Tiền Hồng Diễm sinh năm 1996 trong một gia đình nông dân ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ở một làng quê nghèo, trẻ con không có gì để chơi ngoài việc tụ tập nghịch bùn cát. Năm lên 4 tuổi, Tiền Hồng Diễm như thường lệ, cùng một nhóm bạn rải cát bên vệ đường, vui vẻ rượt đuổi và chơi đùa. Một chiếc giày của cô bị rơi ra khi đang chạy, cô đã quay lại để nhặt mà không biết điều kinh khủng đang chờ đón mình phía trước.
Vào thời điểm này, một chiếc xe tải lớn đang chạy nhanh trên đường. Người lái xe đã không phát hiện ra Hồng Diễm vì thân hình nhỏ bé, đến khi tài xế nhận ra thì đã quá muộn.
Cơ thể nhỏ bé của Hồng Diễm đã bị cuốn vào gầm một bánh xe cao hơn một mét. Dù được cứu sống nhưng không may, tai nạn đã khiến cô bé phải cắt cụt xương chậu, tàn tật suốt đời.
Tai nạn này là một thảm họa cho bất kỳ gia đình nào, gia đình Hồng Diễm cũng không ngoại lệ. Khi mẹ Hồng Diễm nhìn thấy con gái mình như vậy, bà đã nhiều lần muốn tự tử nhưng chồng can ngăn kịp thời.
Sau khi nằm viện hồi sức một thời gian, cô trở về nhà. Cả ngày Hồng Diễm không nở được một nụ cười, ăn cũng không ngon miệng như trước. Dù mới 4 tuổi nhưng cô không biết cuộc đời mình còn bao lâu và tương lai mình sẽ đi như thế nào.
Để Hồng Diễm có thể dễ dàng vận động, ông nội đã cắt đôi một quả bóng rổ cũ, nhét bông gòn vào bên dưới cơ thể và làm một tay cầm bằng gỗ để cô có thể đi lại. Kể từ đó, Hồng Diễm được gọi là “Cô bé bóng rổ”.
Câu chuyện của “Cô bé bóng rổ” nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông. Trong một thời gian, ngôi nhà của cô bị bao quanh bởi rất nhiều phóng viên, ống kính. Hồng Diễm ngày càng được nhiều người biết đến, ai cũng thương cảm cho cô bé và lần lượt mở rộng vòng tay giúp đỡ.
Nhưng trong lòng Hồng Diễm, cô nhận thức được mình khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, và sự “khác người” này khiến cô cảm thấy tự ti. Cô cảm thấy rằng mỗi ngày mọi người nhìn và quan sát mình như một sinh vật lạ lẫm.
Cô không dám mơ nữa, không dám nghĩ đến bất cứ điều gì. Nhìn thấy những bạn nhỏ khác trong bộ váy và đôi giày xinh đẹp, nhảy múa. Hồng Diễm chỉ có thể đứng từ xa ước ao. Nhưng như người ta thường nói, khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra.
Năm 2007, với sự giúp đỡ của Liên đoàn Người khuyết tật địa phương, Hồng Diễm đã đến Côn Minh (Trung Quốc) để xem Thế vận hội Paralympic lần thứ 7. Cô nhận thấy rằng hầu hết mọi người ở đây đều giống như mình. Họ đều là những người có thân hình không hoàn hảo nhưng đều mang những vẻ đẹp khác nhau. Cô đột nhiên nhìn thấy hy vọng, và một nụ cười đã mất từ lâu hiện trên khuôn mặt Hồng Diễm.
Ánh nhìn đầy hy vọng của Hồng Diễm đã thu hút sự chú ý của Zhang Honghu, huấn luyện viên bơi lội Paralympic lúc bấy giờ. Năm 11 tuổi, cô được tham gia vào đội tuyển bơi lội Paralympic tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Đối với một vận động viên bơi lội bình thường, việc luyện tập đã vất vả, thì với một người khiếm khuyết thân dưới như Hồng Diễm, nó lại càng khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, cô gái vẫn kiên quyết nói với huấn luyện viên: “Tôi không ngại gian khổ, tôi có thể làm được, tôi nhất định sẽ làm được”.
Những giọt mồ hôi từ quá trình luyện tập đã đổ xuống, và kỹ năng của Hồng Diễm cũng tăng lên từng ngày. Bơi lội cho phép cô gái nhỏ chinh phục những điều mà ngày trước cô chưa từng nghĩ đến.
Năm 2009, huấn luyện viên đã quyết định để Hồng Diễm tham dự Thế vận hội Paralympic địa phương. Cô đã giành được ba huy chương vàng, điều này cũng làm tăng sự tự tin của cô lên rất nhiều.
Cùng năm, cô giành được một huy chương vàng và hai huy chương bạc tại Giải vô địch bơi lội dành cho người khuyết tật dưới 18 tuổi quốc gia.
Cô về thứ 9 ở nội dung 100m bơi ếch nữ tại Thế vận hội Paralympic 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil). Ngoài ra, tại Thế vận hội Paralympic Thiên Tân 2019, Hồng Diễm đã giành được huy chương đồng ở nội dung S7 bơi 400m nữ. Tại Thế vận hội Paralympic toàn quốc lần thứ 11 năm 2021, cô cũng đạt thành tích tốt với một bạc và bốn đồng.
“Cô gái bóng rổ” ngày nào giờ đã trở thành “Cá nhỏ dưới nước”. Ngoài việc tỏa sáng trên cương vị một vận động viên, Hồng Diễm còn có cơ hội làm việc cho Hiệp hội Người khuyết tật ở huyện Luliang, thành phố Qujing, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Cô chia sẻ nói: “Tôi muốn làm điều gì đó để giúp đỡ những người bạn khuyết tật. Tôi hy vọng họ có thể có đủ can đảm để sống. Tôi hy vọng sẽ chứng minh được giá trị của cuộc sống thông qua những hành động, cống hiến cho xã hội và thành tựu bản thân”.
Bình luận