• Zalo

Cô bé 2 tuổi biết đọc, 3 tuổi biết làm toán ở Thanh Hoá

Giáo dụcChủ Nhật, 19/10/2014 07:16:00 +07:00Google News

Câu chuyện về cô bé “thần đồng” Đặng Thị Quỳnh Anh ở Thanh Hoá khiến không ít người trầm trồ, ngạc nhiên bởi khả năng bẩm sinh và trí nhớ hơn người.

Câu chuyện về cô bé “thần đồng” Đặng Thị Quỳnh Anh ở Thanh Hoá khiến không ít người trầm trồ, ngạc nhiên bởi khả năng bẩm sinh và trí nhớ hơn người.

Biết đọc, biết viết lúc 2 tuổi

Đi sâu vào con ngõ nhỏ chật hẹp, chúng tôi bước vào ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Hùng, chị Tuyên để gặp cháu Quỳnh Anh - người lâu nay được mệnh danh là “thần đồng” xứ Thanh. Sau một ngày tất bật gặt lúa, đôi vợ chồng trẻ đang ngồi nghỉ ngơi.

Thấy có khách lạ, hai vợ chồng hơi ngập ngừng giây lát, rồi đon đả mời chúng tôi ngồi xuống uống nước ngay ở hiên nhà. Chị Tuyên gọi: “Quỳnh Anh có cô chú nhà báo về thăm con.

Quỳnh Anh và bố. 
Không hề rụt rè trước người lạ, Quỳnh Anh ngồi ngay bên cạnh mẹ, nghe người lớn nói chuyện về chính mình.

Câu chuyện về những điều kỳ lạ ở bé Quỳnh Anh được anh Hùng kể lại: Hồi cháu mới 2 tuổi, anh thường đèo cháu đến những nơi vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi ở thành phố để cháu được thấy những trò chơi như bong bóng, con ngựa, con công...

Trong một lần bế con ngồi uống nước với bạn bè ở ngã ba Đình Hương, TP.Thanh Hoá, anh và mấy người bạn không tin vào mắt mình khi thấy bé Quỳnh Anh ngó nghiêng nhìn xung quanh, nơi có các biển quảng cáo rồi đọc lại một cách vanh vách.


Không chỉ thế, mỗi khi có xe máy hay ôtô đi qua, cháu đều ghi nhớ rất nhanh và nhắc lại một cách chính xác những con số như một sở thích, trò chơi.

Anh Hùng tâm sự: “Ở nhà, Quỳnh Anh rất thông minh, lanh lợi, hay nói nhiều, hỏi nhiều về những con vật, đồ vật lạ, nhưng chuyện cháu biết đọc thì khi ấy chúng tôi mới biết và thực sự bất ngờ”.


Trước đó, khi thấy cháu Đặng Văn Tùng (anh trai Quỳnh Anh, đang học lớp 1) thường hay đánh vần tập đọc, Quỳnh Anh cũng bắt chước đọc theo, rồi cầm sách vở tò mò xem hình những con vật, đồ vật lạ như xe ôtô, máy bay, tàu hoả, con hươu, con ngựa…

Cháu thông minh và có thể nhớ một cách chính xác chỉ sau một lần hỏi. Thế nhưng, điều mà vợ chồng anh Hùng không thể tin nổi là tại sao cháu có thể nắm bắt được quy luật của ngôn ngữ về ghép âm, ghép từ để câu từ có nghĩa. Và làm sao cháu có thể đọc văn bản, câu đoạn một cách diễn cảm, rồi nắm được hồn cốt của truyện và kể lại cho bố mẹ nghe…

Quỳnh Anh chơi trò “Ai là triệu phú” trên điện thoại. 
Sau khi biết khả năng đặc biệt của Quỳnh Anh, vợ chồng anh Hùng thường hay để ý tới sinh hoạt, sở thích hàng ngày của cháu hơn. Thường ngày, cháu hay xem các chương trình trên tivi, chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chương trình thiếu nhi, hoạt hình, các trò chơi như “Ai là triệu phú”, “Chiếc nón kỳ diệu”...

Đến năm 3 tuổi, Quỳnh Anh không chỉ dừng lại ở khả năng đọc viết, kể chuyện mà bé còn thích tập hát, tập múa, thích vẽ...

Có lần, anh Hùng cho con đi đám cưới, về nhà cháu vẽ lại hình cô dâu, chú rể với áo cưới, bó hoa cùng những đồ đạc xung quanh một cách ngộ nghĩnh với những màu sắc, vị trí chính xác đến anh cũng không ngờ.


Không chỉ biết đọc biết viết, ham thích vẽ, hát..., kể từ khi 3 tuổi Quỳnh Anh còn biết làm toán với 3 phép tính cộng, trừ, nhân... “Cháu đã tự đếm dãy số lên đến hàng nghìn; biết thực hiện phép tính cộng trừ hai chữ số, thuộc và thực hiện phép tính nhân... Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, vui mừng hơn là Quỳnh Anh bây giờ (5 tuổi) còn biết đọc, viết tiếng Anh”, chị Tuyên cho biết.

Ngoài ra, Quỳnh Anh còn hay tự mở xem các chương trình: Eva chào Việt Nam, chương trình dạy tiếng Anh cho các bé... rồi tự học theo.

Cũng từ khi 3 tuổi, cháu đã thuộc bảng chữ cái bằng tiếng Anh, gọi tên đồ vật, con vật bằng tiếng Anh... Đến giờ cháu viết, đọc được cả một câu tiếng Anh hoàn chỉnh.

“Nói có sách, mách có chứng”, Quỳnh Anh lấy sách tiếng Việt, sách tiếng Anh lớp 4 (của anh trai) để trổ tài cho chúng tôi xem. Quỳnh Anh biết viết, đọc và gọi tên các đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt bằng tiếng Anh một cách lưu loát như: Cái thước, cây bút, cục tẩy, sách, bóng điện, cái ô hay các con vật như: Khủng long, vịt, gà, chim bồ câu...

Không chỉ vậy, bé còn đọc và viết thành thạo đầy đủ một câu có chủ vị bằng tiếng Anh như: Tên tôi là Quỳnh Anh. Ông ấy tên là Bill. Kia là bố. Đây là mẹ. Gia đình tôi có 6 người…

Ngoài khả năng về đọc, viết, Quỳnh Anh còn có thể làm toán rất nhanh. Bé thực hiện một phép nhân bảng cửu chương 6 trong vòng 30 giây, phép cộng và trừ còn nhanh hơn thế. Quỳnh Anh cũng làm được cả phép toán có số âm và những phép tính lên đến con số hàng nghìn.

Quỳnh Anh viết tiếng Anh vào sách. 
Trong cuộc sống, Quỳnh Anh còn có một trí nhớ và sự thông minh siêu việt. Chị Tuyên cho biết, tivi nhà chị có tất cả hơn 80 kênh sóng khác nhau, thế nhưng Quỳnh Anh nhớ vị trí tất cả các kênh sóng từ khi cháu 3 tuổi.

Hàng ngày, cứ đến các chương trình yêu thích của mình là Quỳnh Anh lại vào nhà, tự mở tivi xem trong lúc người lớn đang bận làm việc. Ngày trước là tivi, bây giờ thấy bố có điện thoại là Quỳnh Anh lại quấn quýt bên bố để mượn điện thoại chơi trò “Ai là triệu phú”.


“Cháu chơi rất “sành” mà chính tôi cũng không biết vì sao cháu lại trả lời đúng được các câu hỏi? Hay do cháu chơi nhiều, có phương án lặp lại?”, anh Hùng khó hiểu.

Riêng chuyện nhớ số điện thoại thì Quỳnh Anh là số một trong gia đình. Quỳnh Anh nhớ số điện thoại của tất cả những người trong gia đình như cô, dì, chú bác…, thậm chí cả những người bạn mà bố mẹ hay gặp, nói chuyện, làm ăn… “Hai bên nội ngoại có cả mấy chục người, thế nhưng ai xưng hô thế nào thì chỉ cần bố mẹ nói một lần là cháu đều nhớ. Có người đến cả năm mới gặp lại do ở trong Nam, nhưng cháu cũng nhớ rõ đã gặp khi nào, xưng hô ra sao”, chị Tuyên cho biết.

Vào hè năm 2013, tỉnh Thanh Hóa tổ chức một cuộc thi về toán học dành cho học sinh giỏi lớp 2 của địa phương. Vì trong họ hàng có người tham gia cuộc thi nên anh chị đưa cháu đi xem. Anh Hùng nhớ: “Lần đó, cuộc thi đưa ra dãy ký tự gồm 20 chữ số sắp xếp lẫn lộn, các em chỉ được nhìn trong vòng 5 phút rồi sau đó phải điền lại xem ai điền chính xác nhất.

Lần đó, Quỳnh Anh đã giơ tay trả lời đầu tiên nhưng do cháu còn nhỏ, không ai để ý, nên cháu không được trả lời, mặc dù phương án của cháu hoàn toàn đúng”. Là cha mẹ của một người con “thần đồng”, những tưởng anh Hùng, chị Tuyên đều học hành đỗ đạt cao, có khả năng kèm cặp thêm cho con.

Nhưng ít ai ngờ rằng, hai vợ chồng trẻ ấy (chị Tuyên - SN 1985, anh Hùng - SN 1974) đều học chưa hết cấp 2, rồi nghỉ học sớm để đi làm. “Hai vợ chồng chúng tôi là người cùng xã, do cuộc sống hai bên gia đình vất vả nên sớm phải nghỉ học để làm ăn”, chị Tuyên cười cho biết.

Không chỉ Quỳnh Anh được ví như “thần đồng” của xứ Thanh mà anh trai của Quỳnh Anh là cháu Đặng Văn Tùng (học lớp 4) cũng luôn là học sinh giỏi của trường. Cô Lê Thị Tuyết - giáo viên trường mầm non Thiệu Khánh, chủ nhiệm bé Quỳnh Anh - khẳng định: Quỳnh Anh ở lớp rất thông minh, khả năng nhận biết, phản ứng nhanh với các câu hỏi của giáo viên, giao tiếp bạn bè hoà đồng, được nhiều bạn trong lớp quý mến.


Bà Đỗ Thị Hương - Thạc sĩ tâm lý Bệnh viện Nhi Thanh Hoá - nhận định, đối với trường hợp của bé Quỳnh Anh cần phải đưa bé đến trung tâm, bệnh viện kiểm tra, đánh giá chỉ số IQ, khả năng giao tiếp, hoà đồng với mọi người, khả năng quan tâm, mức độ phản ứng với các sự vật, hiện tượng mới có thể kết luận cụ thể…

Bởi có nhiều trường hợp trẻ thông minh là do có chỉ số IQ cao nhưng cũng có trường hợp trẻ ở dạng tự kỷ trí tuệ - tức là chỉ chú ý, thích thú đối với một lĩnh vực, một đối tượng nào đó như học giỏi vi tính, tiếng Anh… theo kiểu dập khuôn, lặp lại máy móc.

Theo Đình Giang/Báo Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn