Mô hình kinh doanh quán cà phê “cú đêm” không còn lạ lẫm trên thế giới, thậm chí còn được nhiều nhà hàng lớn áp dụng để phục vụ cho nhiều đối tượng.
![]() |
Một góc trong quán cà phê của Nguyễn Hoàng Hà. |
Ở Việt Nam, các quán cà phê kiểu này chưa thực sự phổ biến. Định kiến về hình thức “qua đêm” là môi trường phức tạp, cũng khiến cho nhiều người khởi nghiệp e ngại về khả năng thành công.
Tuy nhiên, cứ tầm 22h tối, khi các quán cà phê và quán ăn ở Sài Gòn bắt đầu đóng cửa, Thức Coffee trên đường Pasteur, quận 1 (TP.HCM) vẫn sáng đèn và đông đúc người ra vào hơn. Chuỗi cà phê 24/24 này hiện có tới 4 chi nhánh.
Là người tiên phong trong việc áp dụng mô hình kinh doanh, cô chủ 8x Nguyễn Hoàng Hà thể hiện mình là người am hiểu và nắm bắt được xu hướng của giới trẻ.
Quán là nơi tụ tập của không ít các “cú đêm” trẻ tuổi, phần vì cách trang trí khá “bụi” – không quá sang trọng nhưng vẫn có độ “Tây” vừa phải và giá cả hợp túi tiền (nước uống 25.000 – 50.000 đồng một ly), phần vì quán mở cửa suốt 24 giờ.
Hà cho biết, với số vốn 150 triệu đồng của gia đình, cô liều đem đi hợp tác với bạn (tổng số vốn là 300 triệu) để thuê một mặt bằng vỏn vẹn 16 m2 trên con đường đắt nhất nhì thành phố. Những tháng đầu, doanh thu của quán chỉ vừa đủ chi phí, có tháng lỗ 3-4 triệu đồng.
Nhưng sau gần một năm, quán đã hoàn vốn đầu tư ban đầu, được nhiều khách hàng đón nhận vì sự độc lạ, rồi người này truyền tai người kia, khiến quán ngày càng được biết đến. Tính đến nay, trung bình một quán thu hút 300 lượt khách mỗi ngày.
![]() |
Nguyễn Hoàng Hà - cô chủ 8x của chuỗi cửa hàng cà phê "cú đêm". |
Kinh doanh 24/24, nên quán cũng vài lần gặp tình huống dở khóc dở cười. Có người vừa đi bar về, ghé vào làm một ly cà phê, nhưng vì chưa tỉnh hẳn, họ yêu cầu quán mở nhạc to, rồi gây ồn ào khắp khu phố, khiến lực lượng trật tự phải ghé quán dẹp loạn vài lần.
Nhiều hôm, cô chủ 8x phải chạy từ quận 7 về lúc 2, 3h sáng để giải trình với công an phường và đóng phạt.
Vị trí đặt quán khá quan trọng trong kinh doanh cà phê kiểu này. 4 quán hiện tại của Hà đều tập trung tại những con đường có lượng lưu thông khá cao ở trung tâm quận 1.
Cô chia sẻ: “Tôi thường chọn những con đường một chiều vì nó dễ dàng cho khách khi ghé qua. Đường hai chiều đông đúc quá cũng khiến người ta ngại qua đường”
Chọn tôn chỉ lấy sản phẩm để thuyết phục người tiêu dùng nên dù có dịch vụ giao hàng tận nơi, quán không bao giờ giao bên ngoài quận 1. Hà cho biết: “Vì các loại thức uống đá xay nếu mang đi xa quá sẽ bị tan, không còn ngon nữa, mất vị cà phê như lúc đầu.
Để đảm bảo chất lượng thức uống và hình ảnh của quán, tôi phải chấp nhận mất một phần doanh thu từ việc giao hàng đi những quận khác”.
Hệ thống quản lý của chuỗi cà phê này tưởng chừng đơn giản, nhưng cũng bài bản không kém một doanh nghiệp. Những nhân viên càng lâu đời sẽ lại càng được đòi hỏi ở cấp độ thành thạo trong pha chế hơn và có trách nhiệm truyền nghề cho những người khác.
Ngoài ra, cứ mỗi ca làm việc sẽ luôn có một trưởng ca - người giải quyết những vấn đề phát sinh khi Hà không có mặt ở quán. Người này luôn được đòi hỏi phải có khả năng lãnh đạo và ứng biến nhanh trong giao tiếp.
Tuy nhiên, Hà vẫn luôn cố gắng xây dựng môi trường làm việc như một gia đình để tạo cho nhân viên cảm giác thoải mái như ở nhà.
Hà khẳng định, thời gian tới cô sẽ tiếp tục mở thêm quán cà phê qua đêm ở nhiều nơi, để những “cú đêm” có trạm dừng chân an toàn.
Theo VNE
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận