Cơ chế đặc thù TP.HCM: Tránh số lượng chính sách nhiều nhưng hạn chế về sức nặng

Chính trịThứ Sáu, 12/05/2023 18:16:18 +07:00
(VTC News) -

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị xây dựng chính sách đặc thù cho TP.HCM tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo.

Chiều 12/5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị, cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo Nghị quyết thì đã đủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của thành phố hay chưa?

Bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

"Đề nghị nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.

Cơ chế đặc thù TP.HCM: Tránh số lượng chính sách nhiều nhưng hạn chế về sức nặng - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận định một số quy định còn rập khuôn như các địa phương khác, trong khi đó có thể nghiên cứu trên nền các chính sách này để vận dụng theo hướng đột phá hơn, mạnh mẽ tương xứng với quy mô, vị thế của TP.HCM.

Cũng theo bà Vũ Thị Lưu Mai, qua giám sát tối cao chuyên đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho thấy, hiện trên địa bàn còn nhiều dự án chậm triển khai qua nhiều nhiệm kỳ do vướng về cơ chế, chính sách, pháp luật gây lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn như: dự án Bình Quới Thanh Đa, dự án nam thành phố…

"Vì vậy, đề nghị rà soát kịp thời, cùng với việc thí điểm cơ chế đặc thù cần kết hợp tạo căn cứ pháp lý để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực", đại diện cơ quan thẩm tra nói thêm.

Trước đó, trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP Thủ Đức.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của thành phố…

Cơ chế đặc thù TP.HCM: Tránh số lượng chính sách nhiều nhưng hạn chế về sức nặng - 2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); quy định các điều kiện để thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; quy định mở rộng lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa.

Đồng thời quy định TP.HCM được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT; quyết định sử dụng vốn ngân sách thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT.

Liên quan đến tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức, dự thảo quy định HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường…

Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (SaiGon Coop) hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn