Công trình của tiến sĩ Vũ Hải Quân và nhóm nghiên cứu Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo thuộc ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) mang đến cơ hội sản xuất robot hiểu và nói được tiếng Việt.
TS Quân khẳng định rằng, nhóm nghiên cứu của anh đã làm chủ công nghệ giúp robot biết nói tiếng người và có khả năng sản xuất chip “nói tiếng Việt” để cài vào người máy.
Muốn sống “khỏe” nhờ khoa học
Hiểu một cách đơn giản, công nghệ mà nhóm nghiên cứu của TS Vũ Hải Quân làm chủ là công nghệ tổng hợp tiếng nói.Theo TS Quân (ảnh), Việt Nam có thể chế tạo robot hiểu và nói tiếng Việt.
Tuy nhiên, đó không đơn thuần là việc “huấn luyện” máy tính nói tiếng người từ dữ liệu đầu vào là văn bản. Để âm phát ra sinh động, tự nhiên như tiếng nói chuyện trực tiếp, nhóm nghiên cứu coi máy tính như đứa trẻ bắt đầu học nói, “dạy” từ mới cho máy bằng cách xây dựng và lưu trữ vào bộ nhớ của máy kho dữ liệu huấn luyện mẫu câu, bộ từ vựng tiếng Việt...
Nhóm còn nghiên cứu công nghệ nhận dạng tiếng nói để bộ dữ liệu trong máy được tự động phân đoạn thành các từ, cụm từ.
Hiện nay, sản phẩm Tiếng nói phương Nam của nhóm nghiên cứu nói được khoảng 6.000 từ tiếng Việt và nhiều kí hiệu, từ viết tắt, từ nước ngoài mà người Việt thường dùng.
TS Quân và cộng sự đang nghiên cứu thêm để máy có thể nói giọng nữ, giọng nam của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Hiện nay, những người yêu thích công nghệ tổng hợp tiếng nói có thể truy cập www.ailab.hcmus.edu.vn, nhập văn bản viết để nghe giọng nữ Nam Bộ.
Theo TS Quân, có thể ứng dụng công trình vào nhiều lĩnh vực như hàng không, viễn thông, tự động hóa… Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai những ứng dụng mà công trình mang lại chứ chưa bán.
4 đơn vị, trong đó có VDC và ICS, đã có kế hoạch phối hợp với Phòng thí nghiệm Trí Tuệ nhân tạo để triển khai dịch vụ tin tức đầu năm 2010. “Năm nay, chúng tôi sẽ thương mại hóa sản phẩm này. Chúng tôi muốn sống được bằng làm khoa học”, TS Quân cho biết.
Ngoài ra, Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo đang nghiên cứu loại máy có khả năng hiểu được tiếng người và các hệ thống giao tiếp giữa người và máy. “Nghiên cứu này sẽ không dễ dàng, nhưng tôi vẫn tin là chúng ta có thể làm được”, anh nói.
Bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống
TS Quân kể, năm 2007, lúc mới về trường, anh suy nghĩ rất nhiều về hướng nghiên cứu: nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng? Một lần, anh phải tìm số điện thoại qua địa chỉ nhà và được hộp thư tự động của Bưu điện trả lời. “Việc trả lời đều đều, giọng không được tự nhiên nên nếu phải nghe một đoạn dài, người nghe rất dễ nhàm chán”, anh nói. TS Quân quyết định theo đuổi nghiên cứu ứng dụng, vì theo anh “ngay cả những cái lặt vặt cũng cần khoa học ứng dụng”.
Ý tưởng về sản phẩm có khả năng tổng hợp tiếng nói được phôi thai từ năm 2001, lúc anh qua Italia làm nghiên cứu sinh về đề tài dịch tiếng nói. “Có ý tưởng nhưng để có kết quả là một quá trình dài. Nếu không quyết tâm, không được ủng hộ thì khó có thể thành công”, anh nói.
Ngay trong năm 2007, ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt dự án Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng, đồng thời phê duyệt đề tài nghiên cứu trọng điểm về tổng hợp tiếng nói Việt.
“Môi trường làm việc tốt tạo động lực phát triển. Nếu được bạn bè, lãnh đạo tin tưởng, mình sẽ phát huy được óc sáng tạo. Đó là điều kiện cần cho người làm khoa học”, TS Quân tâm sự.
Theo Báo Đất Việt
Bình luận