• Zalo

Cô bé 'sợ nắng' ham học

Giáo dụcThứ Tư, 18/12/2013 05:57:00 +07:00Google News

Nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ Lưu Thị Bích Phụng lại mang trong mình căn bệnh lupus đỏ biến chứng thận nhưng em luôn khiến mọi người phải mến phục

Nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ Lưu Thị Bích Phụng lại mang trong mình căn bệnh lupus đỏ biến chứng thận nhưng em luôn khiến mọi người phải mến phục vì nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Vượt lên trên nghịch cảnh

Theo sự chỉ dẫn của thầy Trần Trọng Hưng (hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Kim) chúng tôi tìm đến nhà Phụng trong một chiều chập choạng tối. Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm vào trong, nép mình bên một vựa ve chai. Em hiện đang là học sinh lớp 12/3 trường THPT Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang).

Nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ Lưu Thị Bích Phụng lại mang trong mình căn bệnh lupus đỏ biến chứng thận nhưng em luôn khiến mọi người phải mến phục
Nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ Lưu Thị Bích Phụng lại mang trong mình căn bệnh lupus đỏ biến chứng thận nhưng em luôn khiến mọi người phải mến phục 
Phụng sinh ra trong một gia đình cha chạy xe ôm, mẹ làm nghề se nhang (hay còn gọi là hương) thủ công và buôn bán nhỏ. Thu nhập hàng ngày của gia đình em không quá 80.000 đồng.

Phụng mắc phải căn bệnh lupus đỏ biến chứng thận, hàng tháng phải đến bệnh viện để điều trị. Mọi thu nhập trong gia đình điều được dành dụm và đổ dồn vào việc chữa bệnh cho em. Biến cố xảy ra với gia đình em kể từ ngày cha em đột ngột qua đời do cơn tai biến mạch máu não (lúc đó Phụng 4 tuổi).

Kể từ ngày cha mất, mọi gánh nặng mưu sinh đè nặng trên đôi vai của mẹ Phụng. Sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình nên Phụng luôn cố gắng trong học tập. Nhiều năm liền Phụng luôn đạt được học lực giỏi. Ngoài giờ học, Phụng luôn tranh thủ những thời gian rảnh phụ mẹ se nhang hay làm việc nhà.

Nhưng một năm lại đây, nghề se nhang chuyển sang làm bằng máy nên nguồn hàng bột làm tay không còn. Không đủ tiền để trang bị máy se nhang để tiếp tục làm nghề, gia đình em lại rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn.

Nói về bệnh tình của Phụng mẹ em không kiềm được nước mắt: “Ban đầu, cứ tưởng con nó chỉ sốt nhẹ thông thường nhưng không ngờ những ngày sau đó chân tay con bé đột nhiên sưng phù người xuất hiện nhiều ban đỏ. Tôi chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi để trị bệnh cho con mà không dứt được căn bệnh.

Bệnh của con bé không được xách nặng, không được ra nắng nhưng nó ham học quá. Sáng ra con nó đi học từ sáng đến chiều mới về. Những buổi chiều còn nắng nó phải ở lại chờ hết nắng mới về, về đến nhà thì trời tối mịt” - mẹ Phụng tâm sự.
Biến giường bệnh thành nơi học tập
Biến giường bệnh thành nơi học tập
Từ lúc phát hiện bệnh đến nay, Phụng đã hàng trăm lần ra vào bệnh viện. Hiện tại, hàng tháng em phải khám và điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Có những lần Phụng phải nằm viện hơn hai tháng trời, lúc ấy em lại đòi mẹ mang sách vở vào tận giường bệnh để học bài.

Nhắc đến điều ấy Phụng chia sẻ: “Lúc ấy em thèm được đến trường lắm. Nằm bệnh viện lâu em vừa nhớ lớp, vừa sợ không theo kịp bạn bè nên em đòi mẹ mang sách vở vào cho em học. Em còn nhớ mỗi lần bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe cho em ai cũng xoa đầu bảo ráng hết bệnh về đi học nha con”.

Khi Phụng lên cấp III đường đến trường xa hơn. Hằng ngày, em phải vượt hơn 6km để đến trường, có nhiều lần vừa đến cổng trường thì em bắt đầu thấy choáng váng, không ít lần bị ngất xỉu ở trường nhưng em vẫn không từ bỏ ước mơ của mình và kiên trì đến trường mỗi ngày.

Thầy Trần Trọng Hưng - Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Kim cho biết: “Phụng là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. Mặc dù bệnh nhưng em không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập. Phụng vốn chăm ngoan nên thường được thầy cô và bạn bè quan tâm giúp đỡ trong học tập. Do bệnh của Phụng tránh tiếp xúc ánh nắng và xách nặng nên em được miễn môn giáo dục thể chất ở trường”.

Thường xuyên phải nghỉ học để điều trị bệnh nên những giờ nghỉ giải lao Phụng thường tranh thủ ngồi đọc sách, ôn lại bài cũ hoặc trao đổi với bạn hoặc nhờ thầy cô giảng lại những chổ mình còn chưa hiểu.

Nói về ước mơ của mình Phụng bộc bạch: “Em sẽ cố gắng học giỏi để không làm mẹ và thầy cô phải thất vọng về em. Em mong sau này mình sẽ trở thành cô giáo, em sẽ đi làm và lo lắng cho mẹ có cuộc sống tốt hơn”.

Theo Mực Tím

Bình luận
vtcnews.vn