương Hoa Thế Lệ, đóng chính thay cho nghệ sĩ Phượng Mai. Sau đó, bà chuyển sang đoàn Thái Dương rồi đi nhiều đoàn khác nhau.
Ở thập niên 70, Trang Thanh Xuân là cái trên thường xuyên xuất hiện trên mặt báo, bà nổi lên như một hiện tượng của giới cải lương và được khán giả chú ý nhờ ngoại hình xinh đẹp, giọng hát truyền cảm.
Nhiều người ái mộ Trang Thanh Xuân, mỗi ngày bà nhận được vài chục lá thư của khán giả gửi về xin ảnh.
Bình luận